Bến Tre có những lợi thế gì qua đánh giá của doanh nghiệp FDI?

Theo các doanh nghiệp FDI, tỉnh Bến Tre có điều kiện tự nhiên và tiềm năng, thế mạnh để các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024 với chủ đề “Bến Tre - Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững”, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư tại Bến Tre có những chia sẻ lợi thế, kinh nghiệm khi đầu tư tại tỉnh Bến Tre.

Theo đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài, Bến Tre cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 86km, có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với các tỉnh, các nền kinh tế ở khu vực phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các nhà đầu tư được chính quyền tỉnh Bến Tre trao quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024. Ảnh: Sỹ Đồng

Các nhà đầu tư được chính quyền tỉnh Bến Tre trao quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024. Ảnh: Sỹ Đồng

Bến Tre là vùng đất trù phú với sông nước mênh mông, môi trường trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn. Con người Bến Tre thân thiện, hòa đồng, thật thà, cần cù làm việc.

Là doanh nghiệp FDI đến Bến Tre từ những ngày đầu khi có cầu Rạch Miễu, Công ty TNHH Tỷ Thành chọn Bến Tre làm nơi đầu tư lâu dài vì có nhiều đặc điểm thuận lợi về điều kiện tự nhiên và tiềm năng, thế mạnh để các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Trong đó, cơ sở hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bến Tre ngày càng được hoàn thiện, nâng cấp để mời gọi đầu tư. Cùng với đó, chi phí nhân công thấp, lực lượng lao động qua đào tạo trên 65%, tương đối lành nghề và được đào tạo tốt, có trình độ học vấn cao.

Trong thời gian qua, Bến Tre đã nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

“Mặc dù còn những tồn tại liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, quỹ đất đầu tư… nhưng Bến Tre vẫn được đánh giá có môi trường đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội, cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn. Các yếu tố này đã tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án hiện hữu tại địa bàn tỉnh”, đại diện Công ty Tỷ Thành đánh giá.

Đồng quan điểm, Công ty TNHH May mặc Alliance One cho biết, cách đây 18 năm, khi Tập đoàn đang ở Thái Lan có nhu cầu mở rộng sản xuất, nhận thấy Việt Nam là “ngôi sao đang lên của Đông Nam Á” và đã quyết định đầu tư vào Bến Tre.

Trong suốt quá trình hoạt động tại tỉnh Bến Tre, lãnh đạo tỉnh cùng chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực thi hiệu quả.

Lãnh đạo chính quyền tỉnh Bến Tre cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc qua các buổi họp mặt doanh nghiệp, cà phê doanh nghiệp...Qua đó, ngoài giải quyết về khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tỉnh còn thông tin đến doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách của Trung ương về việc triển khai cơ chế, chính sách trong hoạt động kinh doanh, đầu tư, các chính sách hội nhập quốc tế.

Hiện nay, với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… mở ra cơ hội cho Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, đẩy mạnh thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư, không chỉ là các doanh nghiệp châu Âu mà là doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Đặc biệt, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) mang tới cơ hội thu hút dòng vốn FDI không chỉ từ châu Âu, mà còn từ các quốc gia khác muốn hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế. Do đó, cơ hội để các nhà đầu tư cân nhắc chọn Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung làm điểm đến tiếp theo trong quá trình đầu tư của mình.

Gặp khó giữ chân người lao động

Theo các doanh nghiệp FDI, trong thời gian qua, mặc dù đạt được những mục tiêu kinh doanh nhất định nhưng cũng gặp không ít khó khăn về vấn đề lực lượng lao động. Cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc phát triển lực lượng lao động.

Công ty TNHH May mặc Alliance One cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty có nhu cầu tuyển 1.000 người lao động. Mặc dù đã tuyển dụng được hơn 2.000 người nhưng hầu hết những người lao động này đều nghỉ việc sau thời gian thử việc hoặc đào tạo gây thiếu hụt lao động trầm trọng. Để giữ thu hút và giữ chân người lao động, công ty đã áp dụng rất nhiều chính sách như: Giữ bậc lương cũ cho công nhân tái gia nhập công ty, thưởng tay nghề từ 300 nghìn - 1 triệu đồng cho người lao động có tay nghề và người giới thiệu, thưởng 2 triệu đồng cho người gia nhập công ty, thưởng 1 tháng lương cho người lao động gia nhập công ty trước 31/7/2024”.

Ngoài ra, công ty này cũng đầu tư cải thiện môi trường làm việc như: lắp đặt hệ thống lạnh trung tâm cho các khu vực sản xuất, tăng cường công tác truyền thông đối thoại, giải quyết các đề xuất, góp ý của người lao động.

“Mặc dù vậy, công ty vẫn không thể tuyển dụng và giữ chân đủ số lượng lao động để hoàn tất những đơn hàng đã nhận từ đối tác cũng như không đáp ứng đủ yêu cầu về nhân sự như đã cam kết với khách hàng”, Công ty May mặc Alliance One chia sẻ.

Trước thực trạng trên, theo Công ty May mặc Alliance One cần có phải những chính sách có lợi hơn cho người lao động để người lao động an tâm làm việc, hạn chế xu hướng nhảy việc liên tục xảy ra trong một bộ phận người trẻ hiện nay.

Hiện tại, công ty này cũng đang gặp khó khăn khi đa số người lao động có thâm niên 15 năm trở lên nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

“Luật Bảo hiểm xã hội mới được ban hành vào tháng 6/2024 tuy có quy định hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng chỉ áp dụng đối với người lao động tham gia đóng BHXH sau ngày 01/7/2025. Chúng tôi rất mong các cơ quan, ban, ngành xem xét cải thiện chính sách hưởng lương hưu và điều chỉnh quy định rút bảo hiểm xã hội một lần cho nhóm người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày 01/7/2025, góp phần hạn chế tình trạng người lao động có thâm niên nghỉ việc”, Công ty May mặc Alliance One kiến nghị.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư tại Bến Tre kiến nghị lãnh đạo quan tâm hơn đối với đời sống của công nhân lao động. Trong đó, tập trung phát triển mô hình nhà ở xã hội cho công nhân thuê, mua với mức ưu đãi hợp lý.

Bên cạnh đó, việc quản lý về an toàn, an ninh, nguồn nước sinh hoạt tại các khu nhà trọ dành cho công nhân cũng cần được chú trọng, đảm bảo công nhân lao động được an cư lạc nghiệp, đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp được ổn định bền vững.

Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre luôn quan tâm và mời gọi đầu tư doanh nghiệp FDI. Hiện, toàn tỉnh có 68 dự án FDI, chủ yếu tập trung vào các ngành/lĩnh vực như: Chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao từ nông - thủy sản, may mặc, điện tử, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao, thiết bị y tế; sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, vật liệu xây dựng mới; chế biến thực phẩm…

Sỹ Đồng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ben-tre-co-nhung-loi-the-gi-qua-danh-gia-cua-doanh-nghiep-fdi-349989.html
Zalo