Bất ngờ với 2 dị vật nằm trong đường thở của bé trai 6 tuổi

Sau 2 lần gắp dị vật đường thở, bé trai 6 tuổi (trú tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) vẫn còn viêm phổi nặng do tình trạng tắc nghẽn kéo dài và đang tiếp tục được điều trị kháng sinh, thở ô xy hỗ trợ.

Chiều 4/4, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công bé trai 6 tuổi bị mắc một lúc nhiều dị vật đường thở.

 Đèn LED nhỏ trong suốt nằm ở phế quản thùy dưới phổi phải của bệnh nhi được gắp ra ngoài.

Đèn LED nhỏ trong suốt nằm ở phế quản thùy dưới phổi phải của bệnh nhi được gắp ra ngoài.

Bệnh nhi trên là Y.S.N. (SN 2019, trú tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).

Thông tin ban đầu cho biết, ngày 2/4, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng khó thở, nghe phổi có ran rít, ran ngáy lan tỏa, đặc biệt ở phổi phải.

Người nhà bệnh nhân cho hay, cách đây 1 tháng, ở nhà trẻ có biểu hiện ho kéo dài, điều trị nhiều nơi không đỡ. Sau đó, triệu chứng ho càng nhiều, khó thở tăng dần, đặc biệt về đêm nên gia đình đưa trẻ nhập viện.

Sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhi, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiến hành chụp X-quang phổi.

 Dị vật cục tẩy bút chì.

Dị vật cục tẩy bút chì.

Kết quả nghi ngờ hình ảnh dị vật cản quang nhỏ, có dấu hiệu xẹp phổi khu trú và tăng sáng phổi phải gợi ý tắc nghẽn một phần.

Ngay sau đó, trẻ được tiến hành gây mê nội khí quản và nội soi phế quản. Kết quả phát hiện dị vật là một đèn LED nhỏ trong suốt, nằm ở phế quản thùy dưới phổi phải, gây viêm nhiễm và bít tắc một phần phổi phải. Sau đó, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành gắp dị vật thành công.

Sau khi gắp dị vật bóng đèn LED, các bác sĩ theo dõi và phát hiện những triệu chứng của trẻ vẫn không thuyên giảm hoàn toàn.

Nhận thấy tình trạng khó thở không tương xứng với tổn thương phổi, các bác sĩ đặt ra nghi vấn về sự tồn tại của một dị vật khác. Theo đó, bệnh nhi được các bác sĩ tiếp tục chỉ định chụp CT Scan tầm soát toàn diện. Kết quả bất ngờ khi phát hiện thêm một dị vật khác ở cửa mũi sau.

Chiều 3/4, các bác sĩ tiếp tục thực hiện nội soi cửa mũi sau và gắp ra dị vật là một cục tẩy bút chì, không rõ đã mắc kẹt bao lâu.

Sau 2 lần gắp dị vật, hiện trẻ vẫn còn viêm phổi nặng do tình trạng tắc nghẽn kéo dài và đang tiếp tục được điều trị tại Khoa Nhi Tổng hợp với kháng sinh, thở ô xy hỗ trợ, đồng thời, theo dõi sát diễn biến hô hấp.

 Bệnh nhi Y.S.N. đang được điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhi Y.S.N. đang được điều trị tại bệnh viện.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), trường hợp này không chỉ là một ca lâm sàng hiếm gặp mà còn nhắc nhở về tầm quan trọng của việc kiểm tra toàn diện khi điều trị dị vật đường thở ở trẻ nhỏ. Một dị vật có thể bị bỏ sót, nhưng hai dị vật nối tiếp nhau như thế này thực sự là một câu chuyện hy hữu.

Vẫn theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, hóc dị vật đường thở là một cấp cứu thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi dưới 5 tuổi do đặc điểm tò mò, thích đưa đồ vật vào miệng. Tuy nhiên, việc chẩn đoán có thể gặp nhiều khó khăn khi dị vật trong suốt hoặc không cản quang, dẫn đến điều trị chậm trễ và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Do đó, phụ huynh nên thận trọng khi cho trẻ chơi những món đồ nhỏ, dễ nuốt hoặc ăn các loại thực phẩm có xương nhỏ hoặc hạt. Nếu nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra./.

Nguyễn Chính

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/bat-ngo-voi-2-di-vat-nam-trong-duong-tho-cua-be-trai-6-tuoi-175495.html
Zalo