Bắt nhịp học tập sau kỳ nghỉ Tết
Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, các trường học chấn chỉnh nề nếp, đảm bảo sĩ số học sinh trở lại trường ngay từ những ngày đầu năm. Trên lớp, giáo viên cũng có những phương pháp sáng tạo để thú hút sự hứng thú của học sinh.
Hứng khởi với những tiết học sôi động
Sáng 6/2, trong tiết giáo dục địa phương ở lớp 12B4, Trường THPT Phú Lộc, cô giáo Hoàng Thị Thanh Liễu tạo không khí vui vẻ, hào hứng cho học sinh bắt nhịp lại với việc học bằng cách vừa học vừa chơi. Dạy về các tác giả văn học hiện đại của TP. Huế, với nhân vật Đạm Phương nữ sử, cô giáo Thanh Liễu dẫn dắt học sinh bắt đầu bài học bằng ca khúc “Huế tình yêu của tôi” và kích thích sự tham gia sáng tạo của học sinh bằng câu hỏi: “Theo em, Huế có những vẻ đẹp nào khiến chúng ta yêu mến, tự hào và người ở xa đến cũng yêu Huế?”.
Theo cô giáo Thanh Liễu, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên không dò bài cũ, cũng không dạy cứng nhắc theo phương pháp truyền thống nên thuận lợi trong tổ chức các hoạt động thu hút học sinh vào bài giảng. “Cũng tùy lớp mà giáo viên tổ chức hình thức cho phù hợp, vừa tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học vừa để các em bắt nhịp, quay lại nề nếp học tập. Để “đẩy lùi” tư tưởng uể oải sau kỳ nghỉ Tết, tôi tổ chức bài học theo các dạng thức trò chơi, hoạt động nhóm và lì xì bằng điểm thưởng. May mắn là học sinh của tôi có ý thức kỷ luật tốt, đi học đầy đủ sau Tết và rất phấn chấn, chăm học”, cô Liễu nói.
Cũng trong sáng 6/2, lớp 2/2 của Trường tiểu học Lý Thường Kiệt khởi đầu buổi học bằng chương trình giao lưu thú vị cùng một gia đình du khách người Đan Mạch. Trong chuyến du lịch Việt Nam, đến Huế, gia đình này mong muốn đến thăm một lớp 2 của trường vì hai cô con gái của họ cũng ở độ tuổi này. Trong không khí vui tươi của những ngày đầu năm mới, các em học sinh hào hứng, tự tin giao lưu cùng người nước ngoài, vui vẻ khi nhận lì xì mừng tuổi từ những vị khách phương xa. Sự thân thiện của giáo viên và các cô cậu học trò nhỏ cũng để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách. “Tôi đã đến thăm nhiều trường học trên thế giới nhưng không nơi nào ngọt ngào và thân tình như trường học ở Việt Nam”, du khách đến từ Đan Mạch chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Nguyên Quỳnh Anh, giáo viên chủ nhiệm của lớp 2/2, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết, trong những buổi học đầu năm, cô tổ chức nhiều hoạt động tạo sự hứng khởi cho học sinh, như giao lưu, lì xì, liên hoan bằng bánh kẹo Tết... “Sau Tết, học sinh thường thích chơi hơn học. Thay vì học theo cách thông thường, tôi bắt nhịp cho học trò bằng cách học thông qua chơi và đưa ra các hình thức phù hợp. Để ôn lại bảng cửu chương, tôi tổ chức cho học sinh phân nhóm và viết các phép tính nhân, chia lên bảng. Nhóm nào viết được nhiều hơn sẽ chiến thắng và được thưởng. Cũng là lì xì đầu năm nhưng thay vì lì xì đồng loạt cả lớp, tôi ra các bài tập, tổ chức các hoạt động, bạn nào làm tốt sẽ được bốc lì xì và các con hào hứng tham gia. Tất nhiên, giáo viên sẽ có cách tổ chức để tất cả học sinh đều được nhận lì xì để ai cũng cảm thấy vui vẻ, công bằng”.
Không để dư âm Tết kéo dài
Để tránh tình trạng học sinh tiếp tục nghỉ học sau Tết, các trường học đều làm tốt công tác truyền thông đến phụ huynh và học sinh ngay trước và sau Tết. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên kết nối với phụ huynh để cùng nhắc nhở học sinh đến trường. Nhờ thế, tại nhiều trường học, sĩ số các lớp được đảm bảo. Tại Trường THPT Phú Lộc, sau 1-2 hôm đầu còn một số học sinh nghỉ học do về quê ăn Tết chưa về kịp hoặc vì lý do sức khỏe, đến ngày 6/2, cơ bản học sinh đi học đông đủ.
Những ngày đầu đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết, Trường THPT Thừa Lưu không có hiện tượng học sinh nghỉ học. Toàn trường có trên 1.400 học sinh và các em đi học đông đủ sau Tết. Thầy giáo Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Thừa Lưu cho hay, dù số lượng học sinh của trường khá đông nhưng học sinh các lớp đã đi học trở lại bình thường, nhanh chóng ổn định nề nếp học tập. Nhà trường cũng tổ chức một số hoạt động, như sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ 2 - ngày đầu đi học, tổ chức giải bóng đá cấp trường để tạo hứng khởi cho học sinh trở lại trường.
Sau kỳ nghỉ dài, học sinh vẫn còn tâm lý vui chơi, mất tập trung nên những buổi học đầu tiên, các trường đều đưa ra giải pháp giúp học sinh bắt nhịp với việc học. Ngoài việc nhắc nhở học sinh điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt, ôn lại kiến thức đã học, các trường THCS, THPT cũng triển khai tư vấn hướng nghiệp cho học sinh hoặc tổ chức cho học sinh đăng ký các lớp học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Điều này kéo học sinh ra khỏi dư âm của kỳ nghỉ Tết và học hành nghiêm túc.
Trên lớp, giáo viên đều có những phương pháp sáng tạo để học sinh bắt nhịp lại với việc học. Cô giáo Hồ Thị Xuân Sang, giáo viên Trường THCS Nguyễn Chí Diểu chia sẻ: “Ở những buổi học đầu năm, tôi cho học sinh kể lại những trải nghiệm, trình bày cảm nhận, suy nghĩ, những việc đã làm được trong kỳ nghỉ Tết. Sau đó, biểu dương, lì xì bằng những món quà nhỏ cho những học sinh có những việc làm tốt, tiêu biểu, giúp đỡ gia đình trong dịp Tết. Ngoài ra, tôi cũng tạo trò chơi lì xì đầu năm bằng các câu hỏi ngắn vừa liên quan đến bài học, vừa liên quan đến các hoạt động Tết vừa qua. Ở lớp tôi chủ nhiệm, tôi luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nhắc nhở, động viên các em lấy lại tinh thần học tập sau kỳ nghỉ”.