Bắt pen, hít dầu gió - Những trend nguy hiểm

Trend là thuật ngữ chỉ việc bắt chước hoặc chạy theo các xu hướng nổi bật trên mạng xã hội, nhận nhiều sự quan tâm. Tùy thuộc mức độ hưởng ứng mà trend tồn tại từ vài ngày đến vài tháng.

Mấy tháng nay, có hàng chục trend mới xuất hiện trên một nền tảng mạng xã hội video ngắn. Bọn trẻ ở khu đô thị chúng tôi “sốt xình xịch”, đuổi bắt trend. Tưởng gì, hóa ra là rủ nhau chụp ảnh bên gánh hàng hoa trên phố; ăn xôi cốm, uống cà phê muối, trà chanh giã tay; ăn mặc quần áo biến hình theo lời bài hát; rủ nhau lên núi săn mây... Kinh hoàng nhất là trò bắt penhít dầu gió.

Trò bắt pen lan nhanh như điện giật. Một tốp nam sinh lớp 9 túm tụm quanh gốc cây phượng già. Một bạn dùng hai ngón tay cái ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của bạn kia. Người được “bắt” giơ hai tay lên chới với, hét to: “Phê. Phê lắm!”. Bạn khác thì bảo: “Lâng lâng như người say sóng”.

Hãy xem họ đã làm gì. Thực chất là dùng hai tay ấn mạch máu cổ. Theo giải thích một cách hồn nhiên là giúp thư giãn, nhưng thực chất là trò đùa nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nếu tác động quá mạnh. Đáng lo là, trên các trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ cảm giác tò mò này khiến video được lan truyền chóng mặt.

Biết con cái đang đùa với tử thần nhiều vị phụ huynh giật mình. Theo lời các bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì đây là hành vi dại dột. Khi dùng tay ép chặt vào mạch có thể gây tắc mạch máu, thậm chí vỡ mạch máu. Nếu nhấn quá mạnh vào động mạch cảnh ở cổ có thể khiến máu lưu thông chậm hoặc ngừng lưu thông. Đương nhiên gây thiếu máu não, dẫn đến ngất xỉu, co giật, đột quỵ. Trong trường hợp “người chơi” có bệnh lý tim mạch hoặc huyết áp thì dẫn tới tử vong.

Bắt pen, hít dầu gió - những trend nguy hiểm (Ảnh minh họa: Internet)

Bắt pen, hít dầu gió - những trend nguy hiểm (Ảnh minh họa: Internet)

Trong khi trò bắt pen đang gây choáng váng thì đã nổi lên một trend mới: hít dầu gió. Trò này đơn giản hơn, tự mình làm được, không phải có người trợ giúp. Thế là những người ham tìm cảm giác lạ lại... thử cho biết, thử một lần xem sao.

Lạ lùng làm sao thấy các nhóm nam thanh nữ tú, phần lớn là học sinh sinh viên mê hít dầu gió. Họ nói, trước kia chỉ sử dụng để xoa lên người mỗi khi nhức đầu, sổ mũi. Nhưng nay thì “nghiện” hít dầu. Dầu gió cũng có nhiều loại mùi hay lắm. Hít một lần nhớ mãi. Hít vài lần nghiện luôn. Đáng nói là họ không “sướng một mình” mà rủ nhau chơi thành từng tốp. Có nhóm bạn chơi chung lên đến hai chục thành viên là những người cùng chung sở thích. Họ lên mạng chia sẻ cho nhau những loại dầu gió có mùi dễ chịu, rủ nhau gặp mặt để cùng nhau... hít. Có khi chỉ vài giờ đồng hồ hình thành trend đã có hàng trăm người học theo, cùng trải nghiệm, sau này có bạn nói, chả hiểu sao, cứ như “ma lủi”.

Rồi họ truy tìm “hàng độc” là các loại dầu gió có nguồn gốc từ nước ngoài như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông... Mua để dùng, để bán lại, nhất cử lưỡng tiện. Ôi, câu chuyện của bọn trẻ thời nay sao mà lạ lùng! Thế là giáo viên, phụ huynh, cán bộ Đoàn Thanh niên... lại một lần nữa giật mình trước những trò chơi quái quỷ. Hít hương hoa lan, hoa nhài, hương đồng nội mới có lý, sao lại rủ nhau nạp cái thứ “thuốc độc” vào người? Khi cơ thể khỏe mạnh thì hít dầu gió lợi bất cập hại.

Nhân chuyện bắt trend nguy hiểm này, tôi có hỏi chuyện, mong nhận lời tư vấn từ các chuyên gia. Ông bác sĩ hàng xóm lắc đầu thở dài: “Khổ lắm bác ạ, dao sắc không gọt được chuôi. Con nhà tôi hai cháu cũng đều hít dầu gió. Nó bảo, con có hít hêrôin đâu mà các cụ lo!”. Thật ra, trong dầu gió có các thành phần là menthol, eucalyptol và camphor... Nếu lạm dụng, hít dầu gió quá nhiều có thể để lại một số hệ lụy không tốt cho sức khỏe như khô niêm mạc làm tổn thương khoang mũi, hoặc dẫn đến tình trạng khó thở, tăng huyết áp, chóng mặt...

Ông bác sĩ khuyên: “Cấm thì khó nhưng nên khuyên các cháu chớ dùng tùy tiện. Đừng quá lạm dụng, thỉnh thoảng hít thì không có vấn đề gì, nhưng nếu khi hít dầu gió nhiều, thấy rát trong mũi hoặc nhận ra những bất ổn thì phải dừng ngay”.

Điều gì đặt ra sau khi người trẻ chạy theo các xu hướng bắt chước, tham gia các trào lưu trên mạng xã hội? Đó là hội chứng đám đông, bị tác động, bị kích thích làm theo, thiếu cân nhắc, bất kể lợi hại. Vì vậy mọi người, nhất là lứa tuổi học sinh, cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ các xu hướng, “trò chơi” trên mạng, đặt sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội lên trên hết.

Một chuyên gia tâm lý nổi tiếng khuyên rằng, những người trẻ tuổi hãy luôn nhớ rằng, trí tuệ mới chính là thứ giúp bạn thành công, thành người dẫn dắt. Không nên bỏ thời gian và công sức để chạy theo xu hướng mới hay sống ảo, tìm cảm giác lạ giải khuây nhất thời. Hãy tận dụng thời gian để học tập, đọc sách, quan sát và suy ngẫm để thu nhập kiến thức, làm giàu vốn sống, hình thành kỹ năng để tạo ra thành quả.

Hải Đường

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bat-pen-hit-dau-gio-nhung-trend-nguy-hiem-719359.html
Zalo