Bia tưởng niệm và tấm lòng tri ân

Người dân xóm Lâm Sơn ở xã Đức Phong (Mộ Đức) và những người con xa quê đã cùng nhau đóng góp kinh phí để dựng bia tưởng niệm, tôn tạo và trùng tu Di tích Địa đạo Lâm Sơn để tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống ở nơi đây vì độc lập dân tộc.

Sau gần 2 tháng thi công, công trình xây dựng bia tưởng niệm và trùng tu, tôn tạo Di tích Địa đạo Lâm Sơn ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (Mộ Đức) đã hoàn thành và khánh thành đúng vào dịp Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong niềm vui và xúc động của bà con nhân dân xóm Lâm Sơn.

Người dân xóm Lâm Sơn và những người con xa quê đã cùng nhau đóng góp kinh phí để dựng bia tưởng niệm.

Người dân xóm Lâm Sơn và những người con xa quê đã cùng nhau đóng góp kinh phí để dựng bia tưởng niệm.

Ngày khánh thành công trình, mọi người trong xóm đều gác lại công việc thường nhật để tề tựu về Di tích Địa đạo Lâm Sơn cùng nhau thắp nén hương tri ân.

Giữa không gian linh thiêng, người dân trong xóm đứng lặng lẽ, cúi đầu bùi ngùi trước tấm bia tưởng niệm ghi danh 21 người con quê hương đã hy sinh tại Địa đạo Lâm Sơn. Những cành hoa tươi và nén hương ấm được thắp lên tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ nhớ về những người đã khuất...

Người dân đến dự lễ khánh thành và thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.

Người dân đến dự lễ khánh thành và thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.

Dù tuổi đã cao, đôi chân không còn vững nhưng ông Phạm Thanh Sơn vẫn cố gắng đến dự buổi lễ khánh thành. Ông Sơn và người dân trong xóm cảm thấy rất vui vì di tích được trùng tu, tôn tạo khang trang.

Trong dòng ký ức của ông Sơn cũng như các bậc cao niên trong xóm Lâm Sơn, mỗi khi nhắc tới Di tích Địa đạo Lâm Sơn, mọi người vẫn còn nỗi đau xé lòng về sự hy sinh của 21 người dân trong xóm.

Trong chiến tranh xã Đức Phong nói chung và xóm Lâm Sơn nói riêng vùng là căn cứ địa cách mạng. Địa đạo Lâm Sơn được nhân dân địa phương đào và sử dụng trong 9 năm chiến tranh chống thực dân Pháp. Lúc đầu, địa đạo chỉ là hầm trú ẩn tránh máy bay địch ném bom. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được nhân dân và du kích đào mở rộng thêm với quy mô lớn sâu hơn 2m và dài trên 25m.

Ngày 10/4/1968 trong cuộc hành quân càn quyét của giặc, lính Mỹ đã phát hiện và dùng mìn hơi đánh sập địa đạo, giết hại 21 người đang trú ẩn, gây nên tội ác man rợ.

Di tích lịch sử Địa đạo Lâm Sơn là một bằng chứng hùng hồn và sáng tạo của nhân dân ta trong cuộc chiến chống Mỹ xâm lượt và bè lũ tay sai. Di tích cũng là nơi ghi nhận tội ác của giặc Mỹ. Tháng 4/2020 Di tích lịch sử Địa đạo Lâm Sơn được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Mọi người cùng nhắc nhớ về sự hy sinh của 21 người dân xóm Lâm Sơn tại địa đạo.

Mọi người cùng nhắc nhớ về sự hy sinh của 21 người dân xóm Lâm Sơn tại địa đạo.

Trưởng xóm Lâm Sơn Đỗ Văn Hoàng cho biết, xuất phát từ mong muốn có nơi hương khói trang nghiêm, tri ân những người con quê hương đã hy sinh tại địa đạo của bà con nhân dân và được sự cho phép của chính quyền địa phương, xóm đã thành lập tổ vận động kinh phí để tôn tạo, trùng tu Di tích Địa đạo Lâm Sơn.

“Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi trước tinh thần hỗ trợ, chung sức, chung lòng của bà con nhân dân. Chỉ sau một thời gian ngắn vận động, nhân dân và con cháu xóm Lâm Sơn làm ăn xa quê đã đóng góp gần 180 triệu đồng để tôn tạo, trùng tu Di tích Địa đạo Lâm Sơn và sửa chữa Nhà sinh hoạt văn hóa xóm”, ông Đỗ Văn Hoàng bày tỏ.

Từ kinh phí đóng góp, xóm đã tiến hành xây dựng bia tưởng niệm, tôn tạo khuôn viên di tích, sửa chữa nhà sinh hoạt, bê tông sân sinh hoạt tạo điểm vui chơi thể dục – thể thao cho nhân dân… “Việc làm ý nghĩa này đã phần nào thỏa niềm mong muốn của thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh tại Địa đạo Lâm Sơn và cũng là niềm vui, niềm phấn khởi, tự hào của xóm Lâm Sơn”, ông Đỗ Văn Hoàng nói.

Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa đạo Lâm Sơn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước.

Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa đạo Lâm Sơn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những chiến công hào hùng của dân tộc và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ thì không bao giờ phai nhạt trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân xóm Lâm Sơn nói riêng.

Việc trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử Địa đạo Lâm Sơn của người dân xóm Lâm Sơn là việc làm ý nghĩa minh chứng cho lòng biết ơn chân thành của những thế hệ sau này với các lớp cha, anh đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

Nơi đây còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước và nhắc nhở đến thế hệ hôm nay về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", từ đó nâng cao trách nhiệm trong học tập, lao động để xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/doi-song/202409/bia-tuong-niem-va-tam-long-tri-an-7461ac0/
Zalo