Bí ẩn thánh tích Thánh Valentine
Cứ đến ngày 14/2, các tín đồ ngày Lễ Tình nhân ở Ý - quê hương của Thánh Valentine, lại hành hương tới Ireland.
Cứ đến ngày 14/2, các tín đồ ngày Lễ Tình nhân ở Ý - quê hương của Thánh Valentine, lại hành hương tới Ireland, quốc gia có 2 nhà thờ đang sở hữu trái tim và hài cốt vị thánh này. Tuy nhiên, các thánh tích đó có thật sự là của Thánh Valentine không?
Nhiều nơi có
Truyền thuyết về ngày Lễ Tình nhân kể rằng, vào thế kỷ III tại La Mã, Linh mục Valentine đã bất chấp lệnh cấm của Hoàng đế Claudius II, tổ chức hôn lễ cho một đôi trẻ và bị kết án tử hình. Trước sự chứng kiến của công chúng, ông bị kéo lê và ném đá đến chết, sau đó chặt đầu.
Hiện, tại Ireland có 2 nhà thờ được các tín đồ của ngày Lễ Tình nhân mong muốn ghé thăm: Nhà thờ Whitefriars ở thủ đô Dublin (giữ quả tim của Thánh Valentine) và Tu viện Chân phước John Duns Scotus ở Glasgow (giữ hài cốt). Cả 2 nhà thờ đều có ghi chép về gốc gác của thánh tích Thánh Valentine.
Theo tư liệu của tu viện ở Glasgow, hài cốt của Thánh Valentine mà họ có là món quà từ một gia đình Công giáo giàu có người Pháp, tặng vào thập niên 1870. Nhà thờ ở Dublin thì có được quả tim của Thánh Valentine sớm hơn, vào năm 1836, rước từ Rome sang trong một buổi lễ long trọng.
Hàng năm, cứ đến ngày Lễ Tình nhân, lượng du khách từ Ý đến Ireland lại tăng vọt. Nhiều cặp đôi người Ireland cũng nhân ngày này, thăm viếng 2 nhà thờ có thánh tích Thánh Valentine. “Có cặp đôi đến để cầu hôn, xin phép tổ chức đám cưới, cũng có cặp đôi đến để nối lại thề xưa…”, Linh mục George Smulski (Glasgow) cho biết.
Về thánh tích hộp sọ của Thánh Valentine, có 2 nhà thờ đang trưng bày. Nhà thờ thứ nhất là Santa Maria ở Cosmedin (Ý), quê hương của Thánh Valentine. Họ cho hộp sọ của Thánh Valenine đội vương miệng hoa, đặt trong tủ đúc bằng vàng. Nhà thờ thứ 2 là San Anton ở Madrid (Tây Ban Nha), có hộp sọ và một số xương được tìm thấy từ thế kỷ XVIII.
Ngoài ra, còn có một thánh đường ở Praha (Séc) tuyên bố đang giữ và trưng bày xương bả vai của Thánh Valentine.
Khó xác thực
Chí ít cũng có 3 vị thánh tử vì đạo trong Kito giáo có tên là Valentine và người nào cũng có khả năng là thân thế ban đầu của Thánh Valentine. Người đầu tiên là Linh mục Valentine thành Roma đã nói ở trên, người thứ 2 là Linh mục Valentine thành Terni và người thứ 3 là Linh mục Valentine tử vì đạo tại châu Phi.
Khác với sự ngọt ngào của ngày Lễ Tình nhân thời nay, các vị linh mục có khả năng là tiền thân của Thánh Valentine đều phải chịu chung một kết cục thảm khốc là bị tử hình.
Ban đầu, ngày 14/2 cũng chỉ được tưởng niệm với mục đích ghi nhớ ngày tử vì đạo của Thánh Valentine. Theo Giáo sư lịch sử và thần học Henry Kelly (Đại học California tại Los Angeles, Mỹ), ít nhất cũng phải mất 1.000 năm sau ngày mất của Linh mục Valentine, 14/2 mới trở thành ngày Lễ Tình nhân.
Tư liệu tôn giáo về 3 linh mục tên Valentine nói trên rất ít ỏi, các câu chuyện truyền miệng thì nhiều dị bản. Sự thiếu nhất quán này khiến tông tích của Thánh Valentine càng lúc càng mơ hồ. Vào năm 1969, tên của Thánh Valentine còn bị xóa khỏi lịch La Mã, vì không đủ thông tin đáng tin cậy về sự tồn tại.
“Vatican chưa từng phát biểu bất cứ điều gì về thánh tích của Thánh Valentine”, Giáo sư Kelly cho biết. Họ cũng không bàn đến việc hợp nhất các thánh tích và giữa các nhà thờ đang giữ thánh tích cũng không hề có sự cạnh tranh.
Không hoài nghi và… lãng quên
Từ lâu, các tín đồ của ngày Lễ Tình nhân đã luôn biết, thánh tích của Thánh Valentine nhiều khả năng không phải chính chủ. Tuy nhiên, hiếm có người vì thế mà hoài nghi hay đi tìm sự thật.
Mỗi ngày, Nhà thờ Santa Maria (Ý) đều nườm nượp khách thăm viếng. Chỉ là, thay vì thánh tích Thánh Valentine, mọi người bị cuốn hút bởi đĩa khắc đá “Miệng nói thật” và trải nghiệm cảm giác thử đút tay vào.
Tại Nhà thờ Whitefriars ở Dublin (Ireland), nhiều du khách còn không biết nơi đây đang giữ thánh tích quả tim của Thánh Valentine. Bản thân Whitefriars cũng không phải địa điểm tôn giáo thu hút khách nhất thủ đô. Người dân Ireland tôn thờ vị thánh bảo trợ quốc gia - Thánh Patrick, xây dựng nhà thờ cùng tên vô cùng tráng lệ nằm cách Whitefriars không xa, ngày nào cũng nô nức đến thăm viếng.
Ngày nay, các hoạt động đón Lễ Tình nhân đa dạng hơn bao giờ hết. Các cặp đôi thỏa thích lựa chọn dành thời gian bên nhau, hưởng thụ tiệc tùng hay thăm thú các địa điểm đẹp, vui chơi, chụp hình...
“Tại Dublin, giới trẻ chuộng các địa điểm có phong cảnh độc, lạ, vì chúng sẽ trở thành phông nền tuyệt vời cho ảnh đăng lên mạng xã hội. Có lẽ, ngay cả Thánh Valentine cũng cần mở tài khoản Instagram nếu muốn thu hút du khách tới nhà thờ”, hướng dẫn viên du lịch Alan Byrne (Ireland) nói đùa.
Càng lúc, Valentine càng nghiêng về “ngày lễ kỷ niệm tình yêu” hơn là “ngày lễ tưởng niệm một vị thánh”. Trên khắp thế giới, những vùng đất, con người không theo đạo Thiên Chúa cũng vui vẻ đón ngày Lễ Tình nhân. Không ít nhà thờ lo lắng, cả thánh tích lẫn sự hiện diện tâm linh của Thánh Valentine đều sẽ dần bị lãng quên.
Theo Nationalgeographic