Bến Tre: Giá dừa khô nguyên liệu tăng cao, người trồng phấn khởi
Theo các thương lái, vườn dừa ở Bến Tre đang vào mùa nghịch vụ nên sản lượng giảm hơn 50% so với trước, trong khi nhu cầu sản xuất của các công ty cao, nguồn cung hạn chế khiến giá dừa tăng.

Thu hoạch dừa khô. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Hiện giá dừa khô nguyên liệu địa bàn tỉnh Bến Tre tiếp tục tăng cao và “lập đỉnh” mới, nhà vườn trồng dừa phấn khởi vì thu nhập tăng cao trong những tháng khô hạn, nắng nóng.
Ông Huỳnh Văn Thanh, ấp 7, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm canh tác hơn 2ha dừa cho hay, gia đình vừa bán gần 2.000 quả dừa với giá 220.000 đồng/12 trái, tăng 30.000 đồng so với tuần trước.
Đây là mức giá đạt kỷ lục từ trước đến nay tại Bến Tre.
Hiện, nhiều thương lái “săn lùng” nguồn dừa để mua nhưng “cung không đủ cầu.”
Theo các thương lái thu mua dừa khô nguyên liệu tại Bến Tre, vườn dừa đang vào mùa nghịch vụ nên sản lượng giảm rất lớn, giảm hơn 50% so với trước.
Mặt khác, nhu cầu sản xuất của các công ty hiện nay cao, nguồn cung hạn chế làm cho giá dừa tăng lên.
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) chia sẻ tác động của giá dừa khô nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng đến nguyên liệu không đủ cho các nhà máy sản xuất, lượng đầu vào của các nhà máy hiện thiếu rất nhiều.
Từ đó, chuỗi cung ứng của các nhà máy bị đứt gãy, đặc biệt là các nhà máy đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu càng khó khăn nhiều hơn do nguyên liệu không ổn định, giá cả tăng cao.
Ông Trần Văn Đức cho rằng thời gian tới cần kết hợp giữa tài nguyên bản địa cùng với công nghệ chế biến cao để nâng cao giá trị gia tăng cho cây dừa, cho ngành dừa và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn cho biết các năm trước giá dừa xuống thấp nên nông dân khó đầu tư vào vườn dừa đạt hiệu quả.
Ngoài ra, hiện nay sâu bệnh tấn công cây dừa rất nhiều, nhất là sâu đầu đen, nông dân sẽ không đủ kinh phí chăm sóc vườn dừa nếu giá dừa không tăng như hiện nay.
Với điều kiện giá thu mua dừa tăng cao như hiện nay sẽ giúp cho nông dân tăng thêm thu nhập, tạo điều kiện đầu tư cho vườn dừa ngày càng đạt chất lượng cao hơn, đáp ứng đủ nhu cầu các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2024-2025, tỉnh Bến Tre phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000ha. Tỉnh xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trên dừa, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức liên kết sản xuất.
Qua đó đã phối hợp với người trồng dừa các địa phương hình thành các vùng sản xuất chứng nhận chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.
Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp dừa bảo đảm nguồn nguyên liệu mà còn giúp người trồng dừa có thu nhập ổn định, thị trường ngày mở rộng, uy tín và thương hiệu dừa Bến Tre ngày càng được nâng cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết thời gian qua, nhận thức của người dân tham gia vào kinh tế hợp tác gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên.
Tỉnh bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Riêng chuỗi giá trị dừa, đến nay, tỉnh có 32 tổ hợp tác, 34 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với diện tích hơn 10.094ha.
Hiện nay, ngành chức năng tỉnh tăng cường hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc vườn dừa trong mùa hạn mặn, giúp vườn dừa có năng suất cao, chất lượng tốt.
Đồng thời, kêu gọi nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với doanh nghiệp sản xuất, hình thành chuỗi giá trị cây dừa, giúp nông dân phát triển bền vững hơn với cây dừa trong thời gian tới./.