Bên lề Quốc hội: Sử dụng hiệu quả 'liều thuốc' đầu tư công

Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các vấn đề kinh tế xã hội. Bên lề Quốc hội, các đại biểu nêu cách tháo gỡ để sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả. Bên cạnh đó, đại biểu khuyến nghị việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Video Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chia sẻ:

Thứ nhất, nền tảng của đầu tư công là cơ sở hạ tầng và các điều kiện để cho các lĩnh vực của kinh tế có cơ sở phát triển. Thứ hai, đầu tư công có nghĩa là đưa một lượng lớn tiền của quốc gia vào nền kinh tế để giải quyết nhiều vấn đề của nền kinh tế. Chẳng hạn, làm đường không chỉ thuận lợi cho giao lưu kinh tế, phát triển các khu công nghiệp, phát triển đô thị, mà còn thúc đẩy các lĩnh vực liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ liên quan…

Đầu tư công thúc tăng trưởng cho nhiều khía cạnh, giai đoạn hiện nay càng có ý nghĩa to lớn. Thời gian qua, đầu tư công giữ vai trò quan trọng, dù đã có cố gắng, nhưng chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Việc giải ngân ở một số địa bàn, lĩnh vực còn gặp khó khăn. Điều này có nguyên nhân từ giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị dự án đầu tư còn chậm, chất lượng kém phải điều chỉnh hoặc do các vấn đề khách quan như thời tiết, khí hậu, mưa bão… Mặt khác, còn có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: LV

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: LV

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội:

Hiện nay, giá nguyên vật liệu xây dựng như cát đang tăng, các đối tượng tìm mọi cách để khai thác cát trái phép. Vấn đề "cát tặc" gia tăng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng việc quản lý đang bị hạn chế. Mặt khác, chủ trương của Chính phủ là muốn minh bạch, có đấu giá để tạo sự công bằng, đáp ứng yêu cầu về xây dựng, nhưng việc đấu thầu hiện nay vẫn xảy ra tình trạng tiêu cực.

Thực tế này cần phải minh bạch, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, Nhà ước và nhân dân; đồng thời, xử lý nghiêm những dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm. Để ổn định giá, không còn cách nào khác cần cơ chế quản lý hoạt động tích cực, hiệu quả hơn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉn Đồng Tháp. Ảnh: LV

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉn Đồng Tháp. Ảnh: LV

Đại biểu Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:

Vấn đề quản lý, khai thác khoáng sản và sử dụng phải tiết kiệm để đóng góp tương xứng vào ngân sách Nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước.

Thực tế, việc khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng thông thường rất bất cập. Do nguyên vật liệu này được hình thành theo quy luật tự nhiên của dòng sông, phụ thuộc lưu lượng, dòng chảy, địa hình tích tụ, độ bồi lắng. Vì vậy, việc quy hoạch đánh giá trữ lượng khó khăn, độ chính xác không cao. Do đó, "cát tặc" khai thác ở những nơi giáp ranh, địa hình phức tạp giữa các địa phương để dễ dàng lẩn trốn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát sỏi thông thường để san lấp phục vụ thi công các dự án hạ tầng giao thông lớn, tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp đã diễn ra, nhưng khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa khai thác hiệu quả, do chưa nghiên cứu để sử dụng cho công trình.

Còn ở những vùng cao, những khoáng sản lẫn trong đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng, bị thải bỏ, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường...

Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho các vật liệu thông thường. Cát biển cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ben-le-quoc-hoi-su-dung-hieu-qua-lieu-thuoc-dau-tu-cong-20241104180517260.htm
Zalo