Bị cáo Trương Mỹ Lan: Ăn với lãnh đạo SCB chỉ là bữa cơm trưa bình thường
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng một số đồng phạm sẽ tạm nghỉ và mở lại vào sáng ngày 3-4.
Sáng 28-3, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 (VTP) đã kết thúc phần xét hỏi.
HĐXX thông báo phiên tòa tạm nghỉ và sẽ mở lại vào sáng ngày 3-4 với phần phát biểu quan điểm của đại diện VKS.

Phiên tòa phúc thẩm bắt đầu diễn ra vào ngày 25-3, dự kiến kết thúc vào ngày 21-4. Ảnh: TRẦN LINH
"Bị cáo chỉ cho mượn các Công ty thuộc tập đoàn VTP..."
Trả lời câu hỏi của luật sư (LS), bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định tại thời điểm chủ trương phát hành trái phiếu bị cáo có mời một số người như: Chủ tịch SCB Đinh Văn Thành, Phó Tổng giám đốc SCB Nguyễn Phương Hồng (đã mất), Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI Nguyễn Tiến Thành... đến để cùng ăn cơm trưa bàn công việc. Tuy nhiên, đây chỉ là bữa cơm bình thường chứ đó không phải cuộc họp.
Bà Lan cũng trình bày, Nguyễn Phương Hồng là nhân viên xuất sắc, muốn bảo vệ SCB đến cùng nên đã tự làm mọi thứ từ trước. Bà Lan không bàn việc phát hành trái phiếu với Nguyễn Phương Hồng, việc phát hành trái phiếu Setra bị cáo này cũng không biết.
“Nếu muốn chiếm dụng số tiền hơn 30.000 tỉ đồng, với tầm cỡ của tập đoàn VTP lúc bấy giờ bị cáo có thể phát hành nhiều trái phiếu hơn như thế hoặc bị cáo có thể phát hành ở công ty khác, không nhất thiết phải phát hành thông qua ngân hàng SCB.
Nhưng do thời điểm đó SCB cần rất nhiều tiền và Hồng nói với bị cáo phát hành cái này không có gì cả, thật sự bị cáo không biết như vậy là trái luật. Bị cáo chỉ cho mượn các Công ty thuộc tập đoàn VTP để cho Hồng làm, bị cáo chỉ muốn làm sao giải giúp SCB thoát khỏi khó khăn” – bà Lan nói.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Phương Hồng là người đề xuất và tham gia họp bàn chủ trương phát hành trái phiếu cùng Trương Mỹ Lan và các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI và các công ty phát hành trái phiếu để lên phương án phát hành trái phiếu, điều phối dòng tiền, quản lý, theo dõi, sử dụng tiền thu được từ nguồn trái phiếu.
Hành vi của Nguyễn Phương Hồng đã giúp cho Trương Mỹ Lan phát hành 25 gói trái phiếu khống, chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỉ đồng.
Cựu tổng giám đốc SCB xin xem xét lại cáo buộc
Tại tòa, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) khi được xét hỏi đã trần tình về vai trò của mình trong ngân hàng SCB. Rằng bị cáo chỉ giới thiệu trái phiếu với khách hàng, còn việc ký mua bán ở đâu để đúng pháp luật thì ngoài hiểu biết của bị cáo.
“Số tiền khách hàng mua trái phiếu sẽ chuyển vào Công ty chứng khoán Tân Việt, không có chuyện khách hàng chuyển vào ngân hàng SCB. Khách hàng chỉ sử dụng tài khoản ngân hàng SCB chuyển vào tài khoản Công ty Tân Việt.
Bị cáo xin khẳng định lại khách hàng mua trái phiếu chuyển vào tài khoản của Công ty chứng khoán Tân Việt - người bán trái phiếu chứ không chuyển vào SCB. Bản thân ngân hàng hoạt động chỉ là cơ chế tài chính trung gian” - bị cáo Văn trình bày.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Cựu tổng giám đốc SCB cũng cho biết khi khách hàng được tư vấn mua trái phiếu để có lợi nhuận khác, SCB có hướng dẫn, tư vấn rõ ràng, đầy đủ, chuyên nghiệp, không có hành vi ép buộc khách hàng phải mua trái phiếu.
Sau khi được tư vấn, khách có thể quyết định đầu tư hay không, đối diện với lợi nhuận phải có rủi ro, khách hàng nếu thay đổi ý kiến quyết định vẫn được SCB đáp ứng. Thông tin của trái phiếu được công bố đầy đủ trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định.
Khách hàng muốn gửi tiết kiệm, vẫn thực hiện được mong muốn của mình vì tiền huy động tiết kiệm năm 2020 khoảng 500.000 tỉ đồng, nên nói khách hàng đến chỉ huy động trái phiếu không huy động tiết kiệm thì không hợp lý.
Ngoài ra, trong phần trình bày, bị cáo Văn cũng đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền quy buộc trách nhiệm của mình trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo này cho rằng mình nghỉ việc ở ngân hàng vào tháng 7-2020, khi đó số dư của các lô trái phiếu chỉ là 7.900 tỉ đồng nên không thể quy buộc trách nhiệm hết với số tiền 30.000 tỉ đồng.
“Bị cáo mong muốn làm rõ nội dung trong bản án sơ thẩm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo không tham gia gói trái phiếu Setra, mong HĐXX xem xét đảm bảo bản án minh bạch, công bằng, thấu tình đạt lý” – bị cáo Văn nói.