Phòng ngừa gian lận trong hỗ trợ sinh sản bằng IVF quan trọng vẫn là con người
Theo chuyên gia y tế, công nghệ IVF ngày càng phát triển nhưng để phòng ngừa tội phạm, gian lận trong hỗ trợ sinh sản cần lựa chọn kỹ lưỡng từng vị trí nhân sự, có độ tin cậy cao…
Ngày 10/9, chia sẻ với báo chí, Ths.BS Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) là một trong các kỹ thuật giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con.
Theo ông Tuấn, vô sinh là khái niệm chỉ có tính chất tương đối. Nếu như cặp vợ chồng chung sống có quan hệ tình dục thường xuyên, nhưng sau 1 năm không có thai bằng phương pháp tự nhiên thì có thể gọi là vô sinh. Hoặc có những người độc thân nhưng không có khả năng sinh con vì nhiều nguyên nhân như bệnh tật, khuyết tật ở bộ phận sinh dục cũng gọi là vô sinh…
Ông Đinh Anh Tuấn cho biết, theo số liệu thống kê chưa chính thức, tại Việt Nam, hiện nay có 7- 9% cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn (theo số liệu từ các cuộc điều tra nhỏ của các tổ chức khác nhau trên thế giới, các số liệu từ các bệnh viện tại Việt Nam-PV).
Ông Đinh Anh Tuấn chia sẻ thêm, kỹ thuật IVF ra đời từ lúc công nghệ thông tin chưa phát triển, khi thực hiện, các cặp vợ chồng phải cần chứng minh thư, đăng ký kết hôn. Hiện, Việt Nam đã có đề án 6, có căn cước công dân, mã số định danh công dân. Hiện nay, ngoài thủ tục như trên, IVF dùng cả mống mắt, vân tay để nhận diện các cặp vợ chồng khi đến thực hiện điều trị vô sinh, hiếm muộn bằng IVF…
Ông Tuấn khẳng định: "Tuy nhiên, công nghệ thông tin phát triển nhưng quan trọng vẫn là con người vận hành, nên cần phải quản lý tốt, kiểm soát nội bộ tốt, nỗ lực mọi biện pháp để kiểm soát, phòng tránh nhầm lẫn, tội phạm...".
Để thực hiện nghiêm túc cũng như bảo đảm quyền lợi cho các cặp vợ chồng, khi thực hiện IVF, theo ông Tuấn cho biết, các bệnh viện, đơn vị phải thực hiện theo quy định pháp luật trong kỹ thuật IVF, phải thông qua quy trình, khi cấp phép phải được kiểm tra rất kỹ, phải có hệ thống nhận diện, đảm bảo tính chuyên môn cao ….
Ngoài ra, hệ thống nhân sự cũng cần phải lựa chọn kỹ lưỡng từng vị trí, có độ tin cậy cao…
Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Huỳnh Hồng Ngọc, Giám đốc Trung tâm IVF mới ra mắt trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh cho biết: "Vấn đề nhầm lẫn phôi từng được nhiều người quan tâm, nhưng chúng tôi kiểm soát rất kỹ ngay từ ban đầu và cam kết không xảy ra vấn đề này".
Khắc phục tình trạng vô sinh hiếm muộn thế nào?
Theo các bác sĩ phụ sản Bệnh viện Từ Dũ, có 2 biện pháp giúp tăng khả năng mang thai cho các cặp điều trị hiếm muộn là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Theo ông Đinh Anh Tuấn, từ năm 1996, Việt Nam đã thực hiện được IVF và đến nay đã có 53 trung tâm làm được. Tỉ lệ thành công của IVF là từ 28 - 60% tùy trung tâm. Điều này phụ thuộc vào sức khỏe từng bà mẹ, chất lượng phôi và nội mạc tử cung của từng cặp vợ chồng khi điều trị hiếm muộn, phụ thuộc vào chất lượng của trung tâm hỗ trợ sinh sản.
"Đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam đã có gần 200.000 ngàn em bé sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, có 400 -500 em bé ra đời bằng kỹ thuật IVF. Và, đó là là niềm vui vỡ òa của các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muốn trong hành trình tìm con của họ, đó cũng là niềm vui vô cùng lớn không thể đong đếm được của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn của đại gia đình, xã hội", ông Đinh Anh Tuấn cho biết thêm.