Bệnh viện huyện miền núi làm chủ kỹ thuật cứu sống người đột quỵ trong giờ vàng

Sau hội chẩn với BV Bạch Mai và BVĐK tỉnh Hà Giang, BVĐK huyện Quang Bình đã tiến hành tiêu sợi huyết, cứu bệnh nhân đột quỵ.

Bệnh nhân được cấp cứu trong giờ vàng. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân được cấp cứu trong giờ vàng. Ảnh: BVCC.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình, Hà Giang tiếp nhận bệnh nhân nam, 78 tuổi, nhập viện vì liệt nửa người trái, nói khó, tiếp xúc chậm, liệt mặt bên trái. Bệnh nhân từng bị nhồi máu não vào tháng 5/2022.

Ngay khi tiếp nhận và đánh giá các chỉ số lâm sàng, kíp trực bước đầu nhận định bệnh nhân bị đột quỵ trong giờ thứ nhất. Bệnh nhân ngay lập tức được chụp Cắt lớp vi tính sọ não để xác định. Kết quả CT cho thấy chẩn đoán ban đầu hoàn toàn đúng.

Với những kiến thức đã được đào tạo, chuyển giao, BSCKI Vũ Thị Mị nhận định: Đây là ca đột quỵ nhồi máu não đến viện trong giờ vàng. Bệnh nhân đủ điều kiện để sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu.

Bác sĩ Mị cũng xin ý kiến hội chẩn với bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhằm khẳng định chẩn đoán và tiến hành tiêu sợi huyết cho bệnh nhân.

Bác sĩ Mị chia sẻ, bệnh nhân này nằm trong số những trường hợp được phát hiện sớm. Bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện trong thời gian vàng, đúng cơ sở y tế có khả năng điều trị tái thông mạch bằng tiêu sợi huyết.

Trong suốt thời gian tiếp cận, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, kíp kỹ thuật đều khẩn trương, nhanh chóng, để không làm mất quá nhiều thời gian điều trị cho bệnh nhân. Sự kết nối, tác chiến giữa các bộ phận liên quan được thông suốt, kịp thời.

Vì bệnh nhân đã có ổ nhồi máu cũ nên nguy cơ về biến chứng sau tiêu sợi huyết sẽ cao hơn. Do vậy, trong suốt quá trình tiêu sợi huyết, các y bác sĩ và điều dưỡng đều theo dõi bệnh nhân hết sức sát sao.

BSCKII. Hoàng Hải Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình cho biết: “Trước đây, bệnh viện đã tiếp nhận không ít những trường hợp bệnh nhân đến vì đột quỵ và phải chuyển lên tuyến trên. Từ khi được tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, bác sĩ của bệnh viện đã tự tin làm chủ kỹ thuật và điều trị cho người bệnh".

Theo bác sĩ Võ, đây là ca bệnh đầu tiên được sử dụng kỹ thuật tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết thành công tại bệnh viện. Bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng, tránh được di chứng nặng nề về sau. Thành công của việc điều trị kịp giờ vàng giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, tự đứng dậy đi lại được.

Đây là một bước tiến vượt bậc đối với y tế tuyến huyện miền núi. Đồng thời, ca bệnh này đã lan tỏa công tác tuyên truyền phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đột quỵ, góp phần cứu chữa được nhiều trường hợp đột quỵ hơn nữa.

Quang Bình là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà Giang, mật độ dân cư thưa thớt, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn. Người dân Quang Bình muốn đến Bệnh viện huyện khám có thể mất nửa ngày, nơi xa nhất cách Trung tâm huyện lỵ 40km, nhiều đoạn phải đi bộ.

Từ Bệnh viện Đa khoa Quang Bình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khnoa tỉnh Hà Giang nhanh cũng phải mất 2 tiếng với điều kiện đường thông thoáng, không bị dính mưa lũ, sạt lở núi. Trở ngại về giao thông, địa lý hiểm trở khiến nhiều người dân khó có cơ hội tiếp cận với y tế chuyên sâu.

BSCKII Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang chia sẻ, nếu bác sĩ tuyến huyện chưa được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thì cách nhận định, thái độ xử trí rất dễ làm bệnh nhân mất đi cơ hội được điều trị kịp thời.

Xuất phát từ thực tế đó, Đề án “Nghiên cứu nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang” do Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng Sở Khoa học công nghệ và Sở Y tế tỉnh Hà Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang được triển khai.

Team Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình đã nhanh chóng triển khai các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe về đột quỵ để phổ biến đến người dân cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ não và tính cấp thiết phải đưa được người bệnh đột quỵ não vào ngay bệnh viện. S

Sau 2 tháng nỗ lực đăng ký làm dịch vụ kỹ thuật mới, dự trù thuốc tiêu sợi huyết, tập huấn cho nhân viên y tế của bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân. BVĐK Quang Bình đã được Sở Y tế tỉnh Hà Giang phê duyệt dịch vụ kỹ thuật này và đã lĩnh được thuốc về khoa để sẵn sàng triển khai.

Tính từ thời điểm kết thúc đào tạo, 4 tháng sau, Bệnh viện Đa khoa Quang Bình đã làm chủ được kỹ thuật tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết và triển khai thành công trên bệnh nhân đầu tiên vào ngày 1/8. Kỹ thuật diễn ra an toàn, thuận lợi, đạt kết quả ngoài sự mong đợi của tất cả mọi người.

PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/benh-vien-huyen-mien-nui-lam-chu-ky-thuat-cuu-song-nguoi-dot-quy-trong-gio-vang-post703159.html
Zalo