Bí mật thảm họa Jeju Air có thể được tiết lộ qua 2 chiếc hộp
Là thiết bị quan trọng làm sáng tỏ tai nạn hàng không chết chóc nhất lịch sử Hàn Quốc, hộp đen máy bay đang thiếu mất một thành phần quan trọng, khiến cuộc điều tra bị bủa vây với hàng loạt câu hỏi.
Video ghi lại khoảnh khắc Boeing 737-800 hạ cánh cho thấy máy bay tiếp đất mà không hạ càng. Máy bay trượt dài trên đường băng với tốc độ cao, tạo ra đám bụi, khói và tia lửa. Nó gần như không thể giảm tốc trước khi đâm vào công trình bê tông cách cuối đường băng 250 m.
Hwang Ho-won, Chủ tịch Hiệp hội An ninh Hàng không Hàn Quốc, đặt câu hỏi: “Tại sao phi công lại vội vàng hạ cánh đến vậy?”.
Thông thường, khi phi công quyết định hạ cánh bằng bụng máy bay, họ sẽ cố gắng kéo dài thời gian, xả bớt nhiên liệu trên không và cho phép đội mặt đất chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Nhưng có vẻ như phi công của Jeju Air không có đủ thời gian để làm điều đó.
“Liệu có phải do cả 2 động cơ của máy bay đã bị hỏng? Hay quyết định vội vàng này là sai lầm của con người?”, ông Hwang Ho-won tiếp tục đặt câu hỏi.
Câu hỏi này sẽ chỉ có thể giải đáp sau khi phân tích hộp đen của máy bay, chuyên gia hàng không J.Y. Jung tại Đại học Khyungwoon nói với New York Times.
Hộp đen máy bay Jeju Air đã bị hư hại một phần
Hiện tại, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) là một trong 2 "hộp đen" mà các nhà điều tra Hàn Quốc đã thu hồi được từ hiện trường vụ tai nạn, Reuters đưa tin. FDR có nhiệm vụ ghi lại các thông số quan trọng của máy bay như độ cao, tốc độ và nhiều dữ liệu khác.
Tuy nhiên, theo quan chức cấp cao của Bộ Giao thông Hàn Quốc, FDR đã bị mất một đầu nối liên kết giữa đơn vị lưu trữ dữ liệu và đơn vị lưu trữ năng lượng.
Trong buổi họp báo vào 31/12, Thứ trưởng Bộ Hàng không Dân dụng Hàn Quốc ông Joo Jong-wan cho biết các chuyên gia đang nỗ lực khôi phục dữ liệu từ thiết bị này và bộ phận sẽ cố gắng giải quyết vấn đề "sớm nhất có thể”. Tuy nhiên, ông không cung cấp thời gian cụ thể cho quá trình này.
Cùng với FDR, các điều tra viên cũng đã thu hồi được thiết bị ghi âm buồng lái (CVR). Thiết bị này ghi lại các cuộc trao đổi giữa phi công và trạm kiểm soát không lưu, cùng tiếng động cơ và các âm thanh khác.
Cả 2 thiết bị sẽ được kiểm tra bởi nhóm điều tra chung, bao gồm các quan chức hàng không Mỹ và đại diện từ hãng Boeing - nhà sản xuất chiếc máy bay Boeing 737-800 gặp nạn, Bloomberg đưa tin.
Hộp đen, hay còn gọi là thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay, là công cụ không thể thiếu khi điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn hàng không. Nó cung cấp thông tin quan trọng về các hành động và quyết định của tổ lái trước khi thảm kịch xảy ra, giúp trả lời những câu hỏi còn bỏ ngỏ khi có tai nạn.
Có 2 loại hộp đen bắt buộc trên mỗi chuyến bay thương mại, là FDR và CVR. Cả 2 đều được chế tạo từ thép và titan, có khả năng chống chịu các điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ cao, va đập mạnh và ngâm nước dưới áp suất lớn.
Với máy bay Boeing, 2 máy ghi dữ liệu được lắp đặt ở 2 đầu đối diện của máy bay. Máy ghi dữ liệu chuyến bay ở đuôi máy bay, có thể cung cấp thông tin về hoạt động cơ học của máy bay phản lực trong chuyến bay ngắn và máy ghi âm buồng lái ghi lại cuộc trò chuyện của phi công.
Mặc dù được gọi là "hộp đen”, trên thực tế, các thiết bị này được sơn màu cam sáng để dễ dàng phát hiện trong các vụ tai nạn. Ngoài ra, chúng còn được trang bị thiết bị phát tín hiệu siêu âm trong ít nhất 30 ngày, giúp định vị ngay cả khi bị chìm dưới nước.
Trong trường hợp dữ liệu bên trong bị hỏng hoặc mất kết nối như vụ tai nạn của Jeju Air, quá trình khôi phục sẽ đòi hỏi các chuyên gia sử dụng công nghệ cao để phân tích và tái tạo thông tin. Quá trình phức tạp này có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng trước khi đưa ra kết luận chính thức.
"Người sống sót duy nhất" trong các vụ tai nạn hàng không
Sau một vụ tai nạn, việc tìm kiếm hộp đen luôn là ưu tiên hàng đầu của các nhà điều tra. Quá trình này không hề dễ dàng, đặc biệt khi máy bay rơi ở những khu vực khó tiếp cận hoặc dưới nước. Hiện nay, một số dòng máy bay hiện đại được trang bị hệ thống tách rời hộp đen tự động trong trường hợp rơi xuống nước. Nhờ đó, hộp đen nổi lên bề mặt và dễ dàng được thu hồi.
Khi tìm thấy, hộp đen được chuyển đến các phòng thí nghiệm chuyên biệt để tải dữ liệu và phân tích. Với các thiết bị hiện đại, FDR có thể lưu trữ dữ liệu trong 25 giờ bay liên tục, với hơn 700 tham số khác nhau như tốc độ máy bay, độ cao, nhiệt độ dầu động cơ, vị trí cần điều khiển… Trong khi đó, CVR ghi lại âm thanh trong 2h cuối trước tai nạn.
Đơn cử như trên máy bay Boeing 787, các thiết bị này có thể ghi lại 146.000 thông số, tạo ra vài terabyte dữ liệu cho mỗi chuyến bay. Lượng dữ liệu khổng lồ đó là con dao 2 lưỡi. Nó rất hữu ích khi giám sát máy bay, nhưng lại có thể khiến các kỹ sư và nhân viên bảo trì choáng ngợp. Để quản lý tất cả dữ liệu đó, họ cần phần mềm quản lý dữ liệu rất tinh vi.
Trong nhiều vụ tai nạn, thiết bị duy nhất còn sót lại là đơn vị bộ nhớ chịu va đập (CSMU) của máy ghi dữ liệu chuyến bay và máy ghi âm buồng lái. Đây là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu. Thông thường, phần còn lại của khung và các bộ phận bên trong của máy ghi âm đều bị hỏng. CSMU là một hình trụ lớn bắt vít vào phần phẳng của máy ghi.
CSMU được bảo vệ bởi lớp vỏ thép không gỉ hoặc titan, có khả năng chịu nhiệt độ lên đến 1.100 độ C trong vòng một giờ, áp lực 5.000 psi và lực tác động tương đương cú rơi từ độ cao 3.400 m, theo World Aviation.
Một số thiết bị mới còn có khả năng ghi lại dữ liệu hình ảnh từ buồng lái, giúp cung cấp thêm thông tin về những gì phi công nhìn thấy trước tai nạn.
Nếu FDR không bị hỏng, các nhà điều tra có thể chỉ cần phát lại nó trên máy ghi âm bằng cách kết nối với hệ thống đọc. Với máy ghi trạng thái rắn, điều tra viên có thể trích xuất dữ liệu được lưu trữ trong vài phút thông qua cổng USB hoặc Ethernet.
Song, đa số trường hợp máy ghi âm được lấy từ đống đổ nát, nên sẽ bị móp hoặc cháy đen. Trong những trường hợp này, bo mạch bộ nhớ sẽ được tháo ra, làm sạch và lắp cáp giao diện bộ nhớ mới. Sau đó, bảng nhớ được kết nối với một máy ghi đang hoạt động. Máy ghi này có phần mềm đặc biệt để truy xuất dữ liệu và không có khả năng ghi đè lên bất kỳ dữ liệu nào.
Cả FDR và CVR đều là những thiết bị vô giá với tất cả cuộc điều tra tai nạn máy bay. Đây thường là những "người sống sót duy nhất" trong các vụ tai nạn máy bay, có khả năng cung cấp những manh mối quan trọng mà không thể có được bằng bất kỳ cách nào khác, How Stuff Works kết luận.