Bé trai bị chó nhà nuôi cắn suýt mất vành tai

Bé trai 8 tuổi ở Hà Nội bị chó nhà bà nội nuôi cắn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, mất máu nhiều, vành tai phải gần đứt rời.

Theo người nhà kể lại, bé trai đến chơi nhà bà nội và bị chó nhà nuôi cắn. Cháu được đưa đến Bệnh viện huyện Chương Mỹ sơ cứu, băng bó vết thương và cầm máu tạm thời, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Cháu bé nhập viện trong tình trạng đa vết thương phần mềm tại tai phải, da đầu, cẳng bàn tay phải và xây xát da nhiều vị trí do chó cắn. Qua thăm khám thấy tổn thương đứt rời gần hoàn toàn vành tai phải, đứt rời sụn ống tai ngoài và sụn vành tai, còn cầu da 2.5 cm tại dái tai, nhiều vết cắn răng sâu và nhiều vết thương rách da sâu hết lớp dưới da tại vùng đầu và cánh tay phải, vết rách dài nhất khoảng 5 cm.

BS Hùng Anh, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, bác sĩ trực đã khẩn trương thực hiện các xét nghiệm và phẫu thuật cấp cứu cho cháu bé.

Bé trai được phẫu thuật tái tạo lại vành tai.

Bé trai được phẫu thuật tái tạo lại vành tai.

Bệnh nhi được phẫu thuật cắt lọc phần dập nát, khâu lại sụn ống tai ngoài và sụn vành tai, nối lại tĩnh mạch tai bằng kĩ thuật vi phẫu. Sau mổ hình thể tai đạt yêu cầu, vành tai hồng ấm, màu sắc bình thường, không tím.

Theo các BS, tai nạn do súc vật cắn là tai nạn thường gặp, nhất là với trẻ em khi tâm lý tò mò của trẻ cũng như chưa nhận ra các dấu hiệu nguy hiểm của vật nuôi. Khi bị chó cắn, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như: Tổn thương mạch máu, thần kinh, nhiễm trùng vết cắn và đặc biệt nghiêm trọng như bệnh dại hay tổn thương đứt rời bộ phận như: cơ quan sinh dục, tai, mũi, chi, thể… Ngoài ra, còn ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý trẻ, do đó người nhà cần có các phương án phòng tránh tai nạn cho trẻ nhỏ.

Đặc biệt, khi nuôi chó, mèo, các gia đình cần tiêm phòng dại cho và xích, đeo rọ mõm cho chó, đề phòng chó tấn công người.

BS Hùng Anh khuyến cáo, khi trẻ bị súc vật cắn hoặc liếm vào vết xước…..bố mẹ hoặc người chăm sóc nên rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong 15 phút; sát trùng vết thương bằng cồn hoặc betadin; băng cầm máu nhẹ nhàng; đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tiêm phòng và theo dõi động vật cắn trong 15 ngày.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/be-trai-bi-cho-nha-nuoi-can-suyt-mat-vanh-tai-i758143/
Zalo