Bất ngờ với những nghiên cứu công nghệ chế biến và bảo quản của sinh viên

Nhóm sinh viên Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) và ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) đoạt giải nhất cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024.

Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ phối hợp cùng Trường ĐH Công Thương TP HCM tổ chức ngày 23-11 đã trao 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các đội thi xuất sắc trên cả nước.

Cuộc thi năm nay được tổ chức với 2 bảng: bảng A gồm các đề tài, giải pháp công nghệ trong chế biến; bảng B gồm các đề tài, giải pháp công nghệ trong bảo quản.

Giải nhất cuộc thi thuộc về Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM)

Giải nhất cuộc thi thuộc về Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM)

Ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, cho biết chỉ trong 2 tháng triển khai, ban tổ chức đã tiếp nhận 60 đề tài và có hơn 200 thí sinh trên cả nước tham gia.

Cuộc thi mong muốn tìm kiếm các công trình nghiên cứu, sản phẩm về quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản lương thực - thực phẩm mới, công nghệ kiểm tra nông sản sau thu hoạch, bao bì, mẫu mã mới,… Đồng thời, tạo sân chơi giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, sản phẩm mang tính đột phá...

Ở bảng B, là đội thi duy nhất chỉ có 1 thành viên, sinh viên Nguyễn Hoàng Phúc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đã xuất sắc đoạt giải nhất với dự án nghiên cứu về bảo quản dưa lưới bằng than hoạt tính.

"Than hoạt tính được tạo ra khi than sinh học được hoạt hóa với Kali permanganat (KMnO4). Khi cho than hoạt tính 1 lượng vừa đủ vào thùng chứa dưa lưới, nó sẽ hấp phụ và oxy hóa khí ethylene sinh ra trong quá trình dưa lưới chín. Qua đó, làm trì hoãn sự xuất hiện đỉnh ethylene cũng như đỉnh hô hấp. Nhờ vậy, quá trình bảo quản của dưa lưới sẽ được kéo dài hơn hơn 3-5 ngày, ngoài ra còn duy trì được chất lượng trái sau thu hoạch" – Hoàng Phúc cho biết.

Giải nhì là Dự án màng thực phẩm có khả năng đổi màu của nhóm sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Dự án áp dụng tinh chất curcumin từ cây nghệ để bảo quản nông sản và trái cây sau thu hoạch của sinh viên Học viện Hành chính quốc gia đoạt giải ba.

Quá trình bảo quản dưa lưới bằng than hoạt tính do sinh viên Nguyễn Hoàng Phúc nghiên cứu

Quá trình bảo quản dưa lưới bằng than hoạt tính do sinh viên Nguyễn Hoàng Phúc nghiên cứu

Cuộc thi tìm kiếm các nhà nghiên cứu trẻ, dự án sáng tạo mang tính ứng dụng cao vào đời sống

Cuộc thi tìm kiếm các nhà nghiên cứu trẻ, dự án sáng tạo mang tính ứng dụng cao vào đời sống

Ở bảng A: Giải nhất thuộc về Dự án Nghiên cứu trà nở hoa nghệ thuật từ hoa súng xanh của nhóm sinh viên Trường ĐH Duy Tân, giải nhì thuộc về dự án Snack không chiên từ mầm đậu xanh và gạo mầm của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; giải ba thuộc về quy trình chế biến một số sản phẩm từ sâm bố chính của nhóm nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bat-ngo-voi-nhung-nghien-cuu-cong-nghe-che-bien-va-bao-quan-cua-sinh-vien-196241124101518847.htm
Zalo