Béo phì đe dọa sức khỏe trẻ em toàn cầu

Béo phì đang trở thành một vấn đề sức khỏe nhức nhối toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Tỷ lệ béo phì ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, trở thành một vấn đề đáng lo ngại, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Thăm khám trẻ thừa cân, béo phì tại Viện Dinh dưỡng quốc gia. Ảnh: Đức Trân.

Thăm khám trẻ thừa cân, béo phì tại Viện Dinh dưỡng quốc gia. Ảnh: Đức Trân.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì không cao như một số quốc gia trong khu vực nhưng tốc độ gia tăng lại nhanh nhất Đông Nam Á. Cụ thể, tỷ lệ gia tăng béo phì hàng năm ở nước ta là 38%, so với mức 10 - 20% của các nước Đông Nam Á. Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2020 cho thấy, chỉ trong 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đã tăng gấp đôi.

Một nghiên cứu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lớp 5 tại một số quận huyện của Hà Nội năm 2023 cũng chỉ ra rằng tỷ lệ này ở các quận nội thành lên tới 45 - 55%, khu vực ngoại thành 20-31%. Được biết, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TPHCM chiếm 18% tổng số người thừa cân béo phì trên toàn quốc.

Theo PGS. TS Cao Thị Thu Hương (Viện Dinh dưỡng quốc gia), thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật từ nhiều cơ quan trong cơ thể. Ví dụ, khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Thừa cân, béo phì còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ nội tiết, chuyển hóa. Nguyên nhân là do tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng axit uric gây bệnh gút. Người bệnh béo phì cũng dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt có trong nước có ga, các loại thực phẩm đóng hộp. Hệ tim mạch của bệnh nhân cũng có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề do các bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi. Người thừa cân, béo phì còn gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ, một biến chứng rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong. Đối với riêng trẻ nhỏ mắc thừa cân, béo phì, có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...

BS Nguyễn Quỳnh Tú - Khoa Ung thư tổng hợp (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: “Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, thừa cân, béo phì được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 11% ca ung thư ở phụ nữ và khoảng 5% ca ung thư ở nam giới ở Hoa Kỳ, cũng như khoảng 7% tổng số ca tử vong do ung thư. Cụ thể, thừa cân hoặc béo phì có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư vú (ở phụ nữ đã mãn kinh), ung thư đại tràng và trực tràng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư thực quản, ung thư túi mật, ung thư thận, ung thư gan, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày, ung thư tuyến giáp. Đặc biệt, thời điểm tăng cân cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư. Thừa cân trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành trẻ có thể là một yếu tố nguy cơ nhiều hơn là tăng cân sau này đối với một số bệnh ung thư. Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ thừa cân khi còn là thanh thiếu niên có thể có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn trước khi mãn kinh. Tuy vậy, cân nặng quá mức lại có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ ở giai đoạn sau mãn kinh hơn là trước mãn kinh”.

GS.TS Trần Bình Giang - nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo, béo phì là một bệnh mãn tính, cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể.

Theo đó, cần tăng cường các thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả, giảm bớt thức ăn nhiều dầu mỡ như gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt...

Bên cạnh đó, cần tích cực vận động cơ thể, tập thể dục thể thao. Bởi khi ít vận động, ngồi tại chỗ nhiều sẽ khiến tiêu hao năng lượng ít hơn năng lượng ăn vào. Năng lượng dư thừa quá nhiều và tích tụ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ gây ra thừa cân, béo phì.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/beo-phi-de-doa-suc-khoe-tre-em-toan-cau-10304083.html
Zalo