Bệnh cúm đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà thuốc hết thuốc Tamiflu
Bệnh cúm đang có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và nhu cầu sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu gia tăng khiến thị trường khan hiếm. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng gia tăng.
Đặc biệt, sau khi nữ diễn viên Đài Loan (Trung Quốc) tử vong vì viêm phổi do nhiễm cúm A, càng khiến nhiều người lo lắng. Một số người nhiễm cúm A, B đã tự mua thuốc Tamiflu về uống, hoặc có gia đình mua dự trữ, càng khiến loại thuốc này trở nên khan hiếm và đẩy giá thành lên cao hơn.
![Nhu cầu sử dụng thuốc Tamiflu tăng, nhiều nhà thuốc hết hàng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51441430/304e06e632a8dbf682b9.jpg)
Nhu cầu sử dụng thuốc Tamiflu tăng, nhiều nhà thuốc hết hàng.
Một hàng thuốc trên phố Lò Đúc (Hà Nội) cho biết, đã hết thuốc Tamiflu, muốn mua phải đặt trước, giá 65.000 đồng/viên.
Hàng thuốc lớn ở phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng hết thuốc Tamiflu, khi được hỏi giá thì ở đây bán 66.000 đồng/viên.
Tại nhà thuốc Long Châu (Thụy Khuê, Hà Nội) cũng hết Tamiflu, chỉ còn loại tương tự điều trị cúm là Flustad 75 do Việt Nam sản xuất, giá bán 16.500 đồng/viên.
Trên website của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) giá Tamiflu tên hoạt chất Oseltamivir (dưới dạng oseltamivir phosphat) 75mg dạng viên nang cứng hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
BS Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm mùa có thể nói có "độc lực thấp" nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao. Vì vậy, mọi người không phải quá hoang mang lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không nên chủ quan, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng.
BS cũng khuyến cáo, khi bị cúm, người dân không tự ý mua kháng sinh dùng, bởi lẽ kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này. Đồng thời, không nên tự ý mua thuốc kháng virus uống để điều trị cúm. Việc tự mua thuốc kháng virus uống gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gia tăng đề kháng thuốc.
“Thuốc kháng virus chỉ có lợi cho những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng”, BS Khiêm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Trước tình trạng gia tăng người mua thuốc kháng virus cúm, để đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP, các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc đề nghị tiếp tục triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân.
Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cm, và khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.