Bí mật giấu kín nhất của giới giàu có
Những người đang vật lộn với doanh nghiệp sẽ dành thời gian để tiết kiệm tiền, trong khi các doanh nhân thành công sẽ chi tiền để tiết kiệm thời gian.
Người bạn Vilfredo Pareto và quy luật 80/20
Tôi chưa bao giờ có may mắn được gặp gỡ Vilfredo Pareto, đơn giản vì ông đã mất hơn nửa thế kỷ trước khi tôi được sinh ra, nhưng tôi chắc chắn mình và ông ấy có lẽ đã trở thành bạn tri kỷ.
Pareto là nhà kinh tế học người Ý với nhận định 80% lãnh thổ nước Ý được 20% dân số sở hữu. Từ đó, quy tắc 80/20 ra đời.
Quy tắc 80/20 không chỉ dừng lại trên khía cạnh lãnh thổ nước Ý. Nó còn đúng với hầu hết mọi thứ mà bạn quan tâm. Ví dụ:
80% lợi nhuận của công ty tới từ 20% khách hàng.
80% tai nạn giao thông đường bộ do 20% lái xe gây ra.
80% hiệu năng sử dụng phần mềm là do 20% lượng người dùng.
80% những lời than phiền về công ty đến từ 20% khách hàng.
80% tài sản được sở hữu bởi 20% dân số.
Woody Allen thậm chí còn cho rằng thành công của cuộc đời gồm 20% nghệ thuật và 80% thể hiện.
Nói cách khác, định luật Pareto dự đoán rằng 80% hệ quả tới từ 20% nguyên nhân.
Câu nói đó tuy ngắn gọn nhưng lại khiến tôi rất hào hứng.
Mọi người thường nói nhu cầu là mẹ của sự sáng tạo, nhưng tôi cho rằng sự lười biếng mới là bà mẹ thực sự, và Vilfredo chính là người chỉ dẫn tôi trong việc theo đuổi sự sáng tạo đó.
Do vậy, về bản chất, bạn có thể giảm bớt 80% khối lượng công việc của mình, ngồi trên giường, ăn khoai tây chiên mà vẫn đạt được phần lớn những kết quả mà bạn đang có.
Nếu không muốn dành 80% thời gian để ngồi trên giường và ăn khoai tây chiên, bạn có thể chọn cách tăng khối lượng công việc lên 20% để đạt được thành công nhanh hơn. Và, trong cuốn sách này, thành công được định nghĩa là làm ít mà hưởng nhiều.
Quy tắc 64/4
Nếu bạn thấy thích thú với quy tắc 80/20, thì quy tắc 64/41 sẽ thực sự khuấy động tâm trí bạn. Hãy thử biến đổi quy tắc 80/20 một chút. Chúng ta lấy 80% của 80 và 20% của 20 để có được quy tắc 64/4.
Vậy 64% kết quả tới từ 4% nguyên nhân.
Nói cách khác - phần lớn thành công của bạn tới từ 4% hành động nổi bật nhất. Hay nói cách khác, 96% công việc mà bạn đang làm là sự lãng phí thời gian (điều này có thể mang tính tương đối).
Điều đáng ngạc nhiên nhất là quy tắc 80/20 và 64/4 trên thực tế chính xác tới mức đáng kinh ngạc. Nếu nhìn vào những con số phân bổ tài sản của thế kỷ trước, bạn sẽ thấy top 4% những người giàu nhất sở hữu tới 64% khối lượng tài sản, và top 20% sở hữu khoảng 80% tài sản. Điều này không phải vì “thời đại thông tin”. Bạn có thể tưởng tượng hàng trăm năm trước, chỉ những người giàu có nắm được thông tin, do đó việc họ giữ 80% khối lượng tài sản khá dễ hiểu. Những con số này đúng cả cho ngày nay, khi mà thông tin là dân chủ, ngay cả người nghèo cũng có lượng thông tin như những người giàu nhất.
Điều đó chứng tỏ sự thiếu hụt thông tin không phải là vấn đề khiến 80% còn lại tụt phía sau mà là do hành vi và tư duy của con người. Sự thật này không hề thay đổi trong hơn 100 năm qua.
Bí mật giấu kín nhất của giới giàu có
Sau một thời gian quan sát và làm việc với rất nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới, tôi phát hiện ra một điểm để phân biệt những người rất giàu có và thành công với những kẻ thất bại và những người đang phải vật lộn với doanh nghiệp.
Những người đang vật lộn với doanh nghiệp sẽ dành thời gian để tiết kiệm tiền, trong khi các doanh nhân thành công sẽ chi tiền để tiết kiệm thời gian. Tại sao đó lại là một sự khác biệt quan trọng? Bởi bạn có thể kiếm thêm tiền nhưng không bao giờ có thêm thời gian. Vì vậy, bạn cần đảm bảo những gì mình dành thời gian để tạo ra nhiều thành quả nhất.
Đây được gọi là hiệu ứng đòn bẩy, bí mật giấu kín nhất của người giàu.
Những hoạt động tạo ra thành công lớn, mang tính đòn bẩy là chìa khóa của 20% trong quy tắc 80/20 và 4% trong quy tắc 64/4.
Nếu muốn gặt hái được nhiều thành công hơn, bạn cần tập trung và phát triển những yếu tố được coi là đòn bẩy tốt nhất mà bạn đang có.
Có nhiều cách giúp doanh nghiệp của bạn tìm kiếm các yếu tố đòn bẩy. Bạn có thể rèn luyện kỹ năng thuyết phục của mình tốt hơn 50%. Điều này sẽ giúp bạn tái đàm phán với các nhà cung cấp và tạo ra bước tiến đáng kể trong việc kinh doanh. Ý tưởng này có vẻ tiềm năng, nhưng cuối cùng, bao công sức chỉ giúp bạn cải thiện lợi nhuận từ từ. Đó không phải là điều mà tôi gọi là đòn bẩy quy mô. Chúng ta muốn phát triển vượt trội theo cấp số nhân, không phải từ từ theo cấp số cộng.
Cho tới nay, điểm tựa đòn bẩy lớn nhất trong bất kỳ doanh nghiệp nào đều là hoạt động marketing. Nếu hoạt động marketing tốt hơn 10%, điều đó sẽ đem lại cho bạn kết quả theo cấp số nhân.
Willie Sutton từng là một kẻ cướp nhiều ngân hàng Mỹ. Trong hành trình 40 năm phạm tội, hắn đã cướp đi hàng triệu đô-la, thậm chí còn dành hơn nửa đời ở trong ngục và trốn thoát được ba lần. Khi phóng viên Mitch Ohnstad hỏi lý do hắn cướp ngân hàng, hắn trả lời: “Tại vì ở đó có tiền.” Trong lĩnh vực kinh doanh, lý do khiến chúng ta tập trung rất nhiều vào marketing cũng tương tự - vì ở đó có lợi nhuận.