Bảo vệ Tam Giang, cứu những phận đời - Kỳ 3

Với hệ sinh thái đa dạng phong phú, nơi đây, tập trung hàng nghìn loại thủy sản là nguồn sinh kế cho khoảng 300 nghìn dân sinh sống khu vực gần bờ. Song, Tam Giang đang gánh nhiều nỗi đau từ chính bàn tay của con người.

Những lần rong ruổi về với con nước, “nỗi đau” Tam Giang được chúng tôi thông tin với chính quyền địa phương cấp cơ sở, nơi hàng ngày sát cánh cùng ngư dân.

Ông Trần Thanh Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc) nhận định, đối với hoạt động khai thác thủy sản trái phép do chi phí đầu tư thấp, lực lượng lao động ít, nguồn thu nhập mang lại cao nên tình trạng đánh bắt trái phép xảy ra ngày một nhiều hơn.

Theo ông Văn, một số người dân vẫn nhận thức, biết rõ hành vi của mình là trái quy định của pháp luật, nhưng vẫn cố tình vi phạm làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số nghề tự phát như cào lươn đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, có thể làm hư hỏng tài sản đối với hoạt động đánh bắt của các nghề truyền thống.

“UBND xã giao công an phối hợp các chi hội nghề cá, thường xuyên tổ chức tuần tra xử lý các trường hợp đánh bắt thủy sản bằng xung điện, cào máy, dùng các dụng cụ mang tính hủy diệt; tiến hành gọi hỏi, răn đe các đối tượng; tổ chức tuần tra phát hiện và lập biên bản xử lý, tịch thu máy xung kích và các dụng cụ có liên quan. Công an xã đã mời làm việc cho các hộ dân cam kết không tái phạm và vận động chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với nghề cào máy, trên địa bàn xã hiện nay có một số hộ hoạt động nhưng đều tự phát, sử dụng các công cụ không theo quy định của pháp luật ảnh hưởng đến môi trường đầm phá. UBND xã tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi nghề nghiệp, kiên quyết xử lý vi phạm nếu còn xảy ra”, ông Văn nhận định.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn tình trạng tận diệt các loài thủy, địa phương cũng đồng thời sẽ tập trung tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các địa bàn có nhiều đồng ruộng, ao hồ, sông, suối, mặt nước đầm phá, để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn việc sử dụng xung điện, kích điện, khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Tuyên truyền rộng rãi đến người dân lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản sản, các quy định của pháp luật liên quan và hướng dẫn người dân chuyển đổi sang các nghề phù hợp.

Những giải pháp được ông Văn nêu ra có vẻ rất thấu tình đạt lý, song con số khiêm tốn về việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng cho thấy còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như chưa đủ chế tài răn re.

Năm 2023 và 2024 ở Lộc Điền chỉ có 2 vụ việc được xử lý. Đó là vào ngày 16/4/2023, đối tượng Bùi Ten trú ở Bát Sơn, Lộc Điền đã sử dụng xung kích điện, lén lút chiếm đoạt cá mú (trong lồng nuôi của ngư dân) tại khu vực đầm phá thôn Bạch Thạch. Công an xã Lộc Điền phối hợp với Công an huyện Phú Lộc điều tra làm rõ; chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự với mức phạt 7 tháng tù treo về tội trộm cắp tài sản.

Tháng 5/2024, Công an xã Lộc Điền tuần tra bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Lực trú tại Vinh Hà, Phú Vang có hành vi sử dụng kích điện để khai thác thủy sản trái phép; đã xử lý vi phạm hành chính với mức phạt 17.500.000 đồng, tịch thu các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đồng thời, Công an xã Lộc Điền đã tiến hành mời làm việc 13 hộ dân nghi sử dụng kích điện để khai thác thủy sản và buộc phải viết cam kết.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) thông tin: UBND xã đã thống kê, rà soát số lượng tàu, thuyền khai thác thủy sản trên phá Tam Giang, tiến hành triển khai đăng ký tàu thuyền và cấp phép khai thác thủy sản. Năm 2024, UBND xã chỉ đạo các chi hội nghề cá, công an xã phối hợp các ngành tuần tra, truy bắt các đối tượng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt trên các khu vực nội đồng và trên phá Tam Giang, đã lập hồ sơ với 3 đối tượng chuyển cấp trên xử lý phạt với số tiền là 75 triệu đồng.

“Địa phương tiếp tục quản lý có hiệu quả khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, tăng cường kiểm tra việc khai thác trái phép tại các khu bảo vệ. Đồng thời, phát huy vai trò của các chi hội nghề cá trong quản lý và khai thác bền vững phá Tam Giang”, ông Bảo nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Môi trường hiện nay, các quy định còn nhiều bất cập, vướng mắc dẫn đến thiếu hiệu quả trong việc thực thi pháp luật về thủy sản trong hoạt động kiểm ngư.

Ông Bình đưa ví dụ, lực lượng kiểm ngư TP. Huế hiện nay là Phòng Thanh tra, Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư địa phương, hoặc Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản. Các vi phạm nếu được phát hiện phải chuyển cho Thanh tra Sở NN&PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), hoặc cơ quan có thẩm quyền xử phạt khác. Nhưng để bảo đảm thực thi xử phạt phải giữ tàu thuyền ngay (Chi cục Thủy sản không có chức năng xử phạt, không thể quyết định tạm giữ tàu cá) nên quá trình xử lý vi phạm hành chính mất thời gian, phức tạp, khó thực hiện được, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, lực lượng công chức, viên chức kiểm ngư đang thiếu, chưa đủ bố trí nhân lực cho một chuyến tuần tra. Để thực hiện các chuyến tuần tra, Chi cục Thủy sản phải phối hợp với các đơn vị liên quan để có đủ nhân lực theo quy định, nhưng hiện còn nhiều hạn chế vì các đơn vị cũng không đủ nguồn lực, nên đã không chủ động được trong các chuyến tuần tra của lực lượng kiểm ngư.

“Do chưa có chế độ kiểm ngư như quy định trong Luật Thủy sản, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, biên chế lại không phân đủ. Tuy nhiên, nếu phân đủ thì việc tuyển dụng kiểm ngư viên và thuyền viên tàu kiểm ngư với yêu cầu chuyên môn và tính chất công việc thì khó tuyển dụng được nhân lực theo quy định”, ông Bình nhấn mạnh.

Hành vi khai thác thủy sản trái phép luôn tồn tại trong xã hội vì những lý do khách quan và chủ quan, việc đấu tranh ngăn chặn triệt để khai thác thủy sản trái phép là nhiệm vụ thường xuyên, trọng điểm.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2025 và thời gian đến, các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường phối hợp, giám sát hoạt động chống khai thác thủy sản trái phép với chính quyền địa phương; kiện toàn, phối hợp với các chi hội nghề cá vùng đầm phá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản trái phép. “Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của cộng đồng và thúc đẩy mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực bảo vệ; thực hiện kế hoạch tuyên truyền pháp luật về thủy sản, truyền thông tái tạo nguồn lợi thủy sản để thay đổi nhận thức của người dân và làm phong phú nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ngành nông nghiệp cũng sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản trái phép vùng sông đầm, tăng tuần tra từ 10 chuyến lên 17 chuyến trong năm”, ông Đức nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh, đẩy lùi vấn nạn khai thác, đánh bắt hủy diệt, trái phép rất cần sự vào cuộc của rất nhiều thành phần kinh tế, xã hội khác nhau, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý phù hợp với đặc thù của các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Minh cho rằng, việc quản lý, giám sát ở các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn chặn kịp thời việc khai thác thủy sản trái phép. Thành phố chú trọng công tác tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hợp tác tốt với cộng đồng ngư dân và đảm bảo quyền lợi của người dân địa hương trong việc bảo vệ, quản lý nguồn lợi thủy sản ở các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở của các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản như văn phòng của các chi hội nghề cá được giao quyền quản lý, phương tiện vận chuyển, phương tiện giám sát hỗ trợ cho công tác quản lý… Đồng thời, kiện toàn và hỗ trợ hoạt động của các chi hội nghề cá, xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý giữa chi hội nghề cá và chính quyền địa phương; áp dụng mô hình đồng quản lý tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19/2014/CT-TTG, Chi cục Thủy sản thành phố phối hợp Phòng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Môi trường, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và các tổ chức chi hội nghề cá cơ sở đã tổ chức 212 đợt tuần tra, kiểm tra, phòng chống các hoạt động khai thác thủy sản bằng xung điện, các ngư cụ, công cụ nghiêm cấm khác trên các vùng nước nội đồng, đầm phá và ven biển. Cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 142 trường hợp vi phạm sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, xử phạt với tổng số tiền 360 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 142 kích điện, 147 bình điện; tịch thu bán đấu giá 8 thuyền nhôm, 3 máy cule với tổng số tiền hơn 9,5 triệu đồng xung vào ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19/2014/CT-TTG, Chi cục Thủy sản thành phố phối hợp Phòng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Môi trường, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và các tổ chức chi hội nghề cá cơ sở đã tổ chức 212 đợt tuần tra, kiểm tra, phòng chống các hoạt động khai thác thủy sản bằng xung điện, các ngư cụ, công cụ nghiêm cấm khác trên các vùng nước nội đồng, đầm phá và ven biển. Cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 142 trường hợp vi phạm sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, xử phạt với tổng số tiền 360 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 142 kích điện, 147 bình điện; tịch thu bán đấu giá 8 thuyền nhôm, 3 máy cule với tổng số tiền hơn 9,5 triệu đồng xung vào ngân sách Nhà nước.

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/e-magazine/bao-ve-tam-giang-cuu-nhung-phan-doi-ky-3-152097.html
Zalo