Bệnh cúm tại Đà Nẵng chưa có diễn biến bất thường

Tình hình bệnh cúm tại Đà Nẵng đang ghi nhận ở mức bình thường so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, trước diễn biến bùng phát dịch cúm mùa tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt hội chứng sau đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người lo lắng, tìm đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm văc xin phòng cúm. Do vậy, cục bộ tại một số cơ sở tiêm chủng xảy ra quá tải.

Nhiều người chủ động tiêm vắc xin phòng cúm mùa.

Nhiều người chủ động tiêm vắc xin phòng cúm mùa.

Bác sĩ Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết, bệnh cúm mùa sẽ bùng phát theo mùa, từ tháng 11 năm trước rồi giảm xuống vào khoảng tháng 3 năm sau. Tại một số nước xứ lạnh như Mỹ, Nhật, châu Âu tỷ lệ mắc cúm mùa cao, rất nguy hiểm, nhất là với người có bệnh lý nền, béo phì, đái tháo đường, người già. Tại Việt Nam từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442). Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.

Tại TP Đà Nẵng, tình hình bệnh cúm đang ghi nhận ở mức bình thường so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể tháng 11 và tháng 12-2024 ghi nhận 185 trường hợp cúm mùa điều trị nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh (trong tổng số 989 trường hợp của cả năm 2024, chiếm tỷ lệ 18,7%). Tháng 1-2025 ghi nhận 122 trường hợp cúm mùa được điều trị. Bác sĩ Nguyễn Hóa cho biết, để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng thì người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Ngoài ra, người dân không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm…

Theo ghi nhận tại một số cơ sở tiêm chủng tại Đà Nẵng, số lượng người tới tiêm vắc xin phòng cúm đã tăng đáng kể những ngày qua. Thống kê trong 10 ngày đầu tháng 2-2025 các cơ sở tiêm chủng đã tiêm 10.849 mũi vắc xin cúm. Đà Nẵng hiện có 24 điểm tiêm chủng vắc xin cúm, trong đó một số điểm tập trung nhiều người, quá tải cục bộ. Chị Nguyễn Thị Mai (trú quận Cẩm Lệ) cho biết, nghe thông tin dịch cúm bùng phát tại nhiều nước, diễn biến hệ lụy rất nguy hiểm, vì thế để chủ động phòng dịch chị và gia đình đã đi tiêm vắc xin.

Người dân chờ tiêm vắc xin phòng cúm mùa.

Người dân chờ tiêm vắc xin phòng cúm mùa.

Bác sĩ Nguyễn Hóa cho biết, trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị bệnh lý nền như đái tháo đường…sẽ nguy hiểm khi mắc cúm mùa, vì vậy cần đặc biệt khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng bệnh. Với người sức khỏe bình thường, tiêm để tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh cũng tốt. Người dân cũng không nên quá lo lắng, bệnh cúm mùa chỉ bùng phát, lây lan mạnh ở những khu vực có nền nhiệt lạnh, tập trung nguy hiểm cho các đối tượng có bệnh lý nền, béo phì…

Hải Quỳnh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/benh-cum-tai-da-nang-chua-co-dien-bien-bat-thuong-post308579.html
Zalo