'Bầu trời - Trường đại học của tôi': Hồi ức của một phi công tiêm kích

Thông qua cuộc đời lao động và chiến đấu của Trung tướng Anh hùng Phi công Nguyễn Đức Soát, bạn đọc không chỉ được đồng hành với ông trong những trận không chiến đã trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà còn biết đến những câu chuyện đầy nhân văn về giai đoạn hậu chiến - hòa giải giữa các phi công Mỹ - Việt Nam...

Cách đây 4 năm, vào dịp 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã quyết định xuất bản cuốn sách Nhật ký phi công tiêm kích, là những suy tư, trải lòng trước diễn biến thời cuộc của cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, của một học viên chập chững bay trên không trung, của một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ. Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của Nguyễn Đức Soát đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc.

Tháng 12.2024, ông tiếp tục ra mắt bạn đọc hồi ức Bầu trời - Trường đại học của tôi, đi sâu vào câu chuyện “đời bay” một của phi công chiến đấu huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam, cùng với những mảnh ký ức sâu đậm, tràn đầy tình cảm về quê hương-gia đình-bạn bè.

Bìa cuốn sách Bầu trời - Trường đại học của tôi. Ảnh: NXB Trẻ

Cuốn sách mới này gồm có hai phần. Phần 1 - Đời bay - ghi lại những dấu ấn đáng nhớ, không chỉ gắn với cuộc đời của tướng Soát, mà đó còn là những cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của không quân Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung: Những chiến dịch tập kích đường không của Mỹ ra miền Bắc, từ không chiến đến hòa giải, quá trình xuất kích bắn hạ máy bay địch, những câu chuyện từ những người phi công chiến đấu, quá trình làm chủ những chiếc máy bay huyền thoại như SU-27, bay cùng các phi công Do Thái…

Phần 2 - Quê hương và gia đình - lại là những trang viết đầy tình cảm về bạn bè, người thân, tuổi ấu thơ, và những kỷ niệm ấm áp đã đi cùng tướng Soát trong suốt cuộc đời.

Thông qua cuộc đời lao động và chiến đấu của phi công Nguyễn Đức Soát, bạn đọc không chỉ được đồng hành với ông trong những trận không chiến đã trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà còn biết đến những câu chuyện đầy nhân văn về giai đoạn hậu chiến - hòa giải giữa các phi công Mỹ - Việt Nam - những người từng là cừu địch; đồng thời là những câu chuyện nghề nghiệp mang tính “kỹ thuật” trong thời bình, như ông vẫn quan niệm và ví von bầu trời như trường đại học lớn của mình mà ông không ngừng học tập và không thể tách mình ra khỏng ấy.

Những dòng hồi ức về chuyện đời, chuyện nghề của Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tràn đầy cảm hứng, say mê, luôn được dung dưỡng trong một tình cảm lớn với Tổ quốc, song vẫn đậm đà tình nghĩa quê hương son sắt thủy chung, thực sự khơi gợi động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng lao động, sáng tạo trong thời kỳ hòa bình, ổn định của đất nước.

Ảnh trích từ sách. Ảnh: NXB Trẻ

Từ bầu trời chiến tranh đến bầu trời hòa bình

Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 ở tuổi mười tám, đôi mươi cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích bậc nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27.

Phi công Nguyễn Đức Soát luôn mong ước chinh phục bầu trời và các loại máy bay chiến đấu. Ông đã miệt mài học tập để làm chủ những thuật lái phức tạp, cộng với linh cảm tuyệt vời trong những khoảnh khắc cam go nhất, ông đã sáng tạo ra những động tác bay ảo diệu kết hợp tài xạ kích hiếm có, bắn hạ máy bay đối phương trong những tình huống không tưởng.

Trong đời bay của mình, tướng Soát đã chinh phục tất cả các biến thể của tiêm kích MiG-21, tiêm kích bom SU-22M4, tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư SU-27. Ông từng bay trên chiếc LAVI của không quân Israel (một phiên bản mới của máy bay F-16 của Mỹ) cùng với phi công Do Thái… Có lẽ hiếm phi công nào đã bay được và được bay nhiều loại máy bay như thế.

Đặc biệt hơn, trong thời bình, ông còn là vị tướng duy nhất, khi đã ở cương vị Tư lệnh Quân chủng-Không quân vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu như những phi công bình thường.

Ảnh trích từ sách. Ảnh: NXB Trẻ

Chia sẻ cảm nhận về cuốn sách, Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo (nguyên UVTW Đảng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân) cho biết: “Cùng với tình cảm gắn bó với bầu trời, trong quyển sách này bạn đọc còn cảm nhận được tình tha thiết của anh (Trung tướng Nguyễn Đức Soát - NV) với quê hương và gia đình. Tình yêu và hạnh phúc anh có được trong cuộc sống luôn có sự gắn kết với công việc, với bầu trời. Và quê hương, gia đình đã luôn là điểm tựa để anh vươn lên. Quả thật, chính bầu trời đã là một trường đại học đặc biệt để Nguyễn Đức Soát có được điều kiện để mà trui rèn, để phấn đấu, và anh xứng đáng là một sinh viên xuất sắc”.

Trong khi đó, viết lời giới thiệu cho cuốn sách, Nhà thơ Hữu Việt nhấn mạnh: “...Kể câu chuyện của mình, nhưng tướng Soát “ẩn thân” tối đa, dành những trang viết hay nhất ngợi ca đồng đội, tri ân những người chỉ huy tài giỏi mà ông vô cùng khâm phục, bởi ông quan niệm rằng, chính họ là những người tác thành tình yêu bầu trời của ông được trọn vẹn. Sự khiêm nhường tinh tế ấy là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái-tôi tác-giả mà khiến cho người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy tác phẩm.”

Về phần mình, Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tự bạch: “Nhiều người cho rằng nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi, từ khi đã trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời đã là môi trường sống thứ hai của mình vậy".

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bau-troi-truong-dai-hoc-cua-toi-hoi-uc-cua-mot-phi-cong-tiem-kich-46480.html
Zalo