Bệnh viện 19-8 phấn đấu xây dựng Khoa Nội tim mạch thành Trung tâm Tim mạch
Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã triển khai nhiều kỹ thuật cao về can thiệp tim mạch để điều trị cho người bệnh, cấp cứu kịp thời nhiều ca nhồi máu cơ tim nguy kịch, không phải chuyển lên tuyến trên.
Sáng 10/9, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tổ chức Hội nghị công tác chỉ đạo tuyến và cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch.
Tham dự hội nghị có GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam; TS.BS Lê Xuân Thận, Viện Tim mạch Việt Nam, đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND, Cục Y tế (Bộ Công an); các y bác sĩ Bệnh viện 5/4 Bộ Công an Lào; cùng đại diện nhiều bệnh viện trong lực lượng CAND và bệnh viện, bệnh xá Công an các địa phương từ Hà Tĩnh đến khu vực phía Bắc.
Về phía Bệnh viện 19-8 có Đại tá PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện cùng các đồng chí trong Ban giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng và hàng trăm đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết, trong 10 năm qua, tình hình bệnh lý tim mạch tại Việt Nam có nhiều biến động đáng chú ý. Năm 2010, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch mạn tính ở người trưởng thành là khoảng 4%, tương đương với khoảng 3,4 triệu người. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên gần 8%, tương đương với hơn 7 triệu người, gấp đôi so với một thập kỷ trước.
Đây là một sự gia tăng đáng báo động, phản ánh xu hướng phát triển nhanh chóng của bệnh lý tim mạch trong cộng đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ người mắc bệnh lý tăng huyết áp, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch, cũng đã tăng từ 16% lên 26% trong cùng thời gian này.
Nguyên nhân của sự gia tăng này xuất phát từ nhiều yếu tố như lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, gia tăng tình trạng béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường. Bên cạnh đó, sự gia tăng tuổi thọ trung bình và áp lực cuộc sống ngày càng cao cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý tim mạch không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Các nghiên cứu cho thấy, việc phát hiện và can thiệp sớm có thể giảm tới 50% nguy cơ tử vong do các biến cố tim mạch.
“Bệnh viện 19-8 đã không ngừng nỗ lực để trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật mới và tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch”, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Bệnh viện 19-8, Khoa Nội Tim mạch tiền thân là Khoa Nội 2 - một trong những khoa đầu tiên thành lập tại bệnh viện - sau đó Khoa được tách ra độc lập và thành lập Khoa Nội tim mạch cho đến nay.
Đến nay, Khoa Nội tim mạch đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật can thiệp tiên tiến, bao gồm can thiệp động mạch qua da như động mạch vành, động mạch cảnh và động mạch chi. Các kỹ thuật can thiệp nội nhiệt điều trị suy van tĩnh mạch chi dưới, kỹ thuật triệt đốt các rối loạn nhịp bằng RF, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân tim mạch.
“Với sự giúp đỡ của Viện tim mạch Việt Nam, chúng tôi bước đầu thực hiện đặt stent graft động mạch chủ, một phương pháp can thiệp hiện đại giúp điều trị hiệu quả các bệnh lý phình động mạch chủ. Chúng tôi đưa vào kỹ thuật lập bản đồ 3D trong điều trị rối loạn nhịp phức tạp. Đồng thời, Khoa cũng đã đưa vào áp dụng hệ thống 3D mapping can thiệp điện sinh lý tim, giúp chẩn đoán và điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp với độ chính xác cao. Đây là một bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch”, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền cho biết.
Theo Giám đốc Bệnh viện 19-8, để công tác tầm soát sớm bệnh lý tim mạch thực sự hiệu quả, cần phải chú trọng đến vai trò của hệ thống y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là các bệnh xá công an cơ sở. Đây là nơi tiếp cận gần gũi nhất với người dân, có thể thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho những bệnh nhân có dấu hiệu bệnh lý tim mạch. Việc hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch cho tuyến cơ sở là vô cùng cần thiết.
Theo PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, buổi hội thảo hôm nay tập trung vào những bệnh lý động mạch chủ cấp, đây là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm, nguy kịch nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
"Các tuyến y tế cơ sở CAND điều kiện tiếp cận kỹ thuật mới, cập nhật kiến thức từ chuyên gia đầu ngành chuyển giao là rất khó khăn. Buổi hội thảo hôm nay đặc biệt có ý nghĩa không chỉ đối với Bệnh viện 19-8, mà còn là dịp y tế CAND được cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, được trao đổi học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành, từ đó ứng dụng trong thực hành điều trị hàng ngày cho CBCS và phục vụ nhân dân", Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết.
Theo TS.BS Dương Hồng Niên, Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện 19-8, cho biết, theo xu thế chung, tỷ lệ người mắc bệnh lý tim mạch đến khám và điều trị tai Bệnh viện ngày càng tăng. Hằng ngày, khu vực phòng khám tiếp nhận 200-300 bệnh nhân đến khám với nhiều bệnh khác nhau, trong đó chủ yếu là tăng huyết áp, hội chứng mạch vành cấp và mãn tính…
“Gần đây, chúng tôi thường xuyên cấp cứu các trường hợp bị nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi. Điều đó cho thấy bệnh lý tim mạch đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa”, TS Dương Hồng Niên nói.
Theo chuyên gia, nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy can thiệp mạch, thiết bị đốt rối loạn nhịp tim, máy tạo nhịp…, Khoa đã có thể cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh nặng, không phải chuyển lên tuyến trên. Hơn 10 năm nay, Khoa cũng đã triển khai các kỹ thuật can thiệp mạch.
Trong thời gian tới, Bệnh viện 19-8 sẽ đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật và đào tạo chuyên môn cho các y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là các bệnh xá công an cơ sở. Bệnh viện sẽ thực hiện việc chuyển giao các kỹ thuật tầm soát và điều trị bệnh tim mạch, bao gồm kỹ thuật đo điện tâm đồ cơ bản, siêu âm tim, kỹ thuật theo dõi huyết áp liên tục và các phương pháp chẩn đoán sớm các bệnh lý mạch vành.
Đồng thời, Bệnh viện sẽ tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế tại cơ sở, đảm bảo họ có đủ kiến thức và kỹ năng để vận dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch.
Hiện nay, các kỹ thuật cao trong can thiệp tim mạch đã thực hiện cơ bản tại Bệnh viện 19-8, đáp ứng yêu cầu phát triển chuyên ngành tim mạch tại bệnh viện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bệnh viện 19-8 sẽ phát triển một số lĩnh vực phẫu thuật tim mạch, đào tạo nhân lực ngoại khoa tim mạch, cùng với trang thiết bị máy móc, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Viện tim mạch Việt Nam, Bệnh viện sẽ phát triển phẫu thuật tim mạch cùng với can thiệp nội khoa tim mạch.
Để tiếp tục phát triển các kỹ thuật cao hơn và chuyển giao cho tuyến dưới, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền cho biết, nhiệm vụ trước mắt của Khoa Nội tim mạch rất nặng nề, lãnh đạo Khoa cần có những định hướng tham mưu cho Ban Giám đốc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an trong tương lai phát triển thành Trung tâm tim mạch. Giám đốc Bệnh viện 19-8 cũng mong muốn Viện Tim mạch Việt Nam và cá nhân GS.TS Phạm Mạnh Hùng giúp đỡ và hỗ trợ hơn nữa cho Khoa Nội tim mạch về chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, để Khoa sớm phát triển thành một đơn vị tim mạch ngang tầm với các nước trong khu vực.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các bài báo cáo: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hội chứng động mạch chủ cấp” của TS.BS Lê Xuân Thận, Viện Tim mạch Việt Nam; “Cập nhật tiến bộ trong điều trị bệnh lý tĩnh mạch mãn tính chi dưới” của Ths.BS Nguyễn Thu Huyền và “Cập nhật các phương pháp tiên tiến trong điều trị bệnh rối loạn nhịp tim” của Ths.BS Lê Mạnh, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8...