Bí kíp muối dưa hành chuẩn miền Bắc cho ngày Tết

Trong bữa cỗ ngày Xuân, đĩa dưa hành nhìn thật khiêm tốn, có lẽ cũng vì là món ăn rẻ tiền, nhưng nó lại được nhiều người ưa thích.

Cùng với xôi, thịt đông, thịt gà, bánh chưng... thì dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên, ông bà trong dịp Tết của người dân Việt Nam. (Nguồn: Facebook)

Cùng với xôi, thịt đông, thịt gà, bánh chưng... thì dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên, ông bà trong dịp Tết của người dân Việt Nam. (Nguồn: Facebook)

Dưa hành (hay còn gọi là hành muối chua) là một loại dưa muối truyền thống nổi tiếng của người dân miền Bắc. Câu ca dao “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” là minh chứng rõ nét cho sự nổi tiếng của dưa hành trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là trong dịp Tết đến Xuân về.

Mâm cơm ngày Tết của người Việt rất đa dạng, món ăn cầu kỳ có, món đơn giản cũng có. Trong bữa cỗ ngày Xuân, đĩa dưa hành nhìn thật khiêm tốn, có lẽ cũng vì là món ăn rẻ tiền, nhưng nó lại được nhiều người ưa thích.

Đối với người Việt, dưa hành vẫn được coi như một “món phụ”, không cần ăn nhiều, chỉ cần điểm xuyết, thế nhưng đây lại là một gia vị cực kỳ quan trọng, không thể thiếu trong ngày Tết.

Hành muối ăn cùng với thịt mỡ hay giò tai, giò xào dường như đã trở thành một tiêu chuẩn, một công thức ăn uống trong văn hóa Tết người Việt. Đĩa hành muối đặt giữa một bàn ăn nhiều chất đạm, dầu mỡ, giúp bữa cỗ ngày Xuân không bị ngán. Cảm giác giòn giòn, vị chua và mặn của hành muối hòa quyện với cảm giác béo ngậy của thịt mỡ lan tỏa vào vị giác khiến bất kỳ thực khách nào cũng phải gật gù, cho thấy gu ẩm thực truyền thống tinh tế của người Việt.

Món ăn “phụ” này nhìn qua có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể muối được dưa hành ngon. Hành muối ngon là củ hành muối phải chín mà không ủng nước, có màu trắng ngà, giòn không hăng, chua nhưng không được gắt.

Dưới đây là các bước làm món ăn này và những mẹo cần chú ý để có bữa ăn ngon trong ngày Tết.

Chuẩn bị nguyên liệu:

Hành trắng: 1 ký
Nước mắm cốt: 1 bát
Giấm ăn: 1 bát
Đường cát trắng: ⅔ bát
Nước lọc: 2 bát
Nước vo gạo: 3 bát to

Trong khâu này, khi chọn hành để muối nên lựa những củ hành nhỏ và vừa, có vỏ ngoài lành lặn, không bị trầy, xước. Không nên chọn những củ mềm, chảy nước hoặc mốc. Ngoài ra, cũng không nên chọn củ hành to quá vì sẽ khó muối và khó ăn kèm với những món khác.

Đối với giấm ăn, nên chọn loại giấm ngon, không nên dùng những loại giấm ăn công nghiệp đang bày bán trên thị trường vì sẽ làm cho vị của dưa hành bị gắt.

Các bước muối dưa hành đơn giản tại nhà

Bước 1: Sơ chế hành muối

Hành trắng mua về cho vào ngâm qua đêm trong nước vo gạo. Hành sau khi bóc vỏ, cắt bỏ rễ thì rửa qua nước muối pha loãng trong chậu, sau đó để ráo.

Trong khâu cắt tỉa hành lưu ý chỉ nên cắt bỏ đi một phần nhỏ của rễ, không nên cắt bỏ hết để tránh làm hành bị mềm, ủng trong quá trình muối.

Bước 2: Chế nước muối dưa hành

Pha hỗn hợp nước muối hành: Cho 1 bát nước mắm nguyên chất, 2/3 bát đường cát, 1,5 bát nước lọc và cuối cùng là 1 bát giấm ăn vào nồi, khuấy đều đến khi đường tan hết. Tiếp theo, bắc nồi lên bếp nấu sôi với lửa nhỏ, tắt bếp để nguội hẳn.

Bước 3: Muối dưa hành

Chuẩn bị hũ đựng thủy tinh sạch sẽ, dùng khăn khô lau sạch bên trong đảm bảo bên trong hũ không còn nước. Xếp lần lượt hành trắng và ớt xen kẽ nhau, đổ từ từ hỗn hợp nước muối hành đã chuẩn bị vào hũ đến khi ngập mặt hành là được.

Đậy kín nắp hũ, để hũ hành muối ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Sau khoảng từ 4-5 ngày là có thể mang ra ăn được.

 Muối dưa hành giờ đây còn trở thành một dịch vụ kinh doanh đắt hàng trong dịp Tết. (Nguồn: Facebook)

Muối dưa hành giờ đây còn trở thành một dịch vụ kinh doanh đắt hàng trong dịp Tết. (Nguồn: Facebook)

Mẹo bảo quản dưa hành được lâu

Hành sau khi sơ chế sạch sẽ cần để thật ráo nước mới mang đi muối. Hành còn ướt mang đi muối sẽ rất nhanh bị hư.
Lọ/ hũ dùng để muối hành phải đảm bảo sạch sẽ, khô ráo trước khi muối.
Sau khi đã cho hành, hỗn hợp nước muối hành vào lọ thủy tinh, nên dùng đũa hoặc muỗng đè hành ngập trong nước mắm. Làm như vậy giúp hành thấm đều gia vị và không bị hư trong quá trình muối.
Khi nấu hỗn hợp nước muối dưa hành, cần chú ý điều chỉnh chính xác độ chua, mặn của nước. Nếu cho không đủ muối hoặc giấm thì hành sẽ bị hư, còn nếu cho dư thì hành muối sẽ bị mặn, khó ăn.
Khi lấy hành muối ra ăn nên dùng đũa hoặc muỗng sạch múc ra bát, đậy kín nắp và cất trong ngăn mát tủ lạnh sẽ có thể bảo quản được hơn 1 tháng.

Tác dụng của món dưa hành trong ngày Tết

Dưa hành có chứa nhiều men probiotics và lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa, giúp hỗ trợ hoạt động của đường ruột, kích thích và tăng cường hệ miễn dịch. Do đó, ăn dưa hành trong ngày Tết có tác dụng trung hòa cảm giác ngán, khó chịu khi ăn quá nhiều những món giàu chất đạm, món chiên, rán và nhiều dầu mỡ.

Dưa hành cũng chứa nhiều chất enzyme sống, tốt cho những người bị rối loạn tiêu hóa, táo bón, đầy bụng…

Bên cạnh những lợi ích trên, dưa hành cũng có một vài tác dụng không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với những người sau:

Nhóm người không nên ăn dưa hành

Người bị bệnh dạ dày: Dưa hành chứa rất nhiều acid, do đó người mắc bệnh về dạ dày không nên ăn.

Người bị bệnh thận: Hành muối là món ăn sử dụng khá nhiều muối và nước mắm. Khi ăn sẽ buộc cơ thể phải thu nạp nhiều nước, buộc thận phải hoạt động nhiều hơn so với bình thường.

Người bệnh ung thư: Hành muối có chứa chất nitrat, khi ăn kết hợp cùng với các loại thực phẩm có chứa đạm sẽ tạo thành nitrosamine, là nguyên nhân gây ra ung thư và hình thành các khối u bên trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân mắc bệnh ung thư tuyệt đối không nên ăn dưa hành./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bi-kip-muoi-dua-hanh-chuan-mien-bac-cho-ngay-tet-post1008294.vnp
Zalo