5 giải pháp xử lý rác thải thực phẩm, tránh lãng phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Mỗi năm, Việt Nam có 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, tương đương 3,9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP của cả nước. Vì vậy, việc xử lý rác thải thực phẩm trở nên vô cùng cấp thiết.
Tuy nhiên, công tác xử lý rác thải thực phẩm hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Việc chậm xử lý nguồn rác thải này sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường sống và sức khỏe con người.
Hậu quả ít người biết về rác thải thực phẩm
"Nếu không xử lý kịp thời rác thải thực phẩm, hậu quả có thể rất nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người", tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng (Đại học Lạc Hồng, tỉnh Đồng Nai) nhấn mạnh.
Trước hết là hậu quả đối với môi trường. Khi rác thực phẩm phân hủy tại bãi rác trong điều kiện yếm khí sẽ tạo ra khí methane (CH₄) - một loại khí nhà kính có khả năng làm nóng hành tinh mạnh hơn 25 lần so với CO₂. Việc này góp phần gây biến đổi khí hậu, làm tăng nhiệt độ toàn cầu, dẫn đến băng tan, nước biển dâng và thời tiết cực đoan.
Nước rỉ từ rác thực phẩm chứa chất hữu cơ và hóa chất độc hại có thể ngấm vào đất, gây mất cân bằng dinh dưỡng và làm đất trở nên cằn cỗi. Các chất độc hại trong nước rỉ có thể phá hủy hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Nước rỉ rác có thể xâm nhập vào nguồn nước ngầm hoặc sông suối, gây ô nhiễm và làm nước không còn an toàn để sử dụng. Các hợp chất như amoniac, photpho từ rác thực phẩm khi vào nguồn nước có thể gây hiện tượng phú dưỡng, làm tảo phát triển quá mức, giết chết các sinh vật dưới nước do thiếu oxy.
"Rác thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng rác thải. Nếu không xử lý, các bãi rác sẽ nhanh chóng bị quá tải dẫn đến nhu cầu mở rộng thêm diện tích chôn lấp, gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên", tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này.
Bên cạnh việc ô nhiễm môi trường, rác thải thực phẩm còn gây ra hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe con người. Và mối nguy hại đầu tiên có thể nhìn thấy trước mắt, đó chính là sự phát tán dịch bệnh. Rác thực phẩm không được xử lý là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus và nấm mốc gây bệnh sinh sôi. Những loài côn trùng và động vật như ruồi, chuột, gián bị thu hút bởi rác thực phẩm có thể lây lan bệnh tật cho con người.
"Rác thực phẩm đại diện cho lãng phí tài nguyên lớn, bao gồm nước, năng lượng, đất đai và lao động đã được sử dụng để sản xuất chúng.
Mỗi năm, Việt Nam có 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, tương đương 3,9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP của cả nước".
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh
Cùng với đó, rác thực phẩm phân hủy sinh ra mùi hôi thối, ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Khi tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm từ rác thực phẩm có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, dị ứng hoặc kích ứng mắt, mũi, cổ họng.
Chưa kể, rác thực phẩm bị vứt bỏ bừa bãi gây mất mỹ quan, làm giảm giá trị môi trường sống và ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch, kinh doanh và chất lượng cuộc sống.
Biện pháp nào mang tính căn cơ?
Hiện nay, vấn đề rác thải thực phẩm tại Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng. Nước ta là quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực về chỉ số lãng phí thức ăn. Phần lớn thực phẩm bị lãng phí xuất phát từ các thói quen sinh hoạt như chế biến thừa khẩu phần ăn hoặc tâm lý "để phần" cho người vắng mặt.
Ngoài ra, một phần lớn người tiêu dùng để thức ăn trong tủ lạnh nhưng quên mất, dẫn đến việc thực phẩm bị hỏng và không còn ăn được. Các loại thực phẩm lãng phí nhiều nhất ở Việt Nam bao gồm cơm, bún, phở, thịt cá nấu chín và rau củ.
"Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ từ người dân đến các cơ quan chức năng", tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh đưa ra 5 giải pháp cụ thể như sau:
- Thứ nhất là tái sử dụng và phân phối lại thực phẩm. Thực phẩm còn sử dụng được nhưng không tiêu thụ hết có thể quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc ngân hàng thực phẩm để hỗ trợ người khó khăn. Việc làm này giảm lãng phí thực phẩm và giúp đỡ cộng đồng.
- Thứ hai là làm phân bón hữu cơ (Composting). Chuyển hóa rác thực phẩm thành phân bón thông qua quá trình ủ tự nhiên hoặc cưỡng bức. Đối với quá trình ủ phân bón hữu cơ thường dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí, tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt.
- Thứ ba là sản xuất khí sinh học (Biogas). Rác thực phẩm được xử lý trong các bể phân hủy kỵ khí để tạo ra khí methane (CH₄), dùng làm nhiên liệu hoặc sản xuất điện. Đây là phương pháp chuyển hóa rác thực phẩm thành nguồn năng lượng tái tạo, sau đó chúng ta có thể tận dụng chất thải sau khi sản xuất khí biogas để làm phân bón. Đối với giải pháp này đòi hỏi lượng rác hữu cơ nói chung và rác thải thực phẩm nói riêng phải đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu tạo ra khí methane trong quá trình phân hủy kỵ khí.
- Thứ tư là chế biến thức ăn chăn nuôi. Sử dụng rác thực phẩm (đặc biệt là rau, củ, quả và cơm thừa) làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ưu điểm của phương pháp này là giảm chi phí mua thức ăn chăn nuôi, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên. Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi của bà con nông dân đã tận dụng nguồn rác thải thực phẩm này kết hợp với quá trình chế biến để tạo ra nguồn thức ăn cho chăn nuôi.
- Thứ năm là chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là phương pháp dành cho rác thực phẩm không thể xử lý bằng các phương pháp khác, chôn lấp kết hợp thu hồi khí methane để sản xuất năng lượng. Đối với phương pháp này thì có ưu điểm là: Tiện lợi, chi phí thấp hơn so với nhiều phương pháp khác. Tuy nhiên, nó có thể có nguy cơ gây ô nhiễm đất và nước nếu không được quản lý chặt chẽ.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh cũng khẳng định, việc giảm rác thải thực phẩm không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và sinh thái. Lợi ích đối với môi trường là làm giảm phát thải khí nhà kính; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; giảm áp lực lên bãi chôn lấp. Đối với lợi ích kinh tế là tiết kiệm chi phí (nếu quản lý tốt thì sẽ tiết kiệm được 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí).
Ngoài ra, tiết kiệm chi phí vận chuyển và xử lý rác thải thực phẩm. Bên cạnh đó, giảm lượng thực phẩm bị loại bỏ tại các giai đoạn sản xuất và tiêu thụ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng thực phẩm; chuyển rác thực phẩm thành sản phẩm giá trị (phân bón hữu cơ, khí sinh học) tạo ra cơ hội kinh doanh mới.
Kiểm soát rác thải thực phẩm còn mang lại lợi ích đối với xã hội, đó là giảm đói nghèo. Thực phẩm dư thừa, nếu được phân phối lại thay vì bỏ đi, có thể hỗ trợ những người khó khăn, góp phần giảm đói nghèo. Ngoài ra, các chiến dịch giảm rác thải thực phẩm thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của người dân về việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách bền vững.