Bến bờ bình yên của một doanh nhân
Đến tập thơ 'Khắc khoải chiều' này đã là ấn phẩm thứ mười ba của nhà thơ Nguyễn Thế Minh được xuất bản. Trong làng thơ của thành Nam, thì cái tên Nguyễn Thế Minh đã rất quen thuộc với bạn đọc và bạn viết! Cái tên ấy, không chỉ lan tỏa trong môi trường nghệ thuật, mà đặc biệt hơn, nó còn mang thơ đến với một vùng có thể coi là 'tử địa của thơ' - chốn kinh doanh và doanh nghiệp. Quả thật, giữa một chỗ chạm vào đâu cũng thấy tiền, thấy giá trị vật chất gia tăng ấy, thì phải là người có duyên nghiệp thi ca lắm, mới đủ tự tin mà gieo nổi những mầm thơ về nơi ấy!
Nhiều lúc tôi tự hỏi, giữa sự quăng quật của thị trường như vậy, Nguyễn Thế Minh chia mình ra như thế nào, để những trang thơ cứ trong trẻo và đều đặn sinh ra? Chỉ cần với vai trò của một doanh nhân, mà viết đều, viết liên tục được như ông, đã là việc “khó như lên giời” chứ chưa cần bàn thêm đến ý tứ, ngôn ngữ hay tư tưởng của thơ.
Thơ Nguyễn Thế Minh đã được nhiều nhà phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ có uy tín chia sẻ và tương tác tích cực trong mấy năm gần đây.
Những bài viết của Nhà văn Chu Lai, Nhà phê bình Nguyên An, Nhà văn Vũ Đảm… đã xác tín một nguồn thơ Nguyễn Thế Minh của thành Nam với những yêu thương dào dạt chảy vào cuộc sống. Bản thân tôi, cũng đã hơn một lần viết về thơ của nhà thơ, doanh nhân này! Thơ anh sinh tự một nguồn yêu và một đam mê thăm thẳm, nguồn yêu ấy, đam mê ấy, tạo nên những cảm thức thơ mà Nguyễn Thế Minh đã cần mẫn gieo vào cuộc đời này.
Mười ba tập thơ với một doanh nhân, đấy chắc chắn là kết quả của nghiệp thơ chứ không thể là một cuộc rong chơi cùng chữ nghĩa! Trong tâm hồn Nguyễn Thế Minh tồn tại một miền bất biến mà trời đất cho anh, ở nơi ấy những vần thơ liên tục được sinh thành, xin tạm gọi đó là một bến bờ bình yên của anh.
Trong bài viết nhỏ này, xin không đi sâu vào những cung bậc, những mạch đoạn câu chữ để bàn về tư duy nghệ thuật hay ngôn ngữ thơ của ấn phẩm, mà ngược vào nguồn mạch của bờ bến bình yên ấy, để tương tác cùng những trang thơ vô tư mở bên muôn lo toan mưu sự thương trường.
"Khắc khoải chiều" mở ra cùng những trang yêu dào dạt sóng đời. Cái dào dạt yêu, dào dạt sống trong mạch thơ ấy, hình như đã thành một lối viết, để thơ của Nguyễn Thế Minh cứ vô tư xanh giữa miền yêu vậy.
Này đây là một cung yêu đã “cũ” đến hai lần, mà vẫn làm mùa Thu thổn thức:
Mùa Thu lạc vào trong mắt nhớ/ Ta lãng đãng thu tình phiêu diêu/ Một áng thơ thả cánh bao chiều/ Câu chuyện cũ xếp trong góc cũ. (Hà Nội mùa Thu).
Thơ Nguyễn Thế Minh không phải là sản phẩm của những kỹ thuật thi pháp cao siêu, không nằm trong miền xác định của những câu chữ hàn lâm, ám gợi. Thơ ấy là những tiếng đời trong trẻo cất lên:
Bên tách cà phê mình/ Niềm vui không kể xiết/ Biết vậy vờ không biết/ Viết mấy lời viển vông. (Cà phê một mình).
Trong miền thơ, những rung cảm liên tục tương tác cùng cái vui cái buồn của cuộc sống. Rồi những rung cảm ấy tự mình sinh niềm, sinh nỗi, sinh cơn, sinh cớ và nó tự giải phóng nó vào câu chữ của thơ ca.
Ngòn ngọt cái đơn côi/ Cuối thu bay cùng gió/ Giá lạnh vừa chạm ngõ/ Giao mùa lốm đốm hoa/ Con đường nhỏ đi qua/ Đâu riêng mình cô độc…(Một góc phố).
Quả thật, người có năng khiếu thơ, thì những điều muốn nói nhất chỉ có thể nói cùng thơ, nói với thơ mới hết nghĩa đời. Nguyễn Thế Minh, bên những hợp đồng xuôi ngược cùng sự cạnh tranh khốc liệt, bên những dự án sản xuất là một trang lòng ăm ắp nghĩa tình được anh gieo vào câu chữ:
Một vầng trăng chia nửa/ Thấm thoắt tóc bạc màu/ Giờ có còn nhớ đâu/ Làm bà thay làm mẹ/ Quẩn quanh cùng lũ trẻ/ Quên cuộc sống vô thường/ Đêm qua đau buốt xương/ Mình thương người bên cạnh/ Để bốn mùa khô lạnh/ Giấu cô đơn trong lòng. (Thương người bên cạnh).
Thơ dù cao sang, dù huyền ảo, dù lung linh đến đâu đi nữa, nhưng trước hết nó được sinh ra để phục vụ con người, nên nó phải là một phương tiện để con người cân bằng và chia sẻ cuộc sống. Đó như là một sứ mệnh, một giá trị cốt lõi của thi ca suốt bao đời qua. Người ta đến với thơ để tìm một sự tri kỷ và chia sẻ tuyệt đối với cõi mình, và thơ đã đáp ứng hoàn toàn được điều ấy! Trước thơ, người ta bày tỏ, bộc bạch tất cả các nẻo người trong mình, cho dù nẻo ấy ở tâm thế nào, để rồi, sau những chia sẻ, dãi bày ấy là những lắng lại và giải thoát. Thơ thiêng liêng mà gần gũi với đời, giá trị của thơ lớn lao là ở chỗ ấy.
Trở lại với những trang thơ của doanh nhân Nguyễn Thế Minh, như chúng tôi đã nói ở phần trước, bạn sẽ thấy rất ít những dấu vết của việc chuốt gọt ngôn ngữ trong thơ. Thơ ấy, là những trang cảm xúc, được viết ra bằng lối thơ tuyến tính, chân thật, mộc mạc, dung dị. Chảy suốt mười ba tập thơ của Nguyễn Thế Minh, cho đến bây giờ, tuyền một màu chữ ấy, đậm đặc một màu thơ ấy. Nhưng đọc nó, người ta vẫn thấy cái tình thơ, cái nghĩa đời mà anh gửi vào câu chữ! Điều căn cốt để làm nên hồn thơ của doanh nhân này chính là ở chỗ ấy, câu chữ thì bình dị, chân phương mà người đọc vẫn nhẫn ra cái tình thơ của anh gửi vào cuộc sống.
Sông như tình mẹ không phai/ Lòng sâu nước thẫm nối dài biển Đông/…/…/… Chầu văn vọng bến Đò Quan/ Hàng cây phượng vĩ mơ màng bến thương/ Lắng nghe giai điệu quê hương/ Máy Chai, Bến Thóc, Cửa Trường nao nao. (Phố bên sông).
Trong bến bờ bình yên, trong cõi đam mê của mình, Nguyễn Thế Minh cứ cặm cụi chia mình vào những cung bậc rung cảm xuyến xao qua những câu chữ chân tình:
Mặt hồ sương sớm mơ màng/ Khoái Đồng cổ kính nồng nàn quê hương/ Cây xanh phố mát bên đường/ Em ơi, Nam Định lời thương ngọt ngào. (Lãng đãng Vị Xuyên).
Đọc Khắc khoải chiều nhận thấy miền thơ ca trong Nguyễn Thế Minh rộng và sạch lắm. Để giữ được được miền thơ thanh sạch như thế trong một doanh nhân, xin thưa là ở cái duyên thơ trời cho, chứ còn ở sức người và ý thức con người tuyệt nhiên không thể làm nổi điều ấy.
Có phải nắng lịm giọt đời/ Áo trắng / chia tay nhung nhớ/ Ngôi trường xưa vương duyên nợ/ Thời gian của những giấc mơ/ Có phải mùa hạ tuổi thơ/ Tìm về/ con đường đi học/ Mùa hè bâng khuâng muốn khóc/ Tiếng trống/ tiết cuối/ xốn xang. (Hè về).
Việc sáng tác văn chương nói chung và thơ nói riêng là bởi nhu cầu nội tại của tác giả. Trước hết nó là sự chia sẻ, tương tác và giải phóng cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ thi ca vào cuộc sống. Với doanh nhân Nguyễn Thế Minh thì việc sáng tác thơ ngoài nhu cầu, còn là một lạc thú, một nghi lễ chăng? Điều này đúng với phát biểu của Nhà văn Ông Văn Tùng: “Xin đừng nghĩ rằng tôi sáng tác văn chương là khổ ải, là nghiệp nợ. Lúc tôi viết là tôi đang thỏa mãn đấy, đang làm tình đấy, đang thăng hoa đấy!”. Phải vậy lắm, nếu không thăng hoa, không đam mê, không là lạc thú, không là nghi lễ, thì sao một doanh nhân có thể cho ra đời liên tục của hàng chục tập thơ trong khoảng mười năm trở lại đây.
Đọc Khắc khoải chiều, bởi trân trọng lắm những bến bờ trong trẻo của thơ ca trong một doanh nhân ở thành Nam, liên cảm cùng người, cùng thơ ấy mà viết mấy dòng này! Còn với nghiệp văn chương, tự cổ chí kim, có khi viết ngàn trang, mà may ra chỉ được dăm ba chữ neo lại với đời đã là quý. Thì với những người thơ hôm nay cứ giữ được cái bến bờ thơ trong mình, để neo lại những trong trẻo thảo thơm, để chia sẻ những buồn vui bằng tâm thế của thi ca, để được làm một phiên bản khác của chính mình! Ấy đã là thành công vậy.