Bí thư Thành ủy: huyện Thanh Oai tập trung hỗ trợ người dân, khôi phục sản xuất
Sáng ngày 8/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tại buổi kiểm tra thực tế công tác khắc phục bão số 3 của huyện Thanh Oai. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3
Theo báo cáo nhanh công tác ứng phó bão số 3 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Thanh Oai, trong suốt những ngày qua (từ 6 - 8/9), toàn hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống bão số 3. Các cấp ủy, chính quyền đã trực tiếp chỉ đạo, điều phối các lực lượng, bao gồm cả lực lượng quân đội, công an bảo đảm an ninh trật tự và triển khai thực hiện công tác công tác phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Huyện cũng đã ban hành các công điện giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành và đơn vị liên quan sẵn sàng triển khai phương án, kế hoạch và ứng phó với bão số 3 và tình hình mưa bão trên địa bàn. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, các trọng điểm, xung yếu về đê điều. Đặc biệt, triệu tập lực lượng xung kích PCTT của huyện với 150 thành viên sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ.
Về tình hình thiệt hại, tính đến 9 giờ sáng nay (8/9), toàn huyện Thanh Oai có 3.656ha lúa bị đổ, 160ha lúa, 350ha rau màu và 600ha cây ăn quả bị ngập úng. Có 3 điểm đê sạt, sụt tuyến đê tả đáy tại xã Thanh Cao. Ảnh hưởng của bão số 3 cũng khiến 30 cột điện bị gãy đổ, 2 trạm biến áp (Thanh Thùy, Thanh Mai) dừng hoạt động, 1.150m dây truyền tải điện bị đứt; gần 300 cây xanh bị đổ, gãy; 120 nhà bị tốc mái.
Nói về tiến độ khắc phục hậu quả của bão số 3, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng - Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin, dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến tình hình bão, mưa lớn và tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời để Nhân dân ứng phó.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi La Khê phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình, đảm bảo công trình luôn sẵn sàng vận hành tối đa công suất để tiêu thoát nước nhanh nhất có thể khi có mưa lớn xảy ra. Các xã và các ngành chức năng liên quan bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra tình hình ngập úng tại các khu dân cư và các vùng sản xuất nông nghiệp để kịp thời triển khai biện pháp khắc phục đảm bảo tiêu thoát nước trong khu dân cư và bảo vệ sản xuất, khắc phục các sự cố về công trình đề điều, thủy lợi.
"Hiện, huyện đã huy động lực lượng kè đê tả Đáy gồm 50 chiến sỹ Trường Cao đẳng Phòng không - Không quân, 30 chiến sỹ Ban chỉ huy quân sự huyện và lực lượng tại chỗ của xã để khắc phục điểm đê sạt, sụt qua địa bàn xã Thanh Cao. Cùng với đó, huyện đã khắc phục xong 26/27 trạm biến áp và cấp điện cho các trạm bơm tiêu. Đối với sự cố ở trạm bơm Khê Tang 2, ngành điện lực đang triển khai dựng cột điện và kéo dây dự phòng cấp điện cho trạm bơm để kịp thời vận hành các máy bơm của trạm hoạt động trở lại trong chiều nay" - ông Bùi Văn Sáng cho biết.
Hỗ trợ người dân vượt khó khăn, khôi phục sản xuất
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cán bộ, chiến sỹ cùng cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thanh Oai trong thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương và TP, nhất là chủ động triển khai từ sớm, từ xa các phương án ứng phó bão số 3.
Lưu ý về nhiệm vụ trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu lãnh đạo huyện Thanh Oai, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.
"Bão suy yếu nhưng tình hình thời tiết có thể có mưa lớn trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại, do đó, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe tính mạng của Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thanh Oai tiếp tục chủ động nắm sát tình hình địa bàn cơ sở; tiến hành rà soát các sự cố xảy ra tại các khu dân cư, hệ thống đường giao thông, trường học để có biện pháp xử lý nếu có xảy ra sự cố (tốc mái, đổ tường, đổ cây...) để không ảnh hưởng đến việc quay trở lại trường học của học sinh trên địa bàn. Rà soát lại các trường hợp người neo đơn, yếu thế... để động viên, hỗ trợ vượt qua khó khăn.
Đối với các sự cố về điện sau bão, huyện triển khai các biện pháp khắc phục, xử lý, yêu cầu về bảo đảm an toàn tuyệt đối cần đặt lên hàng đầu. Đối với diện tích lúa, hoa màu bị ngập, Bí thư Thành ủy yêu cầu tiến hành biện pháp tiêu úng ngay; đồng thời vận động, hỗ trợ người dân tập trung buộc dựng lúa, phục hồi sản xuất.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng các yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thanh Oai sát sao hơn nữa trong công chỉ đạo và chủ động trong mọi công tác ứng phó, khắc phục ảnh hưởng sau bão, tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, lơi là trong mọi tình huống. Trước mắt, tập trung chỉ đạo, huy động sự đồng loạt ra quân các lực lượng của xã, thị trấn khẩn trương khắc phục hậu quả của bão; song song với huy động MTTQ và các tổ chức chính trị, đoàn thể kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn người già, neo đơn... ổn định đời sống.