Bí thư Bình Dương: Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không được để ngắt quãng công việc

Thực hiện tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã tập trung lãnh đạo việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các mô hình định hướng của Trung ương.

Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Minh Thủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tổ chức bộ máy ở nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn hơn. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị cơ bản phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí việc làm; kiêm nhiệm các chức danh góp phần công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tập trung, thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ. Tỉnh Bình Dương đã giảm 3 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (Ban Quản lý các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội; Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy vào Công an tỉnh), giảm 65/256 phòng và tương đương trực thuộc cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (đạt tỷ lệ 25,39%).

Thực hiện tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các mô hình định hướng của Trung ương.

Cụ thể, đề xuất: Hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy, tên gọi: Ban Tuyên giáo - Dân vận Tỉnh ủy; chức năng: Trên cơ sở hợp nhất chức năng 2 cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Giữ nguyên 5 phòng chuyên môn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay để đảm bảo công tác chuyên môn không bị gián đoạn, sẽ nghiên cứu đưa những chức năng, nhiệm vụ tương đồng về bộ phận phù hợp; hợp nhất các bộ phận có chức năng tham mưu tổng hợp chung.

Trong quá tình thực hiện sắp xếp bộ máy, Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu không được làm gián đoạn, ngắt quãng công việc.

Trong quá tình thực hiện sắp xếp bộ máy, Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu không được làm gián đoạn, ngắt quãng công việc.

Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy về BVĐK tỉnh. Thống nhất chuyển Phòng khám - quản lý sức khỏe của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh để thành lập Khoa khám bệnh - quản lý sức khỏe cán bộ trực thuộc BVĐK tỉnh và chuyển Phòng hành chính nhập vào phòng tương đồng thuộc BVĐK tỉnh.

Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh; các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng. Thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy gồm: Đảng bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp và Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh.

Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, tên gọi: Sở Tài chính và Đầu tư phát triển (hoặc Sở Kinh tế phát triển); chức năng trên cơ sở hợp nhất chức năng 2 cơ quan Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Đề xuất phương án giữ nguyên 10 phòng chuyên môn và 2 phòng chức năng dùng chung (Văn phòng, Thanh tra) với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay.

Hoạt động của doanh nghiệp và việc làm của người lao động luôn được coi trọng trong quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy.

Hoạt động của doanh nghiệp và việc làm của người lao động luôn được coi trọng trong quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy.

Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, tên gọi: Sở Phát triển hạ tầng (hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn). Chức năng: Trên cơ sở hợp nhất chức năng 2 cơ quan Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Đề xuất phương án giữ nguyên 7 phòng chuyên môn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay, chỉ hợp nhất các bộ phận có chức năng tham mưu tổng hợp chung (Văn phòng, Thanh tra).

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tên gọi: Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường; chức năng: Trên cơ sở hợp nhất chức năng 2 cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Giữ nguyên 4 phòng chuyên môn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay; hợp nhất Văn phòng và Thanh tra; giữ nguyên 7 Chi cục và 17 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, 1 Quỹ bảo vệ môi trường. Đơn vị mới sau khi hợp nhất tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp.

Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ, tên gọi: Sở Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số (hoặc Sở Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông); chức năng trên cơ sở hợp nhất chức năng 2 cơ quan Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Giữ nguyên 4 phòng chuyên môn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay, hợp nhất Văn phòng và Thanh tra; đồng thời thành lập mới Phòng Kế hoạch - Tài chính để phục vụ công tác mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ quan, đơn vị và các chức năng khác có liên quan; giữ nguyên 1 Chi cục và 6 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ, chuyển một số chức năng quản lý Nhà nước về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; tên gọi: Sở Nội vụ và Lao động. Chức năng trên cơ sở hợp nhất chức năng 2 cơ quan Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; trong đó chuyển chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế. Tổ chức bộ máy: Chuyển nguyên trạng Phòng Giáo dục nghề nghiệp về Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển nguyên trạng Phòng Bảo trợ xã hội, Phòng Trẻ em - Phòng, chống tệ nạn xã hội về Sở Y tế để tiếp tục thực hiện chức năng; chuyển các bộ phận còn lại hợp nhất về Sở Nội vụ.

Đơn vị sự nghiệp: Chuyển nguyên trạng 3 đơn vị qua Sở Y tế: Cơ sở cai nghiện ma túy; Quỹ Bảo trợ trẻ em; Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội. Chuyển nguyên trạng 3 đơn vị sự nghiệp công lập qua Sở Giáo dục và Đào tạo: Trường Trung cấp Kinh tế; Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa; Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp. Chuyển nguyên trạng 2 đơn vị về Sở Nội vụ và Lao động: Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ; Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Đối với tổ chức, bộ máy cấp huyện: Hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cấp ủy huyện; dự kiến tên gọi là Ban Tuyên giáo - Dân vận cấp ủy cấp huyện.

Hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ; dự kiến tên gọi là Phòng Nội vụ và Lao động. Hợp nhất Phòng Kinh tế và Phòng Tài nguyên và Môi trường; dự kiến tên gọi là Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Đối với việc thành lập mới, chia tách, sáp nhập, kiện toàn các tổ chức cơ sở Đảng do Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định theo thẩm quyền theo hướng: Cấp ủy gồm các đồng chí lãnh đạo và 1 đồng chí làm công tác tổ chức của cơ quan đơn vị; Bí thư là người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị mới sau sáp nhập, Phó Bí thư là cấp phó trực tiếp. Ngoài ra có thể cơ cấu thêm một số đồng chí là Bí thư Chi bộ trực thuộc (đối với Đảng bộ cơ sở), người đứng đầu các đơn vị trực thuộc tham gia cấp ủy khóa mới.

Không để ngắt quãng công việc khi thực hiện sắp xếp bộ máy

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương - Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, trên cơ sở chính sách do Bộ Nội vụ ban hành, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho tỉnh chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Quan điểm khi tham mưu thực hiện các chính sách là đảm bảo nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, hợp lý cho các đối tượng trong mối tương quan chung, đảm bảo cuộc sống và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động ở tình Bình Dương.

Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động ở tình Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất với đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định, đây là thời điểm quyết định, cần thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo các bước đi, nguyên tắc, công tác tư tưởng gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp sắp tới.

Đồng thời rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của từng cơ quan, đơn vị, với tinh thần xóa cấp trung gian, không trùng lắp chức năng nhiệm vụ và bổ sung nhiệm vụ mới. Tiếp thu chỉ đạo của Trung ương, khẩn trương xây dựng chính sách của tỉnh đủ mạnh đối với các cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh gọn, sắp xếp, đảm bảo chấp hành sự phân công của tổ chức. Tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Lợi lưu ý, khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy không để ngắt quãng công việc, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển kinh tế xã hộ, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phương Chi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bi-thu-binh-duong-sap-xep-tinh-gon-to-chuc-bo-may-khong-duoc-de-ngat-quang-cong-viec-169241218092734881.htm
Zalo