Biến di sản thành 'kho vàng, kho bạc'

Chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc, di sản văn hóa phi vật thể dù không có hình hài cụ thể, nhưng lại có thể được chuyển hóa thành tài sản vật chất, thành 'kho vàng, kho bạc'. Khi được khai thác, di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành cảm hứng sáng tạo nên sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Kể câu chuyện mới về di sản

Nền tảng văn hóa Lên Ngàn vừa hợp tác với Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng biên đạo múa Tú Hoàng xây dựng và tổ chức biểu diễn vở “Đối diện với vô cùng”. Tác phẩm tôn vinh di sản dân tộc phong phú của người Việt và là minh chứng cho sức mạnh biến đổi cũng như tiềm năng phát triển của nghệ thuật tuồng; đồng thời hướng công chúng vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật quen thuộc và tiếp cận với di sản sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo hơn.

Vở diễn có sự phối hợp của các nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng và nghệ sĩ múa đương đại người Việt đã thành danh ở châu Âu. Khi ra mắt tại Hà Nội tháng 8 vừa qua, “Đối diện với vô cùng” đã được đông đảo công chúng đón nhận. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh, sáng lập Lên Ngàn cho biết: “Với nền tảng là những người nắm giữ di sản trong cộng đồng, chúng tôi mới có thể phát triển sản phẩm văn hóa này. Với Lên Ngàn, đây không phải dự án lớn, nhưng là có dự án có ý nghĩa. Trước đây, nói đi xem tuồng, hay xem múa đương đại có bán vé với giá lên tới 1,2 triệu đồng thì rất khó có khán giả, nhưng may mắn là với chiến lược xây dựng sản phẩm, nghiên cứu thị trường rất kỹ lưỡng, chúng tôi đã bán được 1.200 vé trong 3 đêm. Hiện tại vở diễn đã được ‘đóng gói’ và bán tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ trước khi quay trở lại với khán giả Việt Nam vào năm sau”.

 Trình diễn nghệ thuật làm gốm

Trình diễn nghệ thuật làm gốm

Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, vốn tưởng chừng như chỉ tồn tại trong ký ức của người xưa, đang được người trẻ "thổi hồn" và biến thành những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện nay; anh Nguyễn Trung Thành, CEO Ngàn năm gốm Việt chia sẻ: nhiều người từng vô cùng tự hào khi nói về gốm Việt, nhưng tiếp nối tổ tiên, chúng ta sẽ để lại gì cho mai sau? Đó là lý do Ngàn năm gốm Việt ra đời, hội tụ các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ. Trung tâm đã kết hợp với nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, các nhà khảo cổ và chuyên gia lịch sử để phục dựng dòng gốm hoa nâu. Không chỉ giữ nguyên phương pháp chế tác thủ công, các sản phẩm còn được bổ sung yếu tố sáng tạo để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng hiện đại.

Các sản phẩm gốm trở thành quà tặng văn hóa; đưa vào sắp đặt không gian trang trí; đưa gốm vào du lịch di sản, trải nghiệm để kể chuyện di sản theo cách đương đại; kết hợp với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng kể câu chuyện hành trình gốm Việt…

Trong khi đó, khai thác giá trị trang phục truyền thống, anh Nguyễn Đức Lộc, sáng lập Ỷ Vân Hiên chia sẻ, trang phục cổ không chỉ là bộ quần áo, mà còn là biểu tượng của giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống tổ tiên đã để lại qua hàng nghìn năm lịch sử. Thời gian qua, những giá trị này chưa được khai thác, nghiên cứu và phát huy hiệu quả. Đến nay, số đầu sách nghiên cứu, cũng như sản phẩm ứng dụng trong đời sống còn rất nhỏ so với kho tàng cổ phục của dân tộc.

Các sản phẩm phỏng dựng từ cổ phục hiện nay không chỉ giới hạn đưa vào bảo tàng hay trưng bày, anh Nguyễn Đức Lộc cho biết đang nỗ lực đưa thiết kế các sản phẩm đến gần hơn với công chúng, như: đưa cổ phục lên sàn diễn thời trang với các nghệ sĩ tên tuổi; đưa lên sân khấu kịch nói, cải lương với những sự sáng tạo mới; hay xuất hiện trong các video ca nhạc, phim điện ảnh… Từ đó, các thiết kế, sản phẩm đến gần công chúng, giúp nhiều người có cái nhìn rõ nét, quen thuộc hơn với cổ phục.

Cân bằng sáng tạo và giữ gìn giá trị di sản

Bên cạnh di sản vật thể, di sản phi vật thể là kho báu vô tận mà thế hệ tiền nhân truyền lại cho thế hệ sau. GS. TS. Phạm Hồng Tung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, nhận định: “Nói bao nhiêu về giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng không đủ. Nhưng biến di sản thành sản phẩm văn hóa thì mới thành công. Nếu chúng ta chỉ làm cho nó đẹp hơn, cũng đã tốt, nhưng cái đẹp đó không mang lại giá trị vật chất cụ thể thì khó bền vững, khó cạnh tranh. Trong lĩnh vực này, làm ra sản phẩm đã khó, nhưng để bán được, mang lại lợi ích cho người bán và cho chính di sản, là bài toán không dễ”.

GS. TS. Phạm Hồng Tung cho rằng, sáng tạo là không giới hạn để đưa di sản trở lại đời sống, được công chúng chấp nhận. Dù vậy, sáng tạo ấy cần dựa trên sự hiểu biết về giá trị cốt lõi của di sản, kể câu chuyện này như thế nào để không thành xuyên tạc, “đánh tráo, làm mất gốc di sản”. Nếu không hiểu biết về di sản, không biết cách làm, không có tâm, thì càng làm tốt có thể lại càng sai…

 Cảnh trong vở diễn "Đối diện với vô cùng"

Cảnh trong vở diễn "Đối diện với vô cùng"

Theo GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong khai thác, phát huy, cách tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể khác với di sản văn hóa vật thể. Di sản văn hóa vật thể có đặc trưng là hữu hình, bất biến, đòi hỏi bảo tồn nguyên trạng, khai thác theo mô hình nào đó. Còn di sản phi vật thể luôn sống động với thời gian. Trước đây có quan điểm vận dụng máy móc vào bảo tồn di sản phi vật thể như bảo tồn nguyên gốc, xác thực. Nhưng thực tế, chúng mang hơi thở của thời đại, ngày nay không thể đòi hỏi thực hành dân ca quan họ, xòe Thái, hát then y như xưa. Tuy vậy, cần cân bằng sáng tạo và giữ gìn giá trị di sản, không đi ngược lại bản chất, diễn giải làm sai lệch di sản.

Di sản văn hóa phi vật thể đang góp phần quan trọng làm nên những sản phẩm văn hóa độc đáo, như rối nước, ngoài câu chuyện gắn với truyền thống, có nội dung mới, mang tính giáo dục giải trí; xẩm Hà thành hấp dẫn giới trẻ với tiết tấu, chủ đề mới; hay những vở diễn thực cảnh lấy cảm hứng từ đời sống văn hóa các vùng miền…

Những mô hình, sản phẩm thành công cho thấy, các giá trị tinh thần của dân tộc chứa đựng vô vàn tài nguyên sáng tạo; khi khai thác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm văn hóa sẽ mang lại sức hấp dẫn, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần, bảo tồn bản sắc văn hóa và tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bien-di-san-thanh-kho-vang-kho-bac-post397214.html
Zalo