Becamex IDC kinh doanh ra sao trước phiên đấu giá lịch sử?
Becamex IDC huy động gần 21.000 tỷ đồng trong đợt chào bán lần này, đánh dấu phiên đấu giá có giá trị lớn nhất kể từ sau giai đoạn cao trào thoái vốn nhà nước 2016 - 2018.
Phiên đấu giá lịch sử của Becamex
Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC (HoSE: BCM) đã thông qua nghị quyết phê duyệt mức giá khởi điểm đấu giá công khai cổ phiếu BCM trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo đó, công ty dự kiến chào bán 300 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá khởi điểm 69.593 đồng/cp, tương đương tổng giá trị huy động 20.880 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn gần 40% so với dự kiến ban đầu và gấp gần 5 lần giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024.
Đồng thời, giá chào bán cũng xấp xỉ mức giá trung bình 30 phiên giao dịch trước ngày 6/2/2025 trên HoSE. Đây là phiên đấu giá có quy mô lớn nhất kể từ sau giai đoạn cao trào thoái vốn nhà nước 2016 - 2018.
![Nguồn vốn huy động lần này của Becamex sẽ được phân bổ cho các dự án trọng điểm, khu công nghiệp lớn. Ảnh: Becamex.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_30_51478145/1c595dd56f9b86c5df8a.jpg)
Nguồn vốn huy động lần này của Becamex sẽ được phân bổ cho các dự án trọng điểm, khu công nghiệp lớn. Ảnh: Becamex.
Nếu đợt đấu giá thành công, vốn điều lệ của Becamex IDC sẽ tăng từ 10.350 tỷ đồng lên 13.350 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tăng gần gấp đôi, vượt 41.000 tỷ đồng. Điều này giúp củng cố năng lực tài chính, nâng cao khả năng đầu tư mở rộng.
Nguồn vốn huy động sẽ được phân bổ cho các dự án trọng điểm như Khu công nghiệp Cây Trường, Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, đồng thời góp vốn vào các công ty liên kết như Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP), Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước, Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện Becamex VSIP (BVP), Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng Thông minh Việt Nam – Singapore (VSSES), Công ty Cổ phần Becamex Bình Định, cũng như phục vụ tái cấu trúc tài chính nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Becamex IDC là UBND tỉnh Bình Dương với tỷ lệ sở hữu 95,44%. Sau đợt chào bán, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước dự kiến giảm xuống còn 74%, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình giảm tỷ trọng sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
Cổ phiếu BCM có diễn biến giá tương đối trái chiều so với VN-Index trong thời gian qua. Giai đoạn 2022 - 2024, BCM lao dốc từ vùng 87.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2022 xuống 51.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 4/2024.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, trong khi VN-Index diễn biến không mấy đột phá, mã BCM lại phục hồi mạnh mẽ, đóng cửa phiên 14/2 ở mức 70.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 37,2% so với vùng đáy.
Becamex đang làm ăn ra sao?
Báo cáo tài chính quý IV/2024 của Becamex IDC phản ánh sự suy giảm mạnh về doanh thu khi chỉ đạt gần 2.000 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự lao dốc của mảng kinh doanh bất động sản và bất động sản đầu tư, vốn là nguồn thu chính của doanh nghiệp, ghi nhận mức giảm tới 71% còn hơn 1.334 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu từ mảng xây dựng đạt gần 183 tỷ đồng, tăng gấp 8,7 lần so với cùng kỳ, nhờ đẩy mạnh triển khai các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, mảng này không phải động lực tăng trưởng cốt lõi, nên dù tăng mạnh, nó vẫn chưa đủ bù đắp cho sự sụt giảm từ mảng bất động sản.
Doanh thu tài chính tăng 31% lên gần 26 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi và lãi từ các khoản đầu tư tài chính, nhưng mức đóng góp này vẫn khá nhỏ so với quy mô tổng doanh thu.
![Becamex hiện là doanh nghiệp hàng đầu về phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Becamex.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_30_51478145/e635aeb99cf775a92ce6.jpg)
Becamex hiện là doanh nghiệp hàng đầu về phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Becamex.
Kết quả là Becamex IDC không tránh khỏi một quý kinh doanh đi lùi khi lợi nhuận ròng giảm 33%, còn 1.370 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là mức lợi nhuận cao nhất trong 4 quý năm 2024, cho thấy hiệu quả vận hành của doanh nghiệp vẫn đang được duy trì trong một năm đầy biến động.
Tính chung cả năm 2024, Becamex IDC đạt doanh thu thuần hơn 5.195 tỷ đồng, giảm 34% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.105 tỷ đồng, giảm 13%. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 60% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã đạt 98% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Becamex IDC đạt hơn 58.777 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Hàng tồn kho tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản với hơn 21.206 tỷ đồng, tương đương 36% tổng tài sản, và tăng 7% so với đầu năm.
Việc gia tăng hàng tồn kho có thể là kết quả của chiến lược mở rộng quỹ đất hoặc do tốc độ tiêu thụ bất động sản chậm lại. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tăng lượng tiền gửi ngân hàng lên 2.500 tỷ đồng, tăng 78% so với đầu năm.
Về mặt cơ cấu vốn, tổng nợ phải trả của Becamex IDC đạt gần 38.298 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn và dài hạn hơn 23.600 tỷ đồng, chiếm 62% tổng nợ và tăng 20%.
Đáng chú ý, Becamex IDC đang có hơn 12.700 tỷ đồng trái phiếu, trong đó gần 800 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm tới. Việc nợ vay tăng nhanh đặt ra áp lực lớn lên dòng tiền hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh doanh thu chưa có sự phục hồi mạnh mẽ. Điều này có thể khiến doanh nghiệp phải tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung hoặc tái cấu trúc nợ để giảm áp lực tài chính.
Trong bối cảnh đó, đợt chào bán 300 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 69.593 đồng/cp nhằm huy động gần 21.000 tỷ đồng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tài chính của Becamex IDC.