Bé trai 14 tuổi đột quỵ xuất huyết não

Thấy T. đau bụng, nôn ói, gia đình nghĩ em chỉ bị cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, tình trạng của em trở nặng và bắt đầu rơi vào hôn mê. Bệnh nhân được phát hiện bị đột quỵ xuất huyết não do tắc tĩnh mạch não Galen.

Theo lời kể của người nhà em L.N.T (14 tuổi, ngụ huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), trước đây T. hay bị đau đầu âm ỉ được một lúc rồi hết. Thời gian gần đây, em bị đau đầu nhiều kèm triệu chứng đau bụng, nôn ói. Cha mẹ T. nghĩ em chỉ bị cảm cúm thông thường nên đưa đến trạm xá gần nhà khám, lấy thuốc uống. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, tình trạng của em trở nặng, bắt đầu rơi vào hôn mê. Người nhà lập tức chuyển em đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ.

Sau khi can thiệp, tri giác và sức cơ của bệnh nhi L.N.T đã cải thiện - Ảnh: BVCC

Dựa trên các triệu chứng của T., các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ nghi em bị đột quỵ nên đã hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh và Can thiệp nội mạch (Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ); đồng thời đưa bệnh nhi sang bệnh viện này để chụp MRI não.

Kết quả ghi nhận tình trạng xuất huyết não, phù não vùng đồi thị. Các bác sĩ của 2 bệnh viện cùng hội chẩn, đưa ra chẩn đoán xác định là đột quỵ xuất huyết não do tắc tĩnh mạch Galen. Sau khi có kết quả hội chẩn, gia đình T. được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ hướng dẫn cho em nhập viện can thiệp điều trị cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ.

ThS-BS Lê Minh Thắng, Đơn vị Can thiệp mạch DSA cho biết, trường hợp của em T. khá hiếm gặp trên thực tế. Dựa trên kết quả chụp MRI của bệnh nhi ghi nhận tình trạng xuất huyết não kết hợp với phù vùng đồi thị. Tình trạng bệnh khá nặng, cần chỉ định can thiệp sớm để khai thông tĩnh mạch bị tắc nghẽn.

Hình ảnh chụp MRI của bệnh nhi trước can thiệp (bên trái) và sau can thiệp 1 ngày (bên phải) - Ảnh: BVCC

Hình ảnh chụp MRI của bệnh nhi trước can thiệp (bên trái) và sau can thiệp 1 ngày (bên phải) - Ảnh: BVCC

“Chúng tôi đã tiến hành can thiệp lấy ra rất nhiều cục máu đông trong tĩnh mạch Galen và xoang thẳng, khai thông được tĩnh mạch bị tắc nghẽn. Sau can thiệp, bệnh nhi được hồi sức tích cực, duy trì kháng đông đường uống dự phòng máu đông. Sau thời gian điều trị, tri giác và sức cơ của em đã cải thiện và có thể đi lại, hết đau đầu”, bác sĩ Thắng cho biết thêm.

Theo bác sĩ Thắng, trường hợp của bệnh nhi này nếu được khám tầm soát phát hiện sớm thì sẽ có cách điều trị dự phòng tốt hơn, tránh trường hợp nặng xảy ra. “May mắn gia đình đã kịp thời đưa em đến cơ sở y tế đủ khả năng điều trị với các bác sĩ chuyên khoa, cùng trang thiết bị hiện đại giúp xác định nguyên nhân gây đột quỵ, cũng như nhanh chóng can thiệp điều trị. Hiện quá trình hồi phục sau đột quỵ của em khá tốt”, bác sĩ Thắng nói.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Thắng khuyến cáo phụ huynh lưu ý khi phát hiện các em có triệu chứng đau đầu âm ỉ kéo dài, co giật, yếu nửa người, nôn ói, lơ mơ... cần phải đưa đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trường hợp gia đình chần chừ đưa các em đến trễ, thời gian vàng trôi qua sẽ bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và phát triển toàn diện của em sau này.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/be-trai-14-tuoi-dot-quy-xuat-huyet-nao-224159.html
Zalo