Phát hiện tình cờ giúp bệnh nhân ung thư thận thoát án tử

Ba bệnh nhân được phát hiện khối bướu thận qua siêu âm. Sau đó, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ phần thận mang bướu ung thư, mở ra cơ hội kéo dài sự sống cho người bệnh.

 Ê-kíp Bệnh viện An Bình đang thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Ê-kíp Bệnh viện An Bình đang thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện An Bình (TP.HCM) ngày 28/12, ThS.BS Võ Hồng Bắc, Đơn vị Tiết niệu, đã báo cáo về hiệu quả của phẫu thuật mở cắt một phần thận trong điều trị bướu thận. Đáng chú ý, ba trường hợp ung thư thận được phát hiện tình cờ thông qua siêu âm thường quy.

Trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân 65 tuổi, phát hiện bướu thận qua siêu âm bụng định kỳ trong đợt khám sức khỏe tổng quát. Người bệnh không có bệnh nền, với chỉ số creatinine ban đầu là 93,47 umol/L. Kết quả chụp CT Scan có cản quang cho thấy khối bướu đặc tại thận phải, được chẩn đoán ở giai đoạn T1b.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật cắt một phần thận có khối u. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ 30 phút, bệnh nhân mất 350 ml máu và không gặp biến chứng sau mổ.

Một tuần sau phẫu thuật, chức năng thận của người bệnh ổn định với chỉ số creatinine 119 mg/dL. Kết quả giải phẫu bệnh xác định bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào sáng dạng nhú, độ 2 Fuhrman.

 Khối u của một bệnh nhân bị ung thư thận được loại bỏ nhờ kỹ thuật cắt một phần thận. Ảnh: BVCC.

Khối u của một bệnh nhân bị ung thư thận được loại bỏ nhờ kỹ thuật cắt một phần thận. Ảnh: BVCC.

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 71 tuổi, tình cờ phát hiện bướu thận qua siêu âm bụng trong đợt khám sức khỏe định kỳ. Người bệnh có tiền sử đái tháo đường và suy thận mạn giai đoạn 3. Chụp CT Scan có cản quang cho thấy khối bướu đặc tại thận phải.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt phần thận có khối u. Sau mổ, bệnh nhân không gặp biến chứng, chức năng thận ổn định với chỉ số creatinine 130 mg/dL. Kết quả giải phẫu bệnh xác định ung thư biểu mô tế bào sáng của thận, độ 3.

Trường hợp thứ ba là nữ bệnh nhân 78 tuổi, phát hiện bướu thận qua siêu âm bụng trong lần khám sức khỏe định kỳ. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp được điều trị ổn định, chỉ số creatinine ban đầu là 87,29 umol/L. Chụp CT Scan có cản quang cho thấy bướu đặc tại thận phải, được phân giai đoạn T1b.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần thận mang khối u. Sau mổ, bệnh nhân không gặp biến chứng, chức năng thận ổn định với chỉ số creatinine 89 mg/dL. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy ung thư biểu mô tế bào thận.

 Bác sĩ Võ Hồng Bắc báo cáo kết quả phẫu thuật cắt một phần thận cho bệnh nhân ung thư thận. Ảnh: Hoàng Xuân.

Bác sĩ Võ Hồng Bắc báo cáo kết quả phẫu thuật cắt một phần thận cho bệnh nhân ung thư thận. Ảnh: Hoàng Xuân.

Bác sĩ Võ Hồng Bắc cho biết sau phẫu thuật, hai bệnh nhân duy trì được mức creatinine huyết thanh như trước phẫu thuật, trong khi một bệnh nhân có sự tăng nhẹ chỉ số này ngay sau ca mổ. Tuy nhiên, không trường hợp nào cần thay thế thận.

"Các bệnh nhân sẽ được theo dõi định kỳ trong các mốc 3, 6, 12 tháng, sau đó kéo dài đến 5-10 năm để đánh giá hiệu quả lâu dài của phương pháp phẫu thuật cắt một phần thận," bác sĩ Bắc chia sẻ.

Cắt một phần thận hiện nay là tiêu chuẩn vàng trong điều trị các bướu thận nhỏ. Quyết định phẫu thuật mở hay nội soi phụ thuộc vào đặc điểm khối bướu, kỹ năng phẫu thuật viên và cơ sở vật chất của bệnh viện.

Qua các trường hợp đã điều trị, bác sĩ Bắc nhận định cắt một phần thận là phương pháp an toàn và hiệu quả đối với bướu thận tại chỗ. Các biến chứng trong phẫu thuật ở mức chấp nhận được, phần lớn bệnh nhân có thể kỳ vọng sống không ung thư trong thời gian dài, đồng thời bảo tồn được chức năng thận.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phat-hien-tinh-co-giup-benh-nhan-ung-thu-than-thoat-an-tu-post1520949.html
Zalo