Bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam ghép mảnh in 3D titan dạng lưới để điều trị gãy xương

Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan dạng lưới, điều trị mất một đoạn lớn thân xương chày do gãy hở nhiễm trùng, cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông.

Bệnh nhân bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông

Ngày 12/8, PGS TS BS Đỗ Phước Hùng, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) cho biết, khoa vừa điều trị thành công cho bệnh nhân bị mất đoạn lớn thân xương chày do gãy hở nhiễm trùng bằng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan dạng lưới.

Bằng mảnh ghép in 3D titan dạng lưới kết hợp với trình độ chuyên môn sâu, ekip điều trị tiến hành khôi phục một đoạn xương lớn đã mất, giúp bệnh nhân có thể quay trở về với cuộc sống bình thường.

Trước đó, vào ngày 17/9/2023, bệnh nhân L.D.L. (sinh năm 1985, quê ở tỉnh Nghệ An) được Bệnh viện tiếp nhận trong tình trạng chấn thương nặng sau tai nạn giao thông, với thương tổn gãy hở 2 xương cẳng chân trái và khuyết hổng mô mềm mức độ nặng.

Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình đã thực hiện phẫu thuật cắt lọc vết thương, cố định xương gãy và đặt máy hút chân không liên tục. Sau đó, bệnh nhân đã phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật nhằm cắt lọc vết thương và tái tạo mô mềm.

Bệnh nhân L.D.L. đã có thể đi lại và được xuất viện. (Ảnh: BVCC).

Bệnh nhân L.D.L. đã có thể đi lại và được xuất viện. (Ảnh: BVCC).

Thách thức điều trị ở đây là không chỉ khôi phục lại đoạn xương bị mất cho bệnh nhân mà còn phải phục hồi được chức năng vận động quan trọng của chân bị chấn thương, giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng và thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày.

Thực tế này của bệnh nhân cho thấy, chỉ có thể giải quyết tốt tình trạng mất đoạn thân xương dài lớn nếu có được nguồn xương ghép tự thân hay xương đồng loại dồi dào. Trong y văn, nhiều trường hợp tương tự đã được điều trị bằng kỹ thuật sử dụng mảnh ghép titan dạng lưới với kết quả được báo cáo khả quan.

Đây là một kỹ thuật còn mới tại Việt Nam. Vì vậy, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, thảo luận với bệnh nhân và gia đình, Khoa Chấn thương chỉnh hình đã quyết định áp dụng kỹ thuật điều trị mới này với hy vọng phục hồi chức năng cho bệnh nhân mà không nhất thiết phải lấy nhiều xương ghép từ nguồn khác.

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện CSIRO (Úc) về các mảnh ghép xương sinh học, 2 bên đã thống nhất tiến hành thiết kế và in mảnh ghép cá thể hóa sản để điều trị cho bệnh nhân.

Nói về thời gian chuẩn bị mảnh ghép trước khi tiến hành ca phẫu thuật, PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ekip bệnh viện đã trải qua 6 tháng để cho sự ra đời một mảnh ghép titan, phù hợp với những bước tiến hành thận trọng cần có vì đây là một trường hợp khó, với những nguyên nhân sau:

Bệnh nhân đã phải trải qua 4 lần phẫu thuật trước đó và đã mất rất nhiều mô mềm và xương

Mảnh ghép titan không những cần được thiết kế tốt về mặt hình dáng bên ngoài để mảnh ghép phục hồi được chiều dài, mà còn có thể chịu được một lực tác động đủ lớn không bị biến dạng hay gãy đổ khi bị lực tác động lớn như chẳng may bệnh nhân bị va chạm hay vấp ngã do tai nạn.

Đặc biệt, mảnh ghép này sẽ phải gắn bó với bệnh nhân suốt cuộc đời, nên cần được thiết kế và xử lý tốt về mặt cơ sinh học.

Việc thiết kế phải tạo được sự hòa hợp giữa hình dáng bên ngoài, cấu trúc bên trong và tình trạng mô mềm hiện tại của chân bệnh nhân.

Sau khi thiết kế, in thử, mảnh ghép phải trải qua các thử nghiệm kiểm tra về cơ sinh học như lực nén ép, kéo dãn, uốn bẻ. Sau khi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết về kỹ thuật, mảnh ghép hoàn thiện dùng để điều trị chính thức mới được in ra.

Tình trạng chân phải của bệnh nhân sau phẫu thuật đã được cải thiện. (Ảnh: BVCC)

Tình trạng chân phải của bệnh nhân sau phẫu thuật đã được cải thiện. (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan dạng lưới

Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 17/7, kéo dài trong khoảng 5 tiếng thuận lợi với kết quả bước đầu như mong đợi. Đến nay, tình trạng chân phải của bệnh nhân sau phẫu thuật đã được cải thiện, anh L.D.L. đã có thể đi lại với 2 nạng và tì chống một phần chân đau.

Toàn bộ chi phí của mảnh ghép đều được hỗ trợ từ chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện CSIRO (Úc). Tổng chi phí khác trong quá trình điều trị mà bệnh nhân đã đóng là không quá 25 triệu đồng.

Nói về nguyên nhân bị tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy, bệnh nhân L.D.L cho biết, trước đó, khi đang chạy trên đường để lấy trái cây về bán thì xe bị nổ lốp. Trong khi anh L.D.L. xuống xe để kiểm tra thì vô tình bị xe khác tông vào và bị gãy cẳng chân trái.

Sau khi được "tái sinh" từ cuộc phẫu thuật, điều trị thành công phần xương bị mất do bị tai nạn thông qua ca ghép titan, bệnh nhân L.D.L gửi lời cảm ơn đến Ban Giám đốc cùng đội ngũ ekip, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã kiên trì điều trị thành công cho bệnh nhân bằng kỹ thuật mới và chuyên sâu, giúp bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Được biết trước đó, Khoa Chấn thương chỉnh hình đã thực hiện kỹ thuật tương tự (cũng là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam) trên bệnh nhân bị mất đoạn xương nhưng ở vị trí trên bướu xương.

Tuy nhiên, trường hợp đối với bệnh nhân L. lại có phần thách thức hơn. Đối với trường hợp bướu xương, phần mô mềm bị mất không nhiều và vị trí phần trên cẳng chân nhiều mạch máu nuôi dưỡng hơn. Với trường hợp này thì hoàn toàn ngược lại: vị trí xương mất nằm ở đoạn dưới, nghèo nàn về mạch máu nuôi và phần mềm che phủ. Với gãy xương vùng này, ngay cả xương bình thường cũng rất khó lành.

Đến ngày 12/8, với các chỉ số sinh hiệu ổn định, bệnh nhân L.D.L. đã được xuất viện, trở thành người thứ 2 tại Việt Nam được áp dụng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan và cũng là người đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan dạng lưới để khắc phục tình trạng bị mất đoạn lớn thân xương chày do gãy hở nhiễm trùng.

Những lưu ý cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật

Về những lưu ý sau phẫu thuật, PGS TS BS Đỗ Phước Hùng, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân bị mất một đoạn xương dài được tái tạo từ mảnh ghép xương làm bằng titan, vì vậy bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ về vấn đề chăm sóc vết thương và đi lại.

Trong quá trình phục hồi, người bệnh cần tuân thủ việc tập luyện đi lại theo hướng dẫn, vì tế bào xương chỉ dẫn nhập vào trong mảnh ghép khi mảnh ghép chịu lực tải một cách thích hợp. Việc phòng chống té ngã cũng cần đặc biệt chú ý, để tránh những tổn thương khác xảy ra trong quá trình lành xương.

Nguyễn Lành

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/benh-nhan-dau-tien-tai-viet-nam-ghep-manh-in-3d-titan-dang-luoi-de-dieu-tri-gay-xuong-204240812155130743.htm
Zalo