Tiền từ thiện một nghìn cũng quý, sao phải mất công 'phông bạt'?

Đáng lo ngại hơn, khi trào lưu 'phông bạt' được nâng cấp thành thói quen dối trá trơ trẽn sẽ là mối nguy hại không nhỏ cho cộng đồng xã hội.

Gần chục ngày qua, đồng bào miền Bắc đã phải trải qua vô vàn thiệt hại bi thương từ cơn bão số 3. Trong những ngày gian khó nhất ấy, chúng ta một lần nữa chứng kiến tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” của triệu triệu trái tim người Việt. Chỉ ít ngày phát động, kêu gọi, Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận tiền quyên góp từ cộng đồng xã hội được hơn 1.094 tỷ đồng (tính đến 17h chiều 15/9) là một minh chứng rõ nhất cho sức mạnh đồng lòng, quý báu từ ngàn đời nay của dân tộc ta.

Không những vậy, trong những ngày bão lụt diễn ra cam go nhất, hàng trăm bếp lửa nấu bánh chưng xanh vẫn đỏ rực suốt ngày đêm cùng hướng về đồng bào vùng lũ lụt. Hàng nghìn chuyến xe tiếp tế các nhu yếu phẩm thiết yếu nhanh chóng từ mọi miền Tổ quốc nối đuôi nhau đến 11 tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,… để chia sẻ với đồng bào vùng lũ.

Vận động viên Phạm Như Phương bị cộng đồng mạng "check var" phát hiện hành vi "phông bạt" gây phản cảm. Ảnh: M.N

Vận động viên Phạm Như Phương bị cộng đồng mạng "check var" phát hiện hành vi "phông bạt" gây phản cảm. Ảnh: M.N

Chúng ta phải thừa nhận, nhờ vào sự chia sẻ thông tin sâu rộng trên mạng xã hội, nhiều cá nhân và tổ chức đã dang rộng vòng tay, nối dài tấm lòng nhân ái hơn đối với đồng bào. Tinh thần gắn kết, hỗ trợ, tương thân tương ái trong mỗi người dân Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đáng trân quý và đã được phát huy đúng lúc…

Thế nhưng, lợi dụng tình hình bão lũ, những hình ảnh tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” từ ngàn đời nay của người dân Việt Nam đã bị làm cho méo mó. Một số người nổi tiếng, nghệ sĩ… thay vì mang “name” của mình đi kêu gọi ủng hộ, đến trực tiếp các vùng lũ lụt phân phát những gói mì tôm, gói lương khô… trong lúc người dân đói khát thì họ lại tranh thủ “làm màu”.

Câu chuyện “màu mè” của vợ chồng ca sĩ Ưng Hoàng Phúc và Quế Vân đi làm từ thiện cứu trợ ở khu vực phường Phúc Tân (Hà Nội) vừa qua đã gây ra dư luận ồn ào, phản cảm. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của 2 vợ chồng nghệ sĩ này. Hay trường hợp của vận động viên Phạm Như Phương (Louis Phạm) cũng bị cộng đồng réo tên trong ồn ào sao kê từ thiện.

Vợ chồng ca sĩ Ưng Hoàng Phúc và Quế Vân bị cộng đồng mạng réo tên vì "phông bạt" làm từ thiện ở phường Phúc Tân (Hà Nội). Ảnh: Min Min

Vợ chồng ca sĩ Ưng Hoàng Phúc và Quế Vân bị cộng đồng mạng réo tên vì "phông bạt" làm từ thiện ở phường Phúc Tân (Hà Nội). Ảnh: Min Min

Một ví dụ khác là hot Tiktoker “Việt Anh Pí Po”, với hơn 1,3 triệu lượt theo dõi trên nền tảng đăng tải hình ảnh chuyển khoản ủng hộ hơn 20 triệu đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Tuy nhiên, khi có sao kê của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cư dân mạng đã phát hiện ra số tiền mà anh này thực chất chỉ là 1 triệu đồng…

Thiện nguyện là một câu chuyện nhân văn xuất phát từ trái tim, số tiền tùy tâm, người nhỏ góp sức nhỏ, người lớn đóng góp lớn. Đồng ý rằng, những người muốn đánh bóng tên tuổi, xây dựng hình ảnh và tận hưởng niềm vui tán dương trên truyền thông hay các nền tảng mạng xã hội.

Vậy nhưng, tại sao một hành động mang tính nhân văn, tốt đẹp như từ thiện lại phải đi kèm với sự “phông bạt”, hình thức để tạo tiếng vang? Liệu giá trị của lòng tốt có bị đánh đồng với số tiền quyên góp và sự phô trương? Đã làm từ thiện dù có ủng hộ 1 nghìn đồng cũng quý, sao phải mất công “phông bạt”?

Đã có hàng nghìn chuyến xe cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc trong thời gian vừa qua. Ảnh: Sao Việt

Đã có hàng nghìn chuyến xe cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc trong thời gian vừa qua. Ảnh: Sao Việt

Đáng lo ngại hơn, khi trào lưu “phông bạt” được nâng cấp thành thói quen dối trá trơ trẽn sẽ là mối nguy hại không nhỏ cho cộng đồng xã hội. Thậm chí, chính hoạt động từ thiện đã bị biến tướng và trở thành cơ hội để một số cá nhân, tổ chức dùng để xây dựng hình ảnh cá nhân, lợi dụng trục lợi, hoạt động phi pháp.

Từ thiện giờ đây dường như là cuộc đua của danh tiếng, chứ không còn là lòng trắc ẩn dành cho những hoàn cảnh kém may mắn. Nếu vấn nạn “phông bạt” khoe khoang “lố” không được tiết chế, những điều giả dối có đất sống thì điều đó chí ít cũng là “trò chơi nghịch dao” và sớm “thổi bay” nhân cách, giá trị, uy tín, hình ảnh của ai đó mà thôi...

Hải Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tien-tu-thien-mot-nghin-cung-quy-sao-phai-mat-cong-phong-bat-346701.html
Zalo