'Bí quyết' xây dựng 'thế trận lòng dân' trên khu vực biên giới (bài 1)
Nghệ An là địa phương có đường biên giới đất liền, bờ biển dài, dân cư đông đúc, với nhiều thành phần dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển, giữ vững bình yên địa bàn, nâng cao đời sống nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đặt lên hàng đầu. Trong đó, BĐBP Nghệ An với vai trò nòng cốt, chuyên trách luôn bám dân, làm tốt công tác dân vận, dựa vào dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Bài 1: Củng cố niềm tin với nhân dân
So với nhiều năm về trước, cuộc sống của nhân dân trên tuyến biên giới đất liền và khu vực biên giới biển của tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, đời sống một bộ phận đồng bào vẫn gặp những khó khăn, hạn chế về nhận thức và dễ bị thế lực xấu lợi dụng lôi kéo tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật. Trước tình hình đó, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng kiên trì bám dân, thực hiện phương châm “lời nói đi đôi với việc làm”.
Còn đó nhiều nỗi lo lớn
Tỉnh Nghệ An có đường biên giới đất liền kéo dài 468,281km, trải dài trên địa bàn 6 huyện biên giới gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong và Kỳ Sơn, đây là khu vực định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Địa phương này còn có 82km đường bờ biển chạy xuyên suốt từ thị xã Hoàng Mai qua huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh, khu vực biên giới biển có dân cư sinh sống đông đúc, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, mưu sinh bằng nhiều ngành nghề.
Những năm qua, nhờ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cuộc sống của nhân dân trên tuyến biên giới đất liền, biển. đảo của tỉnh Nghệ An có nhiều đổi thay, tiến bộ. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, phong tục, tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu... khiến cho mức sống của một bộ phận đồng bào ở đây vẫn còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của nhân dân toàn tỉnh. Cùng với đó, các địa phương biên giới còn phải đối diện với nhiều thách thức khác như hệ thống chính trị cơ sở một số xã, bản làng, thôn xóm còn hạn chế, hạ tầng còn nhiều khó khăn. Điều đó ảnh hưởng lớn đến quá trình truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, cũng như phát triển kinh tế, xã hội. Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng khoét sâu vào những hạn chế của bộ máy công quyền và cuộc sống khó khăn của nhân dân để thực hiện các hành vi chống phá. Chúng triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tìm cách gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, tạo các “điểm nóng” gây bất ổn về an ninh, chính trị.
Không chỉ vậy, hai tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An còn phải đối diện với hoạt động của tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Khu vực biên giới đất liền của tỉnh Nghệ An giáp với các địa phương của Lào được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm của các loại tội phạm như buôn bán vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép. Các hành vi như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xâm hại tài nguyên rừng còn tiềm ẩn diễn ra phức tạp. Còn trên tuyến biên giới biển, hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) còn khá phổ biến. Ngoài ra, khu vực này phải gánh chịu sự tác động của thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Những yếu tố trên đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và BĐBP Nghệ An trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững bình yên địa bàn.
Bám địa bàn, hiểu điều dân cần
Xuyên suốt quá trình dài, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An luôn xác định rõ phương châm bám địa bàn, chăm lo đời sống nhân dân, dựa vào dân để bảo vệ biên giới, vùng biển. Đại tá Lê Như Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Nghệ An cho biết: “Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An chỉ đạo các đơn vị triển khai quân số thường xuyên bám địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng biên vững mạnh. Cùng với đó, tổ chức hiệu quả các mô hình giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, phát huy tốt công tác dân vận, giữ vững niềm tin trong nhân dân, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, chung sức bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo”.
Căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế địa bàn, nhu cầu của chính quyền địa phương, BĐBP Nghệ An đã triển khai nhiều chủ trương lớn góp sức vào công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Trong đó, phải kể đến chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới; giới thiệu cán bộ Biên phòng để bầu vào Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã biên giới; phân công đảng viên Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới... Tính đến hết tháng 8/2024, có 27 cán bộ của BĐBP Nghệ An tăng cường xã, trong đó có 25 đồng chí giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã phụ trách quốc phòng, an ninh; 25 đồng chí được bầu vào Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026; phân công 570 đảng viên Biên phòng phụ trách 2.474 hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Trên các cương vị công tác khác nhau tại địa phương, cán bộ các đơn vị thuộc BĐBP Nghệ An đã phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện, xã biên giới lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, tập trung tham mưu, chỉ đạo xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân. Cán bộ Biên phòng kịp thời tham mưu để chính quyền địa phương, đồn Biên phòng chỉ đạo, phối hợp giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra "điểm nóng" trên địa bàn biên giới.
Bài 2: Nhiều cách làm thiết thực đi vào lòng dân