Bất ngờ trước những suy nghĩ về gia đình của trẻ em

Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, nơi nào có nhà, nơi đó hạnh phúc. Khi ta đang đi tìm hạnh phúc của chính mình hãy ngoảnh lại nhìn xem, từ trái tim có biết bao rung động khi thấy cả nhà được cùng nhau ăn bữa cơm sum vầy, không ai vắng mặt và mỗi người đều nở một nụ cười trên môi.

 Tranh vẽ của cháu Nguyễn Phương Chi, học sinh lớp 4 Trường Archimedes Academy (Hà Nội)

Tranh vẽ của cháu Nguyễn Phương Chi, học sinh lớp 4 Trường Archimedes Academy (Hà Nội)

Nguyễn Bảo Châu, 14 tuổi, học sinh Trường THCS Khương Mai (Hà Nội)

"Gia đình là một nơi để 'vì'. 'Vì' ở đây không phải là 'vì sao' (why) mà là vì ai đó mà sẵn sàng hy sinh hay làm điều gì đó. Vì muốn các con được đi học, muốn gia đình được ấm no thì cha mẹ hàng ngày đi làm kiếm tiền, làm ngày làm đêm và có khi làm quên cả thời gian dành cho bản thân.

Vì con, vì cháu mà ông bà từ quê lên chăm sóc các cháu, quên rằng mình đã già. Vì muốn cha mẹ vui và tự hào nên các con chăm chỉ học tập, nghe lời cha mẹ… Những điều 'vì' trên đây đều hướng về những người thân yêu trong gia đình. Khi ta mệt mỏi với cuộc sống, với thế giới ngoài kia thì hãy nhớ rằng luôn có một 'vì sao', luôn âm thầm tỏa sáng chờ đợi chúng ta trở về".

Hoàng Việt Khánh An, 12 tuổi, học sinh Trường THCS Thanh Xuân Trung (Hà Nội)

"Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, nơi nào có nhà, nơi đó hạnh phúc. Khi ta đang đi tìm hạnh phúc của chính mình hãy ngoảnh lại nhìn xem, từ trái tim có biết bao rung động khi thấy cả nhà được cùng nhau ăn bữa cơm sum vầy, không ai vắng mặt và mỗi người đều có một nụ cười trên môi.

Bức tranh của em Trình Nhã Uyên, 11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Tam Hiệp (Hà Nội)

Bức tranh của em Trình Nhã Uyên, 11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Tam Hiệp (Hà Nội)

Gia đình không phải lúc nào cũng có những tiếng cười... Nhưng khi nhìn lại, có phải nơi bao dung nhất là nhà, nơi được tự do nhất cũng là nhà? Ra ngoài xã hội rộng lớn mới thấm thía rằng, khi ta vấp ngã trên đường đời, khó có ai giúp đỡ. Về đến nhà thì xung quanh mọi người đều cổ vũ, giúp ta trở thành một phiên bản tốt hơn.

Có thể khi ở nhà, ta là một 'con cá' được thỏa thích vùng vẫy, ra xã hội mới thấy ta nhỏ bé nhường nào. Hãy luôn trân trọng sự hạnh phúc ấy khi còn có thể, bạn nhé!".

Trình Nhã Uyên, 11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Tam Hiệp (Hà Nội)

"Gia đình của em mỗi lúc lại có một tên, có thể là 'chiến tranh lạnh', là 'những lời ca ngọt ngào' hay cả 'nỗi nhớ nhung đáng để tự hào'. Một mái nhà ấm áp, nơi mà em xuất phát và dừng lại, mỗi khi muốn bỏ cuộc em lại nghĩ đến niềm hy vọng của cả nhà.

Tất cả những đam mê mà em đang theo đuổi đều nhờ vào lời động viên và cố gắng của mẹ, sự hy vọng của cha, niềm mong đợi của em gái. Em yêu tất cả mọi thứ thuộc về gia đình. Em yêu mùi hoa thơm ngát mà mẹ cắm trong phòng khách. Yêu những giây phút sum họp thật ấm áp bên nhau trong phòng ăn.

Bức tranh “Nhà mình bên nhau” của cháu Bùi Mai Khuê, 14 tuổi, học sinh trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội)

Bức tranh “Nhà mình bên nhau” của cháu Bùi Mai Khuê, 14 tuổi, học sinh trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội)

Yêu cả những lời ngộ nghĩnh của em gái. Gia đình em tuy không phải lúc nào cũng hoàn hảo nhưng mọi người luôn cố gắng thấu hiểu và cùng nhau tiến lên. Em chỉ mong cả nhà lúc nào cũng hạnh phúc, ấm êm, luôn cổ vũ động viên nhau".

Bùi Lê Vân Khánh, 11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội)

"Nếu con có 3 điều ước, con sẽ dành điều ước đầu tiên cho bố, một nhà ngoại giao luôn bận rộn với công việc. Bố con làm việc tại Trung Đông, nơi có nhiều 'điểm nóng' xung đột. Bố phải đi làm từ 6 giờ sáng đến tận 8 giờ tối, có lúc đã hơn 1 giờ đêm mà điện thoại vẫn reo.

Con mong sao nơi đó sẽ được hòa bình, ổn định để bố con và đồng nghiệp không phải vất vả làm việc. Điều thứ 2, con ước ông ngoại vẫn còn sống. Dù ông đã mất khi mẹ mới thi đại học nhưng con luôn bị cuốn hút vào những câu chuyện ký ức của mẹ về ông. Ông ngoại con là người hơi lạnh lùng, không hay thể hiện ra bên ngoài, dẫu vậy ông luôn âm thầm chăm sóc cho gia đình.

Bức tranh của em Bảo Ngọc

Bức tranh của em Bảo Ngọc

Mẹ con vừa đi học về, ngoài trời mưa tầm tã khiến mẹ mệt mỏi, vứt mọi thứ lăn lóc trên sàn nhà. Ông hiểu được cảm xúc của mẹ, ông gấp áo mưa, dọn dẹp giúp mẹ. Ông không bao giờ để các con lười hoạt động. Ông sẽ làm diều, gấp giấy, nghĩ ra thật nhiều trò chơi. Cuối cùng, con ước bà ngoại con không còn đau chân.

Bà cũng như ông ngoại vậy! Bà động viên, công nhận những nỗ lực của mọi người. Con chẳng nói con thích ăn gì, bà vẫn nấu món khoái khẩu của con. Bà luôn bên con, chia sẻ những khó khăn, cổ vũ con. Bà muốn con trở thành cô gái đảm đang, tuyệt vời.

Bà cho rằng mình còn sống thì phải dành điều tốt đẹp cho con cháu. Trong lúc làm vườn, bà bị đứt dây chằng ở chân. Sau nhiều tháng chữa trị, bà đã đi lại được nhưng di chứng để lại rất nặng nề".

Nguyễn Quỳnh Giang, 14 tuổi, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn

"Gia đình là nơi chứa đựng những kỷ niệm vui vẻ, hạnh phúc và cũng là nơi chúng ta được ăn những bữa cơm gia đình ấm áp, đầy ắp tiếng cười. Chúng ta sẽ luôn được nghe những lời động viên mà ít khi được nghe từ người ngoài.

Khi tập đi, bố mẹ nói: 'Cố lên bé con của bố mẹ, con giỏi lắm, con sắp làm được rồi'. Khi đi học: 'Cố lên con, dù chữ con không được như cô viết nhưng đó là nét đẹp của riêng con'. Khi ôn thi, bố mẹ nói: 'Cố lên con, bố mẹ tin con làm được, bố mẹ sẽ luôn hỗ trợ con'.

Khi đi làm, bố mẹ sẽ nói: 'Dù khó khăn cũng không sao con à, nếu con cảm thấy công việc áp lực thì hãy về nhà với bố mẹ'. Khi thất bại, bố mẹ nói: 'Thất bại chỉ là một thử thách trên con đường đến thành công, con hãy nhớ rằng con vẫn luôn có bố mẹ ở bên'.

PV (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bat-ngo-truoc-nhung-suy-nghi-ve-gia-dinh-cua-tre-em-20240628102437969.htm
Zalo