Bệnh bạch hầu: 'Kẻ thù thầm lặng' và bí quyết phòng tránh hiệu quả

Bệnh bạch hầu, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từng gieo rắc nỗi kinh hoàng ở quá khứ, nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hiểu rõ về căn bệnh này cùng các biện pháp phòng ngừa sẽ bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thông báo hết các loại vaccine có thành phần phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thông báo hết các loại vaccine có thành phần phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Bộ Y tế cho biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, chiều 11/7, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu.

Theo Bộ Y tế, bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch. Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra độc tố gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể lan ra toàn cơ thể, gây biến chứng nghiêm trọng.

"Hiện nay, đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất", Bộ Y tế nhấn mạnh.

Việc tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Hiện nay, vaccine có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 1 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi.

Đến nay, căn cứ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và theo xu hướng quốc tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT trong đó bổ sung một liều vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi.

Nhiều người dân tìm đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Nhiều người dân tìm đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Hiện tại Việt Nam đang triển khai tiêm 5 liều vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của WHO để tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia trên thế giới, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em ở Việt Nam trong các độ tuổi quan trọng. Cũng theo WHO, việc bổ sung liều vaccine cần dựa trên tình hình dịch tễ học cụ thể của từng quốc gia và đánh giá nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Người dân Hà Nội chủ động tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Trước khi tiêm nhân viên y tế giải thích cụ thể, rõ ràng cho người tiêm hiểu rõ thêm về vacvine. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Người dân Hà Nội chủ động tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Trước khi tiêm nhân viên y tế giải thích cụ thể, rõ ràng cho người tiêm hiểu rõ thêm về vacvine. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Còn theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh gây ra giả mạc trắng dày ở cổ họng, có thể lan đến mũi, thanh quản và khí quản, dẫn đến khó thở và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

1. Bệnh bạch hầu - "Kẻ thù thầm lặng":

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh gây ra giả mạc trắng dày ở cổ họng, có thể lan đến mũi, thanh quản và khí quản, dẫn đến khó thở và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

2. Dấu hiệu nhận biết "kẻ thù":

Sốt nhẹ: Thường là 38 - 38.5°C, kèm theo đau đầu, mệt mỏi, chán ăn.

Đau họng: Khó chịu, nuốt đau, ho khàn khàn.

Giả mạc: Xuất hiện ở cổ họng, màu trắng xám, dày, dính chặt, khó bong tróc.

Sưng hạch cổ: Các hạch bạch huyết ở cổ sưng to, có thể gây đau khi ấn.

Khó thở: Do giả mạc lan đến thanh quản và khí quản, gây tắc nghẽn đường thở.

3. Biến chứng nguy hiểm:

Viêm cơ tim: Gây suy tim, thậm chí tử vong.

Viêm dây thần kinh: Gây liệt cơ mặt, liệt chi, rối loạn thị giác.

Suy hô hấp: Do tắc nghẽn đường thở bởi giả mạc.

Biến chứng khác: Viêm thận, suy thận, xuất huyết não.

4. "Bí kíp" đánh bại "kẻ thù":

"Vũ khí tối thượng": Tiêm phòng đầy đủ: Vắc-xin bạch hầu là "bảo bối" hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh. Hãy tiêm phòng đầy đủ theo lịch khuyến cáo của Bộ Y tế.

"Giữ gìn vệ sinh - Tăng cường sức đề kháng":

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.

Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên.

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái.

5. "Chiến binh" dũng cảm chống lại "kẻ thù":

Cách ly người bệnh: Để tránh lây lan cho người khác.

Dùng kháng sinh: Sử dụng kháng sinh thích hợp để tiêu diệt vi khuẩn.

Hỗ trợ điều trị: Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, điều trị các biến chứng.

Hỗ trợ hô hấp: Nếu bệnh nhân khó thở nặng, cần phải thở máy.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu chúng ta nâng cao ý thức và thực hiện các biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Phú Vinh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/benh-bach-hau-ke-thu-tham-lang-va-bi-quyet-phong-tranh-hieu-qua/340251.html
Zalo