Biên giới mãi trong trái tim người lính biên phòng

Là địa phương có đường biên giới dài gần 72 km giáp với Vương quốc Campuchia, Đắk Lắk giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Nơi đây, giữa rừng sâu, suối thẳm, những người lính mang quân hàm xanh vẫn ngày đêm bám trụ nơi biên giới, âm thầm viết nên bản anh hùng ca bất tận bằng chính cuộc sống và trái tim của mình.

Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk. Ảnh: Ngọc Lân.

Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk. Ảnh: Ngọc Lân.

Biên giới – nơi bắt đầu sứ mệnh thiêng liêng

Đắk Lắk có 2 huyện biên giới: Buôn Đôn, Ea Súp, địa hình chủ yếu là rừng núi, sông suối, đường biên giới phần lớn nằm giữa rừng sâu, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Mùa mưa lầy lội trơn trượt, mùa khô nắng gắt, gió bụi cuốn mù trời. Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk vẫn kiên cường bám trụ, tuần tra, kiểm soát từng tấc đất thiêng liêng.

Nhiều người trẻ, khi vừa rời ghế nhà trường, mang theo nhiệt huyết của tuổi đôi mươi, đã tình nguyện khoác lên mình màu xanh áo lính, gác lại phố thị phồn hoa, chọn nơi biên cương làm nhà. Họ đến với biên giới không vì danh lợi, mà vì một sứ mệnh lớn lao: bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuất thân từ gia đình công nhân ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có bố và anh trai đều là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, Thượng tá Lê Hải Thanh, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Đắk Lắk kể: Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được nghe bài hát “ước làm chiến sĩ” anh đã mãi mê ngắm nhìn chú bộ đội, đòi mẹ cho đi bộ đội. Anh thích làm chú bộ đội tới mức xin áo “bu dông” của anh để mặc đi học. Tiếp nối truyền thống của cha và anh, năm 1995 anh nhập ngũ và thi đậu vào Trường Đại học Biên phòng. Năm 2001, anh về công tác tại BĐBP tỉnh Đắk Lắk.

“Thời điểm đó tình hình an ninh, chính trị ở Đắk Lắk rất phức tạp, bọn phản động Fulro tụ tập đông người để biểu tình bạo loạn. Sau bạo loạn, chúng lại đẩy mạnh các hoạt động chống phá chính quyền, chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Campuchia để đi nước thứ 3. Khu vực biên giới là nơi các đối tượng bên ngoài dễ xâm nhập vào lôi kéo, kích động bà con tham gia biểu tình, bạo loạn, gây rối an ninh trật tự… Tuy nhiên, bà con các buôn ở đây đều không tham gia. Không phải ngẫu nhiên bà con không tham gia mà đó là cả quá trình công sức dài của tất cả các lực lượng trong đó BĐBP trực tiếp làm công tác bám buôn, vận động quần chúng, trinh sát, rồi trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con.

Với Thượng tá Lê Hải Thanh, biên giới không chỉ là nơi chấm dứt lãnh thổ, mà là nơi bắt đầu trách nhiệm của người lính. Đối với người lính biên phòng, vùng biên không chỉ là nơi đóng quân, mà là nơi họ sống, chiến đấu, gắn bó cả cuộc đời.

BĐBP Đắk Lắk vững bước hành quân. Ảnh: Ngọc Lân.

BĐBP Đắk Lắk vững bước hành quân. Ảnh: Ngọc Lân.

Những gian khổ thầm lặng nơi tuyến đầu

Trên tuyến biên giới Đắk Lắk có 7 Đồn Biên phòng trải dài, quản lý hàng chục cột mốc lớn nhỏ. Mỗi đồn là một pháo đài vững chắc, mỗi người lính là một "người giữ rừng", "người giữ đất", "người giữ niềm tin". Những cái tên như Đồn Biên phòng Yok Đôn, Đồn Biên phòng Ia R’vê, Đồn Biên phòng SêRêPốk… không chỉ là địa danh, mà là biểu tượng của lòng dũng cảm, của sự bền bỉ, hy sinh thầm lặng.

Có những người lính đã gắn bó với vùng biên giới Đắk Lắk gần 40 năm, từ khi còn là chàng trai trẻ mơ mộng, nay mái tóc đã điểm bạc nhưng lòng yêu biên cương vẫn vẹn nguyên như thuở đầu.

Đại tá Phạm Quang Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng Biên phòng Đắk Lắk chia sẻ, năm 1984, anh tốt nghiệp Đại học Công an vũ trang; một chàng trai trẻ ngây ngô đang sống ở Hà Nội nhận nhiệm vụ vào rừng sâu biên giới của tỉnh Đắk Lắk. Khi ấy thị xã Buôn Ma Thuột còn nghèo nàn, đường xá đi lại còn sình lầy, từ chỗ ăn, chỗ ở, từ cơ sở vật chất đến điều kiện làm việc khó khăn, mấy tháng mới có một chuyến xe chở gạo vào đồn. Gạo thì mục, mỗi lần đưa xuống suối đãi thì gạo mục nổi lên mất 1/3. Từng sọt cá chuồn dù dòi, bọ trong đó vẫn cứ phải ăn. Đồn nào nuôi được con gà, con heo thì cải thiện thêm còn không thì chủ yếu ra suối kiếm con cá để ăn.

“Có những cuộc chiến chống Fulro, đối mặt với hiểm nguy cận kề cái chết, nhưng vẫn kiên cường tiến lên vì danh dự và nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó. Đồng đội anh có người suýt mất mạng vì sốt rét rừng, có người đã mãi mãi nằm lại trên biên giới trong khi tuổi đời còn rất trẻ. Tất cả họ đều có chung một điểm: trái tim dành trọn cho biên giới.

Khúc tráng ca bất tận trong lòng người lính

Tình yêu của người lính biên phòng dành cho biên giới là tình yêu không ồn ào, không cần phô trương, nhưng đầy sâu sắc và mãnh liệt. Đó là thứ tình yêu bắt nguồn từ lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân. Nó thể hiện qua từng bước chân, từng ca trực, từng dòng nhật ký để lại nơi chốt gác. Đó cũng là tình yêu vượt lên trên mọi thiệt thòi riêng tư – khi không thể bên người thân lúc Tết đến xuân về, khi gác lại lời hứa hẹn với người yêu nơi phố thị, khi chấp nhận cô đơn để đất nước được bình yên. Nhiều người lính biên phòng đã trở thành người con của buôn làng, sống trọn đời với bà con nơi biên giới.

Học xong lớp 12, chàng trai Rơ Lan Ngân, sinh năm 1979, người dân tộc Jơ Rai, (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) tình nguyện vào quân đội nối bước người cha. Sau khi tốt nghiệp Đại học Biên phòng (năm 2001) anh về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Biên phòng Đắk Lắk với nhiệm vụ Đội phó Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tuy Đức. Sau 25 năm công tác, trải qua nhiều vị trí khác nhau, nay anh giữ chức vụ Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk, đeo quân hàm Đại tá. Tại mảnh đất Tây Nguyên này, anh kết duyên với chị H'Lan Buôn Yă, người dân tộc Êđê. Với anh hạnh phúc lứa đôi thật đẹp, nhưng hạnh phúc nhất vẫn là những tháng ngày được sống cùng anh em, đồng chí, đồng đội trên biên giới, “Đồn mãi mãi là nhà và biên giới mãi là quê hương”.

Câu chuyện của Trung tá Phạm Văn Thái, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea R’vê cũng khiến người nghe xúc động. Anh sinh ra ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Năm 1999 anh tốt nghiệp Đại học Biên phòng về công tác tại Đồn Quang Chiểu, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa). Công tác được 5 năm, anh được Bộ Tư lệnh Biên phòng cử đi tăng cường tại Đắk Lắk, làm nhiệm vụ Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng Ea R’vê.

Anh Thái kể: “Biên giới ngày ấy dân cư còn thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt, đêm xuống lạnh buốt, ngày oi bức, nắng cháy da thịt, xung quang toàn rừng núi sâu thăm thẳm, đêm chỉ có tiếng máy nổ; đường xá đi lại khó khăn, cả đồn chỉ duy nhất 1 chiếc xe của Đồn trưởng, anh em mỗi lần đi công tác địa bàn phải đi bộ 30 km. Dù có khó khăn vất vả nhưng không thể làm chùn bước người lính.

Có những đêm mưa gió, anh em vẫn không rời vị trí, dầm mình giữa rừng sâu để kiểm tra từng cột mốc, kiểm tra từng tuyến đường mòn đảm bảo không một ai xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đoàn đi cùng anh lúc đó có 24 người, tăng cường được 3-5 năm, một số đồng chí xin chuyển về quê gần vợ con, còn anh và nhiều đồng chí khác ở lại lập gia đình gắn bó với vùng biên. Vợ anh là giáo viên trường mầm non ở xã Ea Rvê, nhà anh cách đồn 10 km nhưng một tháng anh mới tranh thủ về thăm vợ con 2 lần. “Trong tâm khảm của tôi, mỗi bước chân giữa rừng sâu là một bước tiến của trách nhiệm, mỗi nụ cười của đồng bào là phần thưởng vô giá. Với tôi, biên giới không chỉ là nơi đóng quân – mà là “nhà”, là nơi để thương, để nhớ, để gắn bó cả cuộc đời”, anh Thái chia sẻ.

Không phải ai cũng hiểu hết sự cô đơn của người lính biên phòng nơi rừng sâu. Họ phải gác lại cuộc sống riêng tư, xa gia đình, người thân, bỏ lỡ những cái Tết sum vầy, những lần con thơ gọi “ba”, những ngày vợ đau ốm không thể kề bên. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận – bởi tình yêu với biên giới đã trở thành máu thịt, trở thành lẽ sống.

BĐBP Đắk Lắk quyết giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Thanh Nga

BĐBP Đắk Lắk quyết giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Thanh Nga

Trái tim người lính biên phòng – ngọn lửa giữ gìn chủ quyền

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho hay, Biên giới Đắk Lắk ngày nay không còn chiến tranh, nhưng không vì thế mà người lính biên phòng được phép chủ quan. Các thế lực phản động, các loại tội phạm vẫn luôn rình rập. Trước những thách thức đó, người lính biên phòng vẫn giữ vững niềm tin, kiên cường bám đất, bám dân, sẵn sàng hy sinh vì màu cờ sắc áo.

“Người lính biên phòng không chỉ là người giữ đất, mà còn là người giữ lửa – lửa của lòng yêu nước, lửa của tinh thần bất khuất. Nhiều đơn vị biên phòng đã trở thành điểm tựa vững chắc trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, phòng chống dịch bệnh.

Điều làm nên sự khác biệt của người lính biên phòng không chỉ là lòng dũng cảm mà còn là tình cảm sâu đậm với đồng bào dân tộc thiểu số như Ê Đê, M’Nông, Gia Rai, Lào,… Ở những nơi như xã Ia Lốp, Ea Bung hay Krông Na, hình ảnh các chiến sĩ biên phòng giúp dân dựng nhà, dạy chữ, chăm sóc y tế, làm đường, kéo điện đã trở nên quen thuộc.

Không ít cán bộ biên phòng đã trở thành người cha của những đứa trẻ mồ côi, là người thầy của lớp học tình thương nơi buôn làng, là người con được đồng bào tin yêu gửi gắm trọng trách. Các chương trình như “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” không chỉ đơn thuần là hoạt động hỗ trợ, mà còn là biểu tượng của trái tim người lính luôn hướng về cộng đồng.

"BĐBP đến với dân bằng cả tấm lòng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào với dân; chia sẻ từng khó khăn, từng niềm vui nhỏ. Nhờ sự có mặt và gần gũi ấy, niềm tin giữa dân và lính ngày càng bền chặt, tạo nên một thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh”, Đại tá Đỗ Quang Thấm tự hào.

Mỗi người lính biên phòng là một khúc ca, một biểu tượng sống động của lòng yêu nước và trách nhiệm thiêng liêng. Họ âm thầm viết nên trang sử hiện đại bằng chính cuộc đời mình. Những chiến sĩ đã ngã xuống, tên tuổi khắc lên bia đá giữa đại ngàn, nhưng tình yêu của họ với biên giới thì mãi sống, mãi ngân vang trong lòng Tổ quốc. Dẫu thời gian trôi, dẫu bao thế hệ đổi thay, nhưng trái tim của người lính biên phòng vẫn luôn hướng về biên giới – như một điều thiêng liêng bất biến. Ở nơi đó, họ không chỉ bảo vệ từng cột mốc chủ quyền, mà còn gìn giữ linh hồn Tổ quốc. Chính họ đã làm nên hình ảnh đẹp đẽ và kiêu hãnh của người lính thời bình – người giữ gìn từng nhịp đập bình yên nơi phên dậu.

“Với BĐBP, mỗi cột mốc biên cương là một phần của trái tim. Mỗi buôn làng yên bình là niềm vui trọn vẹn. Mỗi đứa trẻ được đến trường, mỗi nụ cười của dân là một phần ý nghĩa cuộc đời quân ngũ. Biên giới không còn là nhiệm vụ phải làm mà là nơi để sống, là nơi khiến trái tim người lính luôn tràn đầy nhiệt huyết”, Đại tá Đỗ Quang Thấm chia sẻ.

Trên mảnh đất Đắk Lắk đầy nắng gió và giàu truyền thống, hình ảnh người lính biên phòng hiện lên như những cột mốc sống động – kiên cường, vững chãi và lặng lẽ. Họ là những người lính không màng danh lợi, không cần ghi công, nhưng lại mang trên vai trọng trách thiêng liêng: bảo vệ từng tấc đất, từng ngọn suối, từng mái nhà nơi biên cương. Biên giới mãi trong trái tim người lính biên phòng Đắk Lắk – không chỉ là câu nói, mà là một bản hùng ca âm thầm mà hào sảng, vững bền cùng năm tháng.

Thanh Nga

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bien-gioi-mai-trong-trai-tim-nguoi-linh-bien-phong-10306410.html
Zalo