Bệnh ho gà là gì và vì sao có thể gây tử vong đối với trẻ nhỏ?
Bệnh ho gà thường lây truyền qua đường hô hấp, biểu hiện đặc trưng bằng những cơn ho dữ dội kéo dài và nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Ngày 31/12/2024, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, xác nhận bệnh nhi Ph.Th.Th.Nh. (2 tháng tuổi, ngụ thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng) đã tử vong sau hơn một tuần điều trị bệnh ho gà.
Ngày 15/2, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng lại xác nhận bệnh nhi Th.A.V., (7 tháng tuổi, ở xã Đắc Nhau, huyện Bù Đăng) tử vong vì mắc bệnh ho gà.
Đây là ca thứ 6 mắc bệnh ho gà được ghi nhận tại huyện Bù Đăng, trong đó 2 ca tử vong, 4 ca đã khỏi bệnh.
Vậy bệnh ho gà là gì và vì sao nó đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?
1. Ho gà là gì?
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn bordetella pertussis gây ra. Đây là một bệnh lý cấp tính thuộc đường hô hấp với khả năng lây lan mạnh và dễ bùng phát thành dịch.
Bệnh thường lây truyền qua đường hô hấp, biểu hiện đặc trưng bằng những cơn ho dữ dội kéo dài. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, bệnh ho gà đã được kiểm soát đáng kể. Tuy nhiên, bệnh ho gà vẫn rất nguy hiểm. Đây vẫn được coi là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng lo ngại, có nguy cơ gây biến chứng cao, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bác sỹ khám cho bệnh nhi mới 25 ngày tuổi đang điều trị tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
2. Bệnh ho gà lây truyền qua đường nào?
Ho gà là một bệnh lý chỉ ảnh hưởng đến con người và không xuất hiện ở động vật. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, với nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao. Tỷ lệ mắc bệnh có thể lên tới hơn 80% nếu tiếp xúc gần với người nhiễm.
Khả năng lây nhiễm mạnh nhất diễn ra từ khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Khi người khỏe mạnh hít phải các giọt bắn chứa vi khuẩn bordetella Pertussis do người bệnh phát tán ra môi trường qua các hành động như ho, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, mũi, đờm, hay chất nôn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
3. Triệu chứng ho gà
Sau khoảng 5-10 ngày từ khi vi khuẩn xâm nhập, bệnh bắt đầu biểu hiện những triệu chứng đầu tiên, thường bao gồm đau họng, ho, sốt nhẹ và cảm giác như cảm lạnh thông thường.
Điểm đáng chú ý của bệnh ho gà là các cơn ho có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, tiến triển thành những cơn ho dữ dội và liên tục. Tình trạng này có thể kéo dài từ 1-2 tuần, thậm chí đến 1-2 tháng hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào phương pháp điều trị cũng như sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Đặc biệt, khi cơn ho xuất hiện ở trẻ, thường sẽ rất khó kiểm soát, đi kèm với hiện tượng thở rít giống tiếng gà gáy. Các cơn ho thường kèm theo nhiều đờm và nước dãi, khiến người bệnh dễ bị nôn mửa.
Theo Cục Y tế dự phòng, dựa vào diễn tiến bệnh, thứ tự xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bệnh ho gà được chia làm 4 giai đoạn sau:
Thời kỳ ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 đến 20 ngày, thường tập trung trong khoảng 9 đến 10 ngày. Trong giai đoạn này, bệnh nhân chưa xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường.
Thời kỳ khởi phát (khoảng 1-2 tuần)
Giai đoạn đầu của bệnh ho gà thường kéo dài từ 10 đến 14 ngày, với các triệu chứng ban đầu xuất hiện nhẹ nhàng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác. Người bệnh có thể gặp sốt nhẹ, chảy nước mắt, sổ mũi, ho, hắt hơi, cảm giác chán ăn, mệt mỏi và khàn tiếng.
Đặc biệt, cơn ho sẽ trở nên nặng hơn ở cuối giai đoạn này. Thời kỳ toàn phát (khoảng 2-3 tuần)
Giai đoạn toàn phát, các triệu chứng của ho gà xuất hiện một cách rõ rệt và nặng hơn, gồm:
Ho: Cơn ho kéo dài, ho thành từng đợt liên tục, trung bình mỗi cơn từ 15-20 tiếng. Tiếng ho ngày càng yếu dần theo thời gian. Những cơn ho liên tiếp làm trẻ kiệt sức, có nguy cơ ngưng thở do thiếu ôxy. Các biểu hiện khác có thể bao gồm đỏ mắt, da tím tái, tĩnh mạch cổ nổi rõ, chảy nước mắt và nước mũi.
Thở rít: Tiếng rít giống với âm thanh của tiếng gà thường xuất hiện sau mỗi cơn ho hoặc đan xen giữa các lần ho. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, âm thanh rít này hiếm khi được nghe thấy trong các cơn ho.
Đờm: Sau mỗi cơn ho, người bệnh thường khạc ra đờm trắng, trong suốt, dính và chứa các vi khuẩn gây bệnh.
Nôn mửa: Đây là một dấu hiệu đặc trưng thường thấy của bệnh ho gà trong giai đoạn phát triển toàn diện.

(Ảnh: Getty Images)
Thời kỳ lui bệnh
Khi được điều trị và chăm sóc phù hợp, thường từ tuần thứ 4 sau khi phát bệnh, các triệu chứng của ho gà sẽ có dấu hiệu thuyên giảm và dần biến mất hoàn toàn. Cơn ho sẽ giảm bớt, nhưng có thể cần thêm thời gian để chấm dứt hoàn toàn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơn ho có thể tái phát và trở nặng, dẫn đến nguy cơ viêm phổi.
3. Bệnh ho gà có nguy hiểm không?
Bệnh ho gà thường không gây nguy hiểm ở người lớn và trẻ vị thành niên. Các triệu chứng xảy ra ở mức độ nhẹ, có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, ho gà ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm, không chỉ gây biến chứng mà còn đe dọa tính mạng của trẻ. Ở trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, chưa tiêm vaccine phòng ngừa ho gà, bệnh có diễn tiến nhanh chóng và nặng hơn.
Thống kê của Cục Y tế Dự phòng đã chỉ ra rằng, có 90% bệnh nhân ho gà là trẻ em do chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản./.