Bệnh viện đảm bảo 'phòng thủ' ngăn chặn dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong cộng đồng, việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại nơi nhiều nguy cơ như bệnh viên là vô cùng quan trọng, với yêu cầu không chỉ làm chặt khâu sàng lọc, mà còn phải đảm bảo khoảng cách, tránh lây nhiễm chéo.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội) cách ly y tế sau chùm ca bệnh phát sinh trong bệnh viện. Ảnh: TTXVN

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội) cách ly y tế sau chùm ca bệnh phát sinh trong bệnh viện. Ảnh: TTXVN

Kiểm soát chặt nguy cơ

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Hà Nội) vừa chính thức nhận quyết định cách ly phòng chống dịch COVID-19 từ 8 giờ ngày 5/5 đến 8 giờ ngày 19/5, sau khi một bác sỹ công tác tại Bệnh viện có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và phát sinh thêm chùm ca lây nhiễm tại đây.

Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện phải tổ chức rà soát toàn bộ các quy trình phòng, chống dịch COVID-19 tại bệnh viện, tổ chức cách ly các khu vực, khoa phòng phát hiện các ca bệnh, đảm bảo không để xẩy ra các ca lây nhiễm mới trong bệnh viện.

Trong thời gian cách ly, Bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị các ca bệnh mới dương tính với virus SARS-CoV-2.

Việc xuất hiện chùm ca lây nhiễm tại bệnh viện là việc khó lường cho thấy khâu an toàn trong hoạt động khám chữa bệnh là vô cùng quan trọng.

Hay như trước đó, tại bệnh viện Nhi Trung ương cũng có ca bệnh COVID-19 từng đến khoa Khám bệnh, Trung tâm Quốc tế S của Bệnh viện. Dù đã có quy trình sàng lọc nhưng những ngày gần đây khâu kiểm soát dịch bệnh càng chặt chẽ hơn.

Ghi nhận tại đây, ngay từ cổng bệnh viện, loa phát thanh đã được bố trí liên tục đọc nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch khi đến bệnh viện, hạn chế người vào bệnh viện khi không cần thiết. Hiện bệnh viện quy định chỉ cho tối đa 2 người thân đi kèm bệnh nhi khi vào khám bệnh.

Người dân khai báo y tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Tạ Nguyên

Người dân khai báo y tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Tạ Nguyên

Tại cổng bệnh viện, trước cửa vào khu khám, điều trị, đều được bố, trang bị đẩy đủ các bàn khai báo y tế, nước sát khuẩn, nhân viên y tế trực đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế, làm các thủ tục phòng chống dịch… Đa số người dân khi đến bệnh viện tuân thủ tốt việc đeo khẩu trang, thực hiện quy trình phòng dịch.

Đưa con đi khám, chỉ Đỗ Thu Lan (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Giai đoạn dịch bệnh đang phức tạp, chính chúng tôi cũng ngại đưa con tới bệnh viện vì môi trường đông bệnh nhân, người bệnh từ nhiều nơi đến rất khó kiểm soát. Vì vậy, khi xác định cho con đến khám là tôi phải cố gắng đảm bảo đeo khẩu trang, sát khuẩn tay liên tục. Đến đây, tôi cũng tuân thủ đầy đủ quy trình vào khám theo nhân viên y tế hướng dẫn”.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các quy trình phòng chống dịch đảm bảo với lực lượng đông đảo cán bộ y tế, bảo vệ trực ngay từ cổng vào.

Bệnh viện bố trí khu vực khai báo, sàng lọc riêng. Người dân được phân luồng từ đo thân nhiệt, hướng dẫn vào khu vực khai báo y tế với bàn ghế, bút, giấy đầy đủ để tiện cho người dân thực hiện. Sau khi đã kiểm tra thân nhiệt, khai báo đầy đủ người dân được đóng dấu vào tay xác nhận đã làm thủ tục, nhưng ai chưa khai báo sẽ đươc nhắc nhở thực hiện.

Theo lãnh đạo bệnh viện, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu mùa dịch đến nay, Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp, nhất là khâu sàng lọc để phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, bệnh viện tổ chức phân luồng, bố trí lực lượng kiểm soát người bệnh ra, vào ở 3 vòng tại: Cổng bệnh viện, chân các tòa nhà và cửa các khoa lâm sàng. Bệnh viện cũng bố trí lực lượng nhân viên y tế đứng hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.

PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hàng ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 4.000 - 4.500 bệnh nhi đến khám, trong đó có hơn 1.900 bệnh nhi điều trị nội trú. Với số lượng bệnh nhân, người ra vào đông, Bệnh viện đã rà soát, thực hiện nghiêm ngặt bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch, đồng thời, điều chỉnh phù hợp về sàng lọc, phân luồng, cách ly.

Bệnh viện cũng thành lập tổ cơ động truy vết các đối tượng phơi nhiễm COVID-19, xây dựng các kịch bản xử lý khi phát hiện người bệnh mắc COVID-19 trong bệnh viện... Nhờ đó, vừa qua, khi phát hiện có trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 từng đến Trung tâm Quốc tế S của Bệnh viện để lấy hộ kết quả xét nghiệm, ngay lập tức công tác truy vết được thực hiện và phát hiện 9 nhân viên y tế và người lao động của Bệnh viện có tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân này. Các trường hợp liên quan đã khẩn trương được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và đến nay đã cho kết quả 100% mẫu âm tính.

Với sự xuất hiện của đợt dịch mới, để đảm bảo an toàn trong công tác khám và điều trị người bệnh, các bệnh viện đã khởi động lại quy trình phòng chống dịch; bố trí nhân lực, vật lực thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đặc biệt ở khâu khám, sàng lọc người bệnh ngay từ bước đầu; yêu cầu người bệnh, người nhà thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến khám, chữa bệnh; đồng thời nhân viên y tế của các ca trực cũng cảnh giác cao độ trong quy trình khám và xử trí người bệnh.

Quy trình sàng lọc thực hiện ngay từ cổng vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Tạ Nguyên

Quy trình sàng lọc thực hiện ngay từ cổng vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Tạ Nguyên

Cảnh giác cao độ

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiệm vụ số một của các cơ sở y tế hiện nay là phải thực hiện Bộ tiêu chí an toàn bệnh viện; các phòng khám, trạm y tế phải thực hiện Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo quy định. Các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm các quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19 về sàng lọc, phân luồng, cách ly, điều trị kịp thời người nghi nhiễm và bệnh nhân COVID-19.

Theo đó, hiện tỷ lệ người bệnh COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng rất cao (chiếm gần 80%). Vì vậy, các cơ sở y tế cần hết sức cảnh giác, đặc biệt trong thời gian này, khi các ca bệnh đã xuất hiện trong cộng đồng.

ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng: “Việc có ca bệnh cộng đồng lọt vào các cơ sở khám, chữa bệnh mà chúng ta chưa phát hiện được vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, việc chủ động tích cực chống dịch là hết sức quan trọng. Trong đó, vai trò của các cơ sở khám, chữa bệnh là phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ để có thể phát hiện nhanh, cách ly ngay và điều tra các trường hợp tiếp xúc kịp thời”.

Theo đó, kinh nghiệm của 3 đợt dịch trước đã cho thấy, nhiều ca bệnh thường được phát hiện đầu tiên ở cơ sở y tế, từ đó mới điều tra được các ca tiếp xúc. Vì vậy các cơ sở y tế cần phải chủ động hơn. Các cơ sở khám chữa bệnh kiện toàn, rà soát các kịch bản và ứng phó về cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, để khi có tình huống xảy ra thì hoàn toàn có thể chủ động và không bị lúng túng trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, các cơ sở phải rà soát lại các nguồn lực, hậu cần, các trang thiết bị, xét nghiệm. Đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo các bác sĩ, nhân viên y tế ở các chuyên khoa khác nhau, nhất là đào tạo ngắn hạn về hồi sức cấp cứu để đáp ứng được khâu điều trị bệnh nhân COVID -19 khi có dịch xảy ra.

Không chỉ các bệnh viện công lập, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại các địa phương thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế cũng khuyến khích các đơn vị tăng cường hình thức tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho người bệnh thông qua điện thoại và các thiết bị viễn thông khác.

Đối với các cơ sở tư nhân không đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế cho tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh để khắc phục.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/benh-vien-dam-bao-phong-thu-ngan-chan-dich-covid19-20210505172614130.htm
Zalo