Bẫy lừa đảo chuyển tiền tour du xuân

Cộng đồng mạng đang xôn xao thông tin nữ du khách bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng tại một fanpage giả mạo khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình. Trong thời điểm người dân có nhu cầu cao trong việc đi du xuân, việc cẩn trọng tìm hiểu nơi đến là rất quan trọng.

Hơn 1 tỷ đồng là số tiền một khách du lịch đã chuyển khoản để đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình. Sau lần đặt cọc đầu tiên, kẻ lừa đảo vẫn tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển thêm một lần nữa vì viết sai nội dung, sau đó dẫn dắt nạn nhân kích hoạt 1 tài khoản VNPay. Chỉ đến khi mất hết số tiền trong tài khoản, nạn nhân mới nhận ra mình đã bị lừa.

Bà Đinh Thúy Hiền, đại diện Miniwa Kênh Gà Ninh Bình, cho biết: "Minawa Kênh Gà Resort & Spa nhận được thông tin về trường hợp khách hàng bị lừa đảo hơn 1 tỷ đồng qua Facebook fanpage. Đây là trang thông tin giả mạo và hoàn toàn Minawa Kênh Gà không có liên quan gì đến fanpage đấy. Trước đó, Minawa cũng gặp nhiều trường hợp những trang fanpage lừa đảo lập nên với số lượng lớn, cho nên Minawa đã lên các bài cảnh báo trên các fanpage cũng như các đơn vị truyền thông chính thống của bên khu nghỉ như website, tuy nhiên trong giai đoạn tháng 12 vừa qua, Minawa bị đánh sập cả trang facebook chính thống cho nên trường hợp khách hàng bị lừa cũng nhiều hơn".

Một trường hợp khác, tại Khu nghỉ dưỡng Kim Bôi - Hòa Bình, chỉ từ cuối năm 2024 đến tháng 2/2025, cơ sở này đã ghi nhận gần 10 khách hàng bị lừa đảo chuyển tiền đặt cọc. Trong đó, một số du khách bị mất tới gần 20 triệu đồng.

Chiêu trò giả mạo website, fanpage của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có uy tín nhằm chiếm đoạt tiền cọc đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch… không mới. Thời điểm sau Tết Nguyên đán, người dân gia tăng nhu cầu đi du xuân kết hợp nghỉ dưỡng, các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Anh Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng kinh doanh Hanvina Travel, cho hay: "Nhu cầu khách hàng tăng cao cả trong và ngoài nước, những kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng tâm lý của 1 số ít tệp khách hàng ham muốn giá rẻ, dẫn dắt thao túng cho khách hàng thấy tour này giá rẻ, khuyến mại nhiều".

TS Đoàn Trung Sơn, chuyên gia an ninh mạng, cho biết: "Thời điểm này người dân có xu hướng thu hồi công nợ, tiền lương nên sẽ dư giả hơn. Các đối tượng hướng tới dịp Tết nhằm chiếm đoạt tiền, tạo dựng các kịch bản gắn liền với lễ hội, Tết, du xuân… Chính vì thế nó nở rộ".

Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, du khách cần tỉnh táo, không đặt phòng qua mạng xã hội hay các trang fanpage chưa được xác nhận chính chủ. Nếu đã đặt cọc, khách bị thông báo chuyển sai nội dung và được hướng dẫn làm theo các bước để nhận tiền, cần xác định đây có thể là dấu hiệu lừa đảo. Nguyên tắc nằm lòng khi giao dịch trên mạng xã hội để tránh mất tiền oan là không chuyển tiền khi chưa biết rõ về đối phương.

Theo các chuyên gia, các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thủ đoạn tinh vi, phức tạp nhưng mục đích cuối cùng vẫn là chiếm đoạt tiền của người dân. Không chỉ mỗi người dân cần nâng cao kiến thức, đề cao cảnh giác mà chính các cơ sở du lịch, cung cấp dịch vụ cũng phải có biện pháp để bảo vệ mình và khách du lịch.

Kim Oanh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/bay-lua-dao-chuyen-tien-tour-du-xuan-287056.htm
Zalo