Bệnh viện Thống Nhất mang lại cuộc đời mới cho 12 ca ghép thận

Sau 2 năm triển khai, đến nay Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) đã ghép thận thành công, đem lại cuộc đời mới cho 12 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

Ngày 24-4, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 1 công tác ghép thận tại bệnh viện.

Từ ca ghép thận đầu tiên cho 2 thiếu niên 17 tuổi

PGS-TS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh viện triển khai ca ghép thận đầu tiên vào tháng 5-2022 cho một nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TP.HCM), bị bệnh lý hội chứng thận hư đã điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, bệnh nhân không điều trị nên diễn tiến đến suy thận và nhập Bệnh viện Thống Nhất vào tháng 9-2021, được chạy thận sáu tháng. Ngày 10-5-2022, bệnh nhân được ghép thận từ người cho sống là mẹ ruột (47 tuổi). Tám ngày sau ra viện, chức năng thận của bệnh nhân trở lại bình thường.

 Các bác sĩ trong ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ trong ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: BVCC

Sau đó một tháng, bệnh viện tiến hành ca ghép thận thứ hai cho một nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TP.HCM) bị viêm cầu thận, đã chạy thận tại BV Nhi đồng 1 trong 3 năm.

Trước đó, vào cuối năm 2021, bệnh nhân nhập Bệnh viện Thống Nhất. Ngày 14-6-2022, bệnh nhân được ghép thận từ người cho sống là cha ruột (51 tuổi). Sau ghép, chức năng thận tốt. Khoảng 10 ngày sau bệnh nhân được xuất viện.

Theo BS Quế, ban đầu cả hai bệnh nhân có nhiều người đăng ký hiến thận là cha, mẹ, dì và bác nhưng chỉ chọn người phù hợp nhất. Hiện tại sức khỏe của hai cặp ghép thận này đều rất tốt.

“Đây là hai ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện với sự phối hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy, mở ra cơ hội ghép thận cho nhiều bệnh nhân khác. Sau hai ca này, kỹ thuật ghép thận đã trở thành thường quy tại Bệnh viện Thống Nhất” - BS Quế chia sẻ.

2 năm, 12 ca ghép thận thành công

Theo BS Quế, tại Bệnh viện Thống Nhất hiện có khoảng 200 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, 60 bệnh nhân thẩm phân phúc mạc.

 Khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ghép tạng ở Việt Nam đa phần từ người cho sống, liên quan tính mạng hai người. Vì thế chỉ một sơ sót nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn nên bệnh viện luôn đảm bảo chuyên môn tốt nhất có thể.

“Bệnh viện đã ghép thận thành công cho 12 bệnh nhân. Ca thứ 12 vừa được thực hiện vào ngày 23-4 vừa qua. Trong 12 ca ghép, có hai cặp ghép không cùng huyết thống là vợ hiến thận cho chồng. Hiện các cặp ghép đều khỏe mạnh” - BS Quế nói.

Việt Nam có khoảng 30.000 trường hợp suy thận giai đoạn cuối đang chờ được thay thế thận.

PGS-TS-BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận – lọc máu (Bệnh viện Thống Nhất), kể với cặp ghép thận đầu tiên do biết đó là lần đầu bệnh viện thực hiện kỹ thuật nên bệnh nhân hơi e ngại. Tuy nhiên, với sự đảm bảo của bệnh viện, phút cuối bệnh nhân đã đồng ý và ca ghép thận cũng thành công.

“Các ca ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất có kết quả tốt nhờ hệ thống lọc máu tốt, quá trình chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. Bệnh viện cũng cải tiến quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước ghép, tập trung vào người hiến giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Ngoài ra, việc chăm sóc và cách ly bệnh nhân sau mổ được làm thật kỹ” - BS Bách thông tin.

PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho rằng 12 ca ghép thận thành công tuy chưa phải con số lớn nhưng đã đánh dấu bước phát triển của bệnh viện trong chương trình đẩy mạnh chuyên môn và ghép mô tạng.

“Ghép thận hiện không còn là mới mẻ, song 12 ca ghép thành công cũng là niềm vui của bệnh viện và bệnh nhân, là nền tảng để bệnh viện tiến tới tiếp cận, triển khai ghép các bộ phận khác trong tương lai” - BS Thanh chia sẻ thêm.

Nhiều khó khăn về nguồn tạng ghép

Theo PGS-TS-BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu (Bệnh viện Chợ Rẫy), ghép tạng là một trong 10 thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Trong đó ghép thận chiếm tỉ lệ cao nhất.

“Hiện bệnh nhân suy thận mạn ngày càng tăng, ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Số ca được ghép thận ngày càng tăng, thời gian và chất lượng sống của họ vì thế cũng tăng theo. Ghép thận đã phát triển khá xa, trở thành thường quy ở nhiều nước, nhiều trung tâm” - BS Sâm nhận định.

Tuy nhiên theo BS Sâm, đến nay công tác ghép thận vẫn còn nhiều khó khăn cần nghiên cứu, giải quyết. Cụ thể, thiếu hụt nguồn thận ghép là một thách thức trong triển khai ghép thận. Ghép trên bệnh nhân nguy cơ cao về mặt miễn dịch, hay vấn đề về chống thải ghép cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Cạnh đó, cần giải quyết vấn đề nhiễm khuẩn hay bệnh tim mạch, ung thư sau ghép, bệnh thận tái phát… Cuối cùng là cần tiếp cận các kỹ thuật mới để ghép thận nói riêng, ghép tạng nói chung được phát triển.

“Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thận ghép, tôi cho rằng cần phát triển đồng bộ nhiều phương pháp và đặc biệt chú ý phát triển ghép thận từ người hiến chết não” - BS Sâm nhấn mạnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy rất vinh hạnh khi được Bệnh viện Thống Nhất lựa chọn là đơn vị phối hợp trong công tác ghép thận. Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu ghép thận năm 1992, đến nay đã thực hiện được 1.280 ca. Ngoài ra, BV còn ghép gan, tim, giác mạc, ghép tủy…

Song song với hoạt động ghép tạng, Bệnh viện Chợ rẫy cũng tham gia hoạt động vận động cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, đặc biệt là từ người cho chết não.

Bệnh viện Chợ Rẫy mong muốn tiếp tục hợp tác với Bệnh viện Thống Nhất để mở rộng hơn nữa hoạt động ghép thận. Hy vọng sắp tới hai BV sẽ phối hợp phát triển công tác hiến, ghép các mô tạng khác cho bệnh nhân.

BS CKII PHẠM THANH VIỆT - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-vien-thong-nhat-mang-lai-cuoc-doi-moi-cho-12-ca-ghep-than-post787262.html
Zalo