Bến Tre: 'Truyền lửa', hỗ trợ để ý tưởng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ thành hiện thực
Các cấp Hội LHPN tỉnh Bến Tre sẽ tập trung hỗ trợ giúp hội viên, phụ nữ có đủ tự tin, điều kiện để biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, đưa sản phẩm ra thị trường.
Từ ngày 13 đến 15/9, tại Bến Tre, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng khu vực miền Nam. Trong đó, tỉnh Bến Tre có dự án "Nâng cao hiệu quả cây dừa nước" của chị Nguyễn Thị Trúc Ly lọt vào vòng chung kết Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 cấp vùng miền Nam.
Tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Nam, những sản phẩm của các hợp tác xã do phụ nữ quản lý trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đánh giá cao.
Dịp này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre - chia sẻ một số vấn đề liên quan đến tinh thần khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ trên địa bàn cũng như sự hỗ trợ của các cấp Hội trên địa bàn đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của hội viên phụ nữ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, hiện nay, phụ nữ nông thôn có những ý tưởng khởi nghiệp rất độc đáo. Hội viên, phụ nữ ngày càng nhiều kiến thức về khởi nghiệp, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, được khách hàng lựa chọn sử dụng. Hoạt động Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Nam giúp hội viên, phụ nữ trên địa bàn được tiếp cận với các sản phẩm khởi nghiệp đặc trưng của các tỉnh/thành khác trong khu vực để học hỏi. Qua đó góp phần phát triển tài nguyên bản địa, giúp chị em tiếp tục có những sáng kiến trong sản xuất, quảng bá sản phẩm.
- Bà đánh giá thế nào về tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Ngoài định hướng của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Bến Tre còn thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phong trào "Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp". Từ đó, Hội đã triển khai những hoạt động tuyên truyền, đối thoại chính sách, tập huấn, đào tạo, hỗ trợ và hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp với hội viên, phụ nữ khởi nghiệp để chị em có thêm những kiến thức mới.
Hiện nay, tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong hội viên phụ nữ rất tích cực, hồ hởi. Chị em đón nhận một "luồng gió mới" trong khởi nghiệp với những sản phẩm khởi nghiệp đa dạng, chất lượng. Hiện nay, Hội cũng đang phối hợp với một số đơn vị đưa một số sản phẩm OCOP bán trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện cho chị em giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của vùng miền đến nhiều hơn với người tiêu dùng.
- Theo bà, tỉnh Bến Tre có tiềm năng, lợi thế gì để hội viên, phụ nữ khởi nghiệp gắn với tài nguyên bản địa?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Bến Tre là tỉnh có diện tích nhỏ, được chia 3 hệ sinh thái rất rõ là vùng nước mặn, lợ và ngọt. Đối với vùng nước mặn sẽ thích hợp để phát triển những sản phẩm thủy hải sản. Đối với vùng nước ngọt thì gắn với các sản phẩm trái cây đặc trưng như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt và đặc biệt là giống hoa kiểng. Hiện nay có rất nhiều chị em phát triển bền vững với ngành nghề giống hoa kiểng. Đối với vùng nước lợ thì các sản phẩm từ dừa cũng đang phát triển rất mạnh, trong đó có các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ được thị trường ưu chuộng như dầu dừa, dầu gội đầu, mặt nạ dừa, son dừa…
- Thực tế cho thấy, một trong những nhu cầu lớn nhất đối với chị em khởi nghiệp là về nguồn vốn. Vậy Hội đã có những giải pháp nào để giải "bài toán" này?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Việc hỗ trợ nguồn vốn cho chị em khởi nghiệp thực sự là một nội dung hết sức quan trọng. Đối với Bến Tre, thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó có hẳn chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bằng những đồng vốn với lãi suất rất ưu đãi đã tạo điều kiện cho chị em có được nguồn vốn an toàn, ổn định để chị em tự tin trong quá trình khởi nghiệp.
Tôi nghĩ, chính nguồn vốn này là chất xúc tác rất lớn để hỗ trợ cho chị em khởi nghiệp. Từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho chị em phát huy hiệu quả cao.
- Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Bến Tre sẽ tập trung hỗ trợ những gì để giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều hơn các chính sách và tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công. Hội sẽ tập trung hỗ trợ từng ý tưởng, sáng kiến để giúp chị em tự tin hơn, biến sáng kiến thành hiện thực và đưa sản phẩm ra thị trường. Việc hỗ trợ nguồn vốn cũng sẽ được tiếp tục tập trung thực hiện để chị em có điều kiện khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành để giới thiệu các chính sách phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể.
Tôi thấy rằng, hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương đã phát triển đầy đủ. Vấn đề là cần tập trung tuyên truyền, vận động, truyền lửa và tạo mọi điều kiện để hội viên, phụ nữ khởi nghiệp.
Một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm khởi nghiệp phát triển, thành công là phải ra được thị trường. Do đó, các sản phẩm khởi nghiệp cũng phải thật sự đảm bảo chất lượng cả về hình thức và các tiêu chuẩn, yêu cầu. Chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ để các sản phẩm khởi nghiệp được bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... để hiệu quả đạt được cao hơn nữa.