Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi ở người trưởng thành

Bệnh sởi cũng có thể có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết giác mạc,... ở người trưởng thành, đặc biệt với người cao tuổi bị suy giảm miễn dịch.

sởi là bệnh lành tính, thường tự khỏi sau ít ngày mắc nhưng bệnh sởi cũng có thể có nguy cơ biến chứng nguy hiểm ở người trưởng thành, đặc biệt với người cao tuổi bị suy giảm miễn dịch.

Phần lớn những ca biến chứng nặng chưa rõ tiền sử tiêm vaccine

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó bệnh sởi, ho gà, cúm,… tiếp tục được ghi nhận và bùng phát tại nhiều quốc gia. Ở nước ta, dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên bệnh sởi vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc cao ở nhóm trẻ em từ 11-15 tuổi và người trưởng thành tại một số tỉnh, thành phố; đã có trường hợp tử vong ở người cao tuổi.

Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị những bệnh nhân sởi có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp,...

Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị những bệnh nhân sởi có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp,...

Là nơi thu dung điều trị tất cả người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nặng nhất của miền Bắc, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm đến nay tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc sởi ở độ tuổi từ 30 đến ngoài 50. Trong đó, 10-20% là biến chứng nặng và đã ghi nhận một số trường hợp tử vong ở người có suy giảm miễn dịch. Điều đáng nói, những bệnh nhân này đa phần chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc không nhớ tiền sử tiêm vaccine phòng sởi.

Chị T. (38 tuổi, ở Nam Định) trước khi vào Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, có biểu hiện sốt cao liên tục. Chị T. có uống thuốc hạ sốt nhưng đến ngày thứ 4 chị bị khó thở, phát ban toàn thân, mắt đỏ cộm và nhìn đèn thấy chói mắt. Chị T. đến khoa Huyết học, Bệnh viện Bạch Mai khám thì được chẩn đoán mắc bệnh sởi, biến chứng viêm kết mạc và viêm phổi nên được chuyển ngay sang Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sởi.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sởi.

Chị T cho hay: “Tôi không biết mình bị sởi. Khi thấy người mệt, sốt cao, mắt đỏ, tôi đi khám ở gần nhà thì được truyền dịch nhưng không đỡ nên lại cho vào bệnh viện huyện. Tại đây, các bác sĩ thấy tôi khó thở, lập tức cho chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Khi tôi sốt cao liên tục trên 39 độ C, mắt xung huyết, nhìn bóng đèn rất chói và đau nhức khiến người càng mệt mỏi. May mắn, sau gần 1 tuần điều trị, tôi đã được xuất viện”.

Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus họ Paramyxoviridae gây nên. Virus sởi rất dễ lây truyền qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói to, đặc biệt với trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn có sức đề kháng kém.

Ngoài sốt cao liên tục, phát ban, bệnh sởi còn có biểu hiện ban đầu là viêm long đường hô hấp bao gồm chảy nước mũi, đau rát họng, ho. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc sởi còn có biểu hiện mắt đỏ, đau mắt, nhiều gỉ mắt.

Những trường hợp bị biến chứng hô hấp thì người bệnh có thể khó thở, thở hụt hơi, giảm độ bão hòa oxy trong máu (SpO2). Tuy nhiên, ở những trường hợp suy giảm miễn dịch nhiều khi lại không có những triệu chứng điển hình này, đôi khi chỉ sốt kèm phát ban rất ít nhưng để lại biến chứng suy hô hấp, biến chứng não, rối loạn đông máu,... đòi hỏi can thiệp điều trị chuyên sâu, và phải được theo dõi sát sao.

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái thăm hỏi bệnh nhân

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái thăm hỏi bệnh nhân

Không thể coi thường bệnh sởi ở người trưởng thành

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái khuyến cáo: Khi sốt cao, người bệnh cần chú ý uống thuốc hạ sốt và bù dịch. Những trường hợp mắt đỏ, nhiều gỉ mắt cần chú ý vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý. Giữ vệ sinh đường hô hấp trên theo cách nhỏ rửa mũi bằng nước muối sinh lý và súc miệng/họng bằng nước muối loãng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.

Lưu ý khi sốt cao liên tục, cần uống nhiều nước, uống thuốc hạ sốt thông thường Paracetamol và kết hợp hạ sốt bằng phương pháp vật lý như nới rộng quần áo, lau bề mặt cơ thể bằng nước ấm khoảng 40 độ để bay hơi tự nhiên, đến khi cơ thể mát thì dừng và thay quần áo khô.

Bên cạnh đó, người bệnh cần uống nhiều nước điện giải, ăn uống đủ chất và theo dõi sát sao. Nếu thấy tình trạng thở hụt hơi, cơ thể bị kích thích, bứt rứt, mệt lả, cần nghĩ đến biểu hiện của biến chứng hô hấp, và nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám theo dõi có biến chứng hay không và kịp thời chữa trị.

“Sởi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai.

Không ít người trưởng thành cho rằng chỉ trẻ em mới mắc bệnh sởi, nên thường chủ quan không đi khám. Do vậy, khi có các biểu hiện như tôi vừa nêu, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm nhằm phát hiện sớm để cách ly và theo dõi nếu có biến chứng gì còn xử lý đúng”, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.

Bác sĩ Quốc Thái khám cho bệnh nhân sởi phát ban đã lan xuống đến bàn chân. Đây là dấu hiệu chỉ điểm bệnh nhân sắp khỏi bệnh.

Bác sĩ Quốc Thái khám cho bệnh nhân sởi phát ban đã lan xuống đến bàn chân. Đây là dấu hiệu chỉ điểm bệnh nhân sắp khỏi bệnh.

“Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị những bệnh nhân sởi có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp và suy đa phủ tạng. Hiện tại đã có 1 số trường hợp sởi biến chứng nặng trên nền suy giảm miễn dịch. Những trường hợp này thường diễn biến nặng rất nhanh, phải thở máy, nguy cơ tiên lượng xấu. Không thể coi thường bệnh sởi ở người trưởng thành”.

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái

Theo bác sĩ Thái, bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp. Người chưa có miễn dịch hoặc chưa tiêm phòng dễ bị mắc nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình 1 người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người.

Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng phối hợp điều trị kháng sinh khi có bội nhiễm và biến chứng. Do vậy người dân, đặc biệt người cao tuổi nếu không nhớ rõ lịch sử tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi thì nên tiêm phòng vaccine sởi. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên tiêm phòng những bệnh khác như cúm, phế cầu,…

“Tiêm vaccine là biện pháp then chốt phòng bệnh. Vaccine sởi hiện nay dành cho người lớn là vaccine 3 trong 1 MMR (sởi-quai bị-rubella) sẽ giúp phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, người bệnh cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, nhất là người bị bệnh mạn tính và suy giảm sức đề kháng. Mọi người cần giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng”, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái khuyến cáo.

Lưu Hường/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bien-chung-nguy-hiem-cua-benh-soi-o-nguoi-truong-thanh-post1197805.vov
Zalo