Biển một bên và em một bên
Xác định 'đảo là nhà, biển cả là quê hương', những người lính đã và đang công tác tại huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã viết nên bao chuyện tình son sắt, thủy chung nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
![Vợ chồng sĩ quan Trịnh Phú Kỳ trong ngày cưới.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_173_51453853/2b4c351f0351ea0fb340.jpg)
Vợ chồng sĩ quan Trịnh Phú Kỳ trong ngày cưới.
Khi tình yêu dẫn lối
Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trịnh Phú Kỳ nhận nhiệm vụ làm Chính trị viên phó Đại đội Pháo Phòng không 37mm Ban CHQS huyện Lý Sơn. Những ngày đầu, đêm nằm nghe sóng vỗ, anh nhớ nhà đến cồn cào. Thế rồi việc quân bộn bề cứ cuốn anh đi, để rồi sự quyến luyến với đảo tiền tiêu cứ mỗi ngày lại dâng trào theo từng con sóng vỗ. Hè năm 2014, trong chuyến cùng đơn vị giúp bà con xã An Hải thu hoạch hành tỏi, anh tình cờ giáp mặt cô sinh viên Nguyễn Thị Phú vừa tốt nghiệp loại giỏi Đại học ngân hàng về tham gia phụ giúp gia đình. Từ buổi ấy, hình bóng cô gái có nước da bồ quân, mái tóc ngang vai, giọng nói dịu dàng cứ đong đầy trong tâm trí. Càng tiếp xúc anh càng bị chinh phục bởi sự tinh tế, thông minh của cô gái đảo. Nhưng mối tình vừa nhen thì “đàng gái” phải tạm biệt quê hương vào Nam lập nghiệp.
Tình yêu trong xa cách như ngọn lửa trong gió, càng trong cách trở đôi trẻ càng thấu hiểu sâu sắc không thể thiếu vắng nhau trong đời. Hễ được nghỉ phép hay có dịp đi tranh thủ, “chàng” không ngại đường xa đến thăm, trò chuyện và bền bỉ thuyết phục. Mưa dầm thấm lâu, dù đã có việc làm với thu nhập ổn định tại TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Phú vẫn quyết định về lại quê nhà để làm dâu bộ đội. Cô chia sẻ: “Em đã suy nghĩ rất nhiều: Không có việc này thì có việc khác, còn người mình thương yêu và yêu thương mình sâu nặng thì chỉ có một trên đời”.
Ngày 18-9-2015, trên hòn đảo thơ mộng Lý Sơn đã diễn ra một đám cưới quân dân giản dị mà tưng bừng. Có tình yêu dẫn lối, hạnh phúc của gia đình người lính trẻ càng đơm hoa kết trái ngọt lành.
![Gia đình đồng chí Trần Anh Tuấn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_173_51453853/15760a253c6bd5358c7a.jpg)
Gia đình đồng chí Trần Anh Tuấn.
Gần lắm Lý Sơn
Kéo con gái đất liền ra định cư ở đảo là chuyện tình độc đáo của Đại tá Nguyễn Thành Định. Quê gốc tại xã đảo An Vĩnh, khi vào đất liền công tác tại Trung đoàn 94, Sư đoàn 307, anh đã bén duyên với thôn nữ Nguyễn Thị Tuyết Mai (xã Phổ Phong, Đức Phổ, Quảng Ngãi). Năm 1996, nhận nhiệm vụ trở về quê hương công tác, làm Chính trị viên Ban CHQS huyện Lý Sơn, anh kéo cả nhà gồng gánh đi theo. Chị Mai kể: “Lúc ra giữa biển khơi, ngoái nhìn về 2 phía bờ và đảo đều xa hun hút, nước mắt cứ chực trào ra. Những ngày đầu gia đình phải ở tạm nhà kho cũ của đơn vị. Mình xoay đủ nghề: trồng rau, nuôi heo, gà, làm cấp dưỡng cho một doanh nghiệp xây dựng... để lo toan cơm, áo, gạo, tiền. Gom góp mãi mới cất được căn nhà khang trang, nuôi dạy hai con chăm ngoan, học hành đỗ đạt”.
Trong số các nàng dâu của Ban CHQS huyện Lý Sơn, có phóng viên Lê Thị Hồng Hoa công tác tại báo Quảng Ngãi. Ra tác nghiệp ở đảo, chẳng biết có phải vì say cảnh sắc thiên nhiên trời xanh, mây trắng, nắng vàng rồi đâm ra mê người - chàng sĩ quan trẻ hào hoa Phạm Trung Hiếu, Phó Đại đội trưởng Đại đội pháo mặt đất? Chỉ biết rằng từ ấy, hình ảnh người lính đảo can trường mà gần gũi đã trở thành đề tài quen thuộc, tâm huyết trong nhiều tác phẩm báo chí của Hồng Hoa. Được tòa soạn ủng hộ, tạo điều kiện “đứng cánh” ở Lý Sơn đã tác hợp cho đôi bạn trẻ chính thức đến với nhau bằng một đám cưới nhà binh rộn ràng.
Tìm hiểu kỹ rồi mới “chốt” phương án làm rể đảo là Thượng tá Trần Anh Tuấn - Chính trị viên Ban CHQS huyện Lý Sơn hiện nay. Nước da trắng, gương mặt ưa nhìn, nói chuyện có duyên, thời trai trẻ anh từng khiến bao thiếu nữ ngẩn ngơ. Tốt nghiệp sĩ quan lục quân 2, ra đảo công tác từ năm 1999, dù quân hàm đã thay mấy lượt nhưng anh vẫn đi về lẻ bóng khiến nhiều đồng đội xung phong làm “ông mối” nhiệt tình. “Người tính không bằng trời tính”, trong một buổi giao lưu kết nghĩa giữa Đại đội Pháo phòng không mà anh đang làm Chính trị viên với Trường THCS An Vĩnh, đôi mắt chàng sĩ quan trẻ cứ “chớp chớp liên hồi”. “Điểm ngắm” là cô giáo dạy Lịch sử và Giáo dục công dân Nguyễn Thị Hường Vi, “người thanh tiếng nói cũng thanh”, lại thuộc rất nhiều bài thơ hay về bộ đội Cụ Hồ. Càng trò chuyện càng ý hợp tâm đầu. Năm 2005, một đám cưới tưng bừng được tổ chức ngay tại sân Ban CHQS huyện không những đưa đôi trẻ về chung một nhà mà còn “mở đường” cho hơn chục cô giáo trường An Vĩnh nối bước về làm dâu các đơn vị quân đội đóng quân trên đảo.
Nhẩm tính, chỉ riêng số gia đình quân nhân Ban CHQS huyện Lý Sơn “bén duyên” trên đảo đến nay đã lên đến hàng… trung đội. Đúng như câu thơ của Trần Đăng Khoa “Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía/ Biển một bên và em một bên”, những bản tình ca ngọt ngào nơi đầu sóng giúp người chiến sĩ thêm chắc tay súng canh giữ bình yên biển, đảo quê hương.