Bến Tre: Sạt lở nghiêm trọng đe dọa cồn Phú Đa
Theo nhận định của UBND huyện Chợ Lách, khả năng trong tháng 10, tháng 11 tới (tháng 09 tháng 10 âm lịch) là đỉnh triều của năm 2024, đê bao cồn Phú Đa sẽ tiếp tục sạt lở.
Trong những ngày gần đây, tình hình sạt lở đê bao cồn Phú Đa thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết do sự kết hợp của triều cường dâng cao, sóng lớn và mưa gió mạnh. Hiện tượng này không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương.
Theo thông tin từ UBND huyện Chợ Lách, đê bao cồn Phú Đa dài hơn 10 km đang trong tình trạng báo động. Kết cấu của đê chủ yếu bằng đất, trong khi nhiều đoạn đã bị sạt lở sâu. Đặc biệt, nền lòng sông Cổ Chiên ở một số đoạn sâu hơn 20m so với mặt đê khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Dự báo rằng trong tháng 10 và tháng 11 tới khả năng đỉnh triều năm 2024 sẽ tiếp tục đe dọa đê bao cồn Phú Đa có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng hơn.
Cồn Phú Đa hiện có hai ấp là Phú Đa và Phú Bình với tổng diện tích khoảng 404 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất cồn bãi màu mỡ, nổi bật với cây sầu riêng – một loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Khu vực này đang sinh sống của khoảng 700 hộ dân. Nếu xảy ra sự cố vỡ đê thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn, ảnh hưởng không chỉ đến cuộc sống hàng ngày mà còn đến cơ sở hạ tầng như trường học và nhà máy nước sạch.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, ông Phạm Anh Linh đã có kiến nghị gửi đến Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, đề xuất xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp cho tình trạng sạt lở tại cồn Phú Đa. Mục tiêu là nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, đồng thời ngăn chặn nguy cơ sạt lở tiếp tục mở rộng và bảo vệ các công trình hạ tầng trong thời điểm triều cường cao và gió mạnh.
Trong tháng 9 năm 2024, triều cường kết hợp với mưa lớn đã gây ra ít nhất hai đợt sạt lở tại đê bao cồn Phú Đa dẫn đến việc nhiều diện tích vườn cây ăn trái bị ngập. Cụ thể, vào lúc 23 giờ ngày 16/9/2024, sạt lở đã xảy ra tại đoạn đê qua hộ ông Lý Quốc Dũng gây thiệt hại 20m đê làm ngập 3 ha vườn cây. Ngày 18/9/2024, đoạn đê này lại tiếp tục sạt lở thêm 30m có nguy cơ làm ngập 15 ha cây ăn trái, ảnh hưởng đến 71 nhân khẩu của 22 hộ dân, trong đó có 10 ha sầu riêng từ 3 đến 10 năm tuổi.
Ngay sau khi các sự cố xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Lách đã triển khai các phương tiện cơ giới và phối hợp với UBND xã Vĩnh Bình cùng người dân thực hiện gia cố tạm thời đoạn đê bị sạt lở theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, huyện đã tổ chức lực lượng để tuần tra, theo dõi tình hình sạt lở, kịp thời ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra và sử dụng ngân sách dự phòng khoảng 400 triệu đồng để hỗ trợ công tác gia cố đê trong thời gian ngắn.
Trong một cuộc khảo sát thực tế vào ngày 21/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Minh Cảnh đã chỉ đạo địa phương khẩn trương xử lý các vị trí sạt lở để hạn chế phát sinh thêm, đồng thời khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao. Ngành nông nghiệp cũng được giao nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và sản xuất trong khu vực cồn Phú Đa trong thời gian tới.
Sạt lở đất là một trong những hiện tượng tự nhiên gây ra nhiều nguy hiểm nghiêm trọng đối với con người và môi trường. Khi xảy ra, sạt lở đất có thể dẫn đến sự sụt lún của các khu vực đất, gây thiệt hại lớn về tài sản và cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở những vùng có địa hình dốc và mưa lớn. Ngoài ra, sạt lở đất còn có thể gây ra những thiệt hại về tính mạng, đặc biệt đối với những người sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao.
Về mức độ nghiêm trọng của sạt lở đất hay các biến động về địa chất, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “Đây là loại thảm họa thiên nhiên gây những thiệt hại rất to lớn về người và vật chất, gây thảm cảnh đau thương mà con người phải khắc phục trong thời gian dài. Hình ảnh hai trận động đất trên vùng lục địa Trung Quốc được phát trên truyền hình đã làm cho bao người phải ngậm ngùi thương cho số phận của hàng chục tới hàng trăm nghìn người chết và mức thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỷ USD; Đó là trận động đất năm 1976 ở Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc) và năm 2008 tại tỉnh Tứ Xuyên. Động đất lớn trên biển còn kéo theo sóng thần càn quét nhiều vùng ven biển, cuốn theo nhiều người, làng mạc ra biển, điển hình là trận động đất lớn gây ra sóng thần khổng lồ trên khắp Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004 đã làm khoảng 230.000 người trên khắp 14 quốc gia thiệt mạng.”
Hay mới đây nhất là sự việc đau thương ở Làng Nủ cũng xuất phát từ sạt lở. Các mái dốc ở miền núi trong điều kiện tự nhiên vốn ổn định song khi gặp các điều kiện bất lợi, độ bền của đất suy giảm và sụp đổ vùi lấp mọi thứ ở dưới chân mái dốc. Khi mái dốc cao, thể tích khối đất lớn bị sụp đổ gây hậu quả nghiêm trọng. Đây chính là nguyên nhân gây lũ quét tại Làng Nủ.
Có thể thấy, sự không ổn định của đất đai cũng ảnh hưởng đến nguồn nước, làm tắc nghẽn các dòng chảy và gây ra lũ lụt cục bộ. Không chỉ vậy, sạt lở đất còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, phá hủy môi trường sống của động thực vật, dẫn đến mất đa dạng sinh học. Do đó, việc nhận thức và ứng phó kịp thời với nguy cơ sạt lở đất là vô cùng cần thiết để bảo vệ cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên.