Biến động tỷ giá không đáng lo ngại

Các chuyên gia đồng quan điểm về những yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lạm phát hay thanh khoản hệ thống không thực sự đáng quan ngại sau giai đoạn biến động vừa qua.

Ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức tối thiểu 8%. Các chính sách tài khóa và tiền tệ đã, đang và sẽ được điều chỉnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu.

Ở bối cảnh đó, kết hợp thêm hàng loạt biến động ngoại lực như ông Donald Trump nhậm chức hay các diễn biến mới về kinh tế - chính trị quốc tế, tạo những biến động lớn lên các nhóm số liệu vĩ mô trong nước.

Ông Báu đánh giá biến động tỷ giá không thực sự đáng lo ngại. Ảnh: Data Talk

Ông Báu đánh giá biến động tỷ giá không thực sự đáng lo ngại. Ảnh: Data Talk

Trong đó, “Lạm phát, tỷ giá, thanh khoản hệ thống ngân hàng và lãi suất” làba từ khóa vĩ mô để lại dấu ấn kể từ đầu năm”, ông Trần Ngọc Báu, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc WiGroup nhận định trong buổi chia sẻ Data Talk mới đây.

Tỷ giá tăng mạnh nhưng không đáng ngại

Nổi bật là những quan ngại về tỷ giá khi đồng USD tăng mạnh, tuy nhiên các chuyên gia đều đánh giá vấn đề này không thực sự đáng lo ngại.

Ông Báu cho biết, trong khi chỉ số USD index tăng mạnh từ tháng 9/2024 đến cuối năm 2024 là gần 10%, nhưng VND mất giá tương đối ít, khoảng chừng 2,5%. Như vậy, đồng VND tương đối mạnh lên so với mặt bằng chung những đồng tiền khác.

Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng, ngay lập tức tỷ giá ngân hàng thương mại tăng vọt, nhưng tỷ giá trên thị trường tự do lại trầm lắng. Điều này thể hiện chủ yếu những biến động của tỷ giá hiện tại mang yếu tố về tâm lý.

“Một thời gian dài chúng ta ghim tỷ giá ở mức trần, chúng ta cũng không nâng tỷ giá trung tâm, không nâng biên độ, nên khi NHNN nâng tỷ giá trung tâm thì các NHTM ngay lập tức tăng giá bán lên”, ông Báu phân tích.

Đây là biến động rất bình thường theo quy luật về cung cầu thị trường sau khi ở trạng thái kìm nén một thời gian dài.

Vì vậy, tỷ giá tăng ngay từ đầu năm cũng là một vấn đề hoàn toàn bình thường, không đáng lo ngại mà còn giúp tạo không gian tăng trưởng cho nền kinh tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh đồng CNY (nhân dân tệ) mất giá tương đối mạnh so với USD (khoảng 10%) và Trung Quốc cũng là một đối tác thương mại khá lớn của Việt Nam, điều này cũng gây áp lực khá lớn lên VND.

Như vậy, có thể thấy, việc biến động mạnh của tỷ giá trong tháng vừa qua chủ yếu đến từ hành động chủ động nới biên độ tỷ giá trung tâm của NHNN cùng với áp lực chung từ sự mất giá mạnh của đồng CNY với USD chứ không đến từ nội lực của nền kinh tế Việt Nam.

Các báo cáo chiến lược cho thấy góc nhìn tiêu cực về vấn đề tỷ giá. Ảnh: Data Talk

Các báo cáo chiến lược cho thấy góc nhìn tiêu cực về vấn đề tỷ giá. Ảnh: Data Talk

Đồng tình với quan điểm của ông Báu về tỷ giá, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, ngoài vấn đề về cung cầu ngoại tệ, trong ngắn hạn, việc thay đổi tỷ giá còn chịu tác động nhiều từ yếu tố tâm lý.

Trong hơn một năm trở lại đây, chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (DXY) tác động đến tỷ giá USD/VND rất nhiều nhưng trên thực tế biến động DXY không tác động quá lớn đến cung cầu ngoại tệ của Việt Nam.

Trong năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng, FDI tích cực, kiều hối vẫn rất tốt, vậy nên việc NHNN phải bán khoảng 10 tỷ USD dự trữ ngoại hối để can thiệp chủ yếu do đầu cơ.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm của Mỹ (trên 4,5%) hiện vẫn chênh lệch khá cao với Việt Nam (khoảng 3%) nên các doanh nghiệp FDI có động cơ để găm giữ ngoại tệ và đầu cơ vào các thị trường vốn ngắn hạn tại Mỹ.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, thị trường vàng biến động rất mạnh cùng mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có thời điểm lên tới hơn 20 triệu đồng/lượng, cũng dẫn đến tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhập lậu vàng. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết.

Các yếu tố tác động đến hoạt động đầu cơ tỷ giá đang giảm, trong khi nguồn cung ngoại tệ kỳ vọng vẫn tăng trưởng tuy không cao. Vì vậy, cung cầu ngoại tệ năm 2025 có vẻ như đã ổn định hơn rất nhiều. Do đó, những biến động về tỷ giá hiện nay hầu hết mang tính chất ngắn hạn, ông Linh nhận định.

Lạm phát và thanh khoản hệ thống trong tầm kiểm soát

Về vấn đề lạm phát, ông Báu cho biết, khi Chính phủ đưa ra thị trường nhiều thông tin tích cực về chỉ tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2025-2030 cùng định hướng nới lỏng tiền tệ đã gây ra những lo ngại về lạm phát.

Tháng 1 vừa qua, những lo ngại trở nên rõ ràng hơn khi lạm phát tăng rất mạnh. Trong tháng 12/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 2,94%, nhưng đến khoảng tháng 1 năm nay thì tăng rất nhanh, lên khoảng 3,63%.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ về từng cấu phần, lạm phát chưa đáng lo ngại bởi câu chuyện kích thích nền kinh tế chưa mang tới tác động.

Sự biến động hiện chỉ bởi yếu tố mùa vụ do những yếu tố dịch vụ công và nhu cầu thuốc và dịch vụ y tế tăng đột biến trong tháng Tết.

“Từ tháng 2 trở đi, mọi thứ sẽ đi về trạng thái cân bằng trở lại. Theo ước tính, CPI tháng 2/2025 sẽ giảm nhẹ hoặc đi ngang so với tháng 1 và lạm phát các tháng tiếp theo sẽ tụt mạnh từ 3,63% xuống quanh 2,7-2,8%, cách rất xa mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đề ra”, ông Báu dự báo.

Đồng thời, vị chuyên gia WiGroup cho rằng, lạm phát chưa phải vấn đề cần lo ngại vào thời điểm hiện nay.

Cuối cùng, về thanh khoản hệ thống ngân hàng - "trái tim" của nền kinh tế, từ khoảng cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, áp lực thanh khoản của ngân hàng đã xuất hiện.

Trong vòng 6 tháng vừa qua, lãi suất từ thị trường 1 (lãi suất huy động), thị trường 2 (liên ngân hàng) đều đã tăng trở lại, lợi suất trái phiếu cũng vậy.

Thậm chí giai đoạn Tết vừa rồi, trong trạng thái tỷ giá căng thẳng nhưng NHNN đã phải bơm ra khoảng 170.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản của thống ngân hàng trong kì hạn ngắn để vượt qua giai đoạn Tết âm lịch cho thấy thanh khoản của thống ngân hàng đang khá khan hiếm.

“Đang có sự bất thường trong hệ thống điều hành chính sách tiền tệ khi trần, sàn lãi suất biến động mạnh”, ông Báu nhấn mạnh.

Điều này cho thấy áp lực về điều hành khung lãi suất tại thời điểm hiện tại vẫn còn tương đối là cao và cấu trúc thị trường vẫn còn đang không cân bằng.

Thêm nữa, ngân hàng phải huy động nguồn vốn từ khu vực khác để cho vay.

Năm 2024, mặc dù tăng trưởng tín dụng đã gần sát mục tiêu nhưng đã cách khá xa tăng trường huy động. Giá trị tuyệt đối đã vênh và tốc độ tăng trưởng tín dụng còn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động thì áp lực về nguồn vốn của hệ thống ngân hàng là hiện hữu.

Vì vậy, lãi suất huy động ngân hàng sẽ chịu áp lực tăng. Không phải vì chính sách tiền tệ của Việt Nam thắt chặt hay nới lỏng mà vì bản thân nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như trước.

Nhìn chung, nền kinh tế chưa có nhiều yếu tố thay đổi, mọi thứ đang cân bằng, chỉ có một vài dấu hiệu tích cực về FDI, đầu tư công…

Về chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng, tỷ giá vẫn đang chịu áp lực trong ngắn hạn, nhưng không quá lớn như thị trường đang lo ngại.

“Khởi đầu năm 2025 khá là tích cực, so với những gì thị trường lo sợ cách đây tầm hai tháng khi quá nhiều biến động kinh tế toàn cầu cùng ập đến”, ông Báu nhận định.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ceo-wigroup-bien-dong-ty-gia-khong-dang-lo-ngai-d39075.html
Zalo