Bệnh sởi có gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?

Viêm phổi là biến chứng nặng thường gặp nhất, thường có trong hầu hết các ca tử vong vì sởi, chủ yếu do bội nhiễm các loại vi khuẩn khác và có thể xuất hiện sau phát ban hoặc cùng lúc khi phát ban.

Đặc trưng của bệnh sởi là sốt, phát ban. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đặc trưng của bệnh sởi là sốt, phát ban. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Virus sởi xâm nhập vào cơ thể người bệnh qua đường mũi, họng và mắt. Mặc dù bệnh có thể tự khỏi, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là liên quan đến hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh xảy ra ở những người chưa được tiêm phòng sởi hoặc chỉ mới tiêm chưa đủ liều theo khuyến cáo. Phần lớn ca mắc tập trung ở trẻ em dưới 12 tuổi.

1. Các thời kỳ của bệnh sởi

Thông thường bệnh sởi diễn ra 4 thời kỳ gồm thời kỳ ủ bệnh kéo dài 8-11 ngày và thường không có biểu hiện lâm sàng.

Thời kỳ khởi phát (giai đoạn viêm long) kéo dài 3-4 ngày với sốt nhẹ hoặc vừa, rồi sốt cao. Sau viêm kết mạc mắt đỏ có gỉ kèm nhèm và sưng nề mi mắt, viêm xuất tiết mũi, họng (chảy nước mắt nước mũi, ho). Còn có thể có hạch ngoại biên to.

Thời kỳ toàn phát (giai đoạn mọc ban) kéo dài 4-6 ngày. Ban mọc trong 3 ngày theo tuần tự mọc ở sau tai, lan ra mặt rồi lan xuống đến cổ, ngực, lưng, tay, ngày 3 lan đến chân. Dạng ban là ban hồng, dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ các ban có khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3-6 mm.

Thời kỳ lui bệnh (giai đoạn ban bay) là khi ban bay theo thứ tự như nó đã mọc. Sau khi ban bay có để lại vết thâm trên da. Thông thường khi ban bay thì hết sốt, trừ khi có biến chứng thì trẻ vẫn sốt sau khi ban bay.

 Trẻ mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trẻ mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

2. Biến chứng thường gặp

Mặc dù bệnh sởi có thể tự khỏi, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến.

Viêm tai giữa cấp

Đây là biến chứng thường gặp, nhất là đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Viêm bề mặt biểu mô vòi eustache gây tắc nghẽn và nhiễm trùng thứ phát.

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản cấp có thể khởi phát sớm do virus sởi và thường xảy ra trước khi xuất hiện phát ban, với tính chất lành tính. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có khả năng xuất hiện muộn ở vùng hạ thanh môn và trở nên nghiêm trọng hơn do bội nhiễm.

Viêm phế quản

Tình trạng này thường xảy ra trong giai đoạn viêm đường hô hấp trên và có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi phát ban xuất hiện. Một số trẻ em có biểu hiện lâm sàng của viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, do việc cấy virus không được thực hiện thường xuyên, không thể loại trừ khả năng đồng nhiễm giữa virus sởi và các loại virus đường hô hấp khác.

Viêm phổi

Viêm phổi là biến chứng nặng thường gặp nhất, thường có trong hầu hết các ca tử vong vì sởi. Nguyên nhân thường do bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, thời điểm xuất hiện biến chứng thường muộn sau khi phát ban hoặc có thể đồng thời trong khi phát ban.

Các biểu hiện bao gồm sốt cao, triệu chứng nhiễm trùng nặng, khi nghe phổi thấy ran nổ, công thức máu thấy bạch cầu tăng cao, trên phim X-quang thấy hình ảnh nốt mờ rải rác ở hai trường phổi.

Viêm não-màng não

Là biến chứng hệ thống thần kinh trung ương, có thể gây tử vong và gây ra nhiều di chứng nặng nề sau này.

Biến chứng của bệnh sởi xuất hiện vào tuần đầu khi phát ban. Các biểu hiện bao gồm sốt cao, co giật, bí tiểu, tiểu dầm, rối loạn ý thức dẫn đến hôn mê.

Điều nguy hại là khi có biến chứng viêm não thì sau khi trẻ qua được cơn nguy hiểm tính mạng, cũng để lại nhiều di chứng nặng nề về thể chất và tinh thần về sau.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Biến chứng tiêu hóa

Viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã - tình trạng bội nhiễm vi khuẩn xuất hiện muộn do một loại vi khuẩn hoại thư gây nên hoại tử niêm mạc miệng, xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi hôi thối.., viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các tiêu chảy do virus khác.

Biến chứng mắt-loét giác mạc

Có thể gặp ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, biến chứng này có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn.

Ngoài ra, bệnh sởi có thể gây suy dinh dưỡng hậu sởi; sảy thai, sinh non khi phụ nữ đang mang thai mắc sởi.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

3. Những đối tượng nào dễ bị biến chứng?

Biến chứng của bệnh sởi có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng những đối tượng dưới đây cần đặc biệt chú ý:

- Người chưa bị bệnh sởi hay chưa được tiêm phòng vaccine phòng sởi hoặc tiêm phòng không đầy đủ thường dễ bị virus sởi tấn công.

- Trường hợp dễ gặp biến chứng khi mắc sởi thường là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ béo phì.

- Người đang mắc các bệnh lý khác như: Bệnh tim bẩm sinh, cúm, tiểu đường...

- Trẻ sinh ra bởi người mẹ bị nhiễm HIV: Trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV dễ mắc sởi ở tuổi nhỏ hơn trẻ sinh từ người mẹ không bị bệnh.

- Trẻ bị thiếu vitamin A: Trẻ có thiếu vitamin A trên lâm sàng hay dưới lâm sàng tăng nguy cơ tử vong do sởi. Sởi có kèm theo giảm nồng độ retinol/máu và có thể làm thiếu vitamin A rõ rệt. WHO cũng khuyến cáo nên bổ sung vitamin A cho trẻ bị sởi trong trường hợp này, đặc biệt là ở những quốc gia có tỷ lệ tử vong do sởi cao.

- Trẻ bị suy dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường dễ bị suy giảm miễn dịch hơn dưới nhiều hình thức khác nhau: thời gian thải virus kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong do sởi cao hơn. Sởi góp phần đưa đến suy dinh dưỡng do mất protein do bệnh lý ruột, tăng nhu cầu chuyển hóa, và giảm cung cấp qua thức ăn.

- Người bị lao: Suy giảm miễn dịch qua trung gian tế bào do sởi tạo thuận lợi cho nhiễm lao. Hơn nữa, bệnh lao cũng sẽ nặng hơn nếu bệnh nhân nhiễm sởi./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/benh-soi-co-gay-ra-nhung-bien-chung-nguy-hiem-nao-post1010835.vnp
Zalo