Bất động sản thương mại Đô Lương: 'Miếng bánh' ngon nhưng hiếm
Trong bức tranh phát triển kinh tế - đô thị của miền Tây Nghệ An, Đô Lương đang dần nổi lên như một trong những trung tâm năng động và có tốc độ chuyển mình mạnh mẽ nhất. Bất động sản thương mại vì vậy trở thành 'miếng bánh' mà nhiều nhà đầu tư muốn sở hữu, nhưng nguồn cung lại đang ở mức khan hiếm.
Sự trỗi dậy của nhu cầu thương mại nội địa và liên vùng
Không còn là một huyện thuần nông mang dáng dấp truyền thống, những năm gần đây Đô Lương đang dần bước vào giai đoạn tái định vị toàn diện từ cấu trúc hành chính đến hệ thống giao thông liên vùng.
Bước ngoặt lớn nhất trong năm 2025 là phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn huyện Đô Lương. Theo dự thảo phương án sáp nhập hành chính, số đơn vị xã tại Đô Lương có thể giảm mạnh xuống còn khoảng 6 đơn vị hành chính cấp xã.

Đô Lương dự kiến sẽ tinh gọn chỉ còn 6 xã, hướng tới sự phát triển hiệu quả và bền vững
Đây được đánh giá không chỉ là một thay đổi về tên gọi hay địa giới, mà là sự tái cấu trúc toàn diện không gian phát triển và quy hoạch. Thương mại nội địa do đó có nhu cầu tăng mạnh vì khi các đơn vị hành chính trở nên lớn hơn, người dân và doanh nghiệp sẽ có xu hướng mở rộng quy mô kinh doanh để phục vụ những đối tượng mới. Từ các mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận tải cho đến các trung tâm phân phối vật liệu xây dựng, thiết bị điện tử… đều sẽ có xu hướng mở rộng hoặc tìm kiếm mặt bằng thương mại phù hợp để đón đầu nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong nội địa.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò then chốt của hệ thống giao thông trong việc kích hoạt dòng chảy đầu tư và mở rộng nhu cầu thương mại. Cùng với quá trình sáp nhập, các tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ 7A, Quốc lộ 7C và cầu Đò Cung đều đang được thực hiện đồng bộ. Nếu như Quốc lộ 7A đóng vai trò kết nối Đô Lương với thành phố Vinh thì Quốc lộ 7C lại mở ra hành lang phát triển xuyên vùng, từ Đô Lương ra các huyện miền Tây Nghệ An. Cầu Đò Cung sau khi hoàn thiện không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Đô Lương với Thanh Chương, mà còn tạo trục phát triển mới về kinh tế giữa hai vùng.
Việc xây dựng các tuyến đường chiến lược đó tạo nên các trục thương mại xuyên suốt, đóng vai trò là “mạch máu” vận chuyển hàng hóa và kích thích tiêu dùng liên vùng. Mỗi một bước nâng cấp hạ tầng đều kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái thương mại – từ các cửa hàng bán lẻ, sạp chợ, nhà kho cho tới chuỗi dịch vụ hậu cần, tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm và kinh doanh nhỏ lẻ cho người dân.
Cơ hội vàng trong giai đoạn tiền sáp nhập
Cùng với giao thông mở rộng, lưu lượng người, hàng hóa và dịch vụ đổ về Đô Lương đang gia tăng rõ rệt, đặc biệt vào các dịp cuối tuần, lễ hội hay những đợt cao điểm thương mại, kéo theo nhu cầu về mặt bằng kinh doanh ngày càng cao.
Một thực tế dễ nhận thấy là tại các tuyến đường như Quốc lộ 7, Quốc lộ 15A hay Quốc lộ 46, nhiều hộ kinh doanh sẵn sàng trả giá cao để thuê được một vị trí mặt tiền. Đơn cử ở khu vực chợ Đô Lương trên Quốc lộ 7 – được xem là khu vực giao thương sầm uất và lớn nhất huyện những năm qua đều ghi nhận tình trạng tăng giá thuê, mua quầy ki-ốt kinh doanh. Điều đó chứng minh rằng nguồn cầu mặt bằng thương mại tại Đô Lương đang ngày càng trở nên cấp thiết, khi nền kinh tế địa phương dịch chuyển nhanh từ sản xuất sang dịch vụ - thương mại.
Tuy nhiên, nguồn cung bất động sản thương mại hiện nay tại Đô Lương vẫn cực kỳ hạn chế. Trong khi nhu cầu mở cửa hàng, trung tâm dịch vụ và chuỗi bán lẻ tăng cao, toàn thị trường mới chỉ có một vài dự án được quy hoạch bài bản, có thể kể đến như Đô Lương Central Park – khu tổ hợp nhà phố thương mại với khả năng khai thác kinh doanh tốt. Ngoài ra, chợ Đô Lương với vị trí ngay Quốc lộ 7 và quy mô thương mại vượt trội dù rộng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đang được kỳ vọng sẽ được nâng cấp, tái cấu trúc để phát triển rộng hơn, phục vụ nhiều hộ kinh doanh hơn trong tương lai gần.
Sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu đang đẩy giá trị bất động sản thương mại tại Đô Lương tăng lên từng đợt, nhất là sau mỗi chính sách lớn được công bố liên quan đến quy hoạch hành chính, mở rộng đô thị hay nâng cấp hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2023 – 2025, giá đất thương mại tại một số trục quốc lộ chính tại Đô Lương đã ghi nhận mức tăng khoảng 25–30%, với nhiều vị trí chạm ngưỡng 60-65tr/m² tùy khu vực. Hiện tại giá đất vẫn tiếp tục thiết lập mặt bằng cao hơn, đặc biệt tăng nhanh tại các vị trí có bán kính 1 km quanh các dự án mới.
Có thể nói, Đô Lương đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới về đô thị, trong đó thương mại – dịch vụ giữ vai trò động lực, còn bất động sản thương mại là công cụ nắm giữ và khai thác dòng tiền bền vững. Trong bối cảnh thị trường đang thiếu nguồn cung, hạ tầng ngày một hoàn thiện và cơ quan hành chính đang được tái cơ cấu, bất động sản thương mại tại Đô Lương rõ ràng không chỉ là “miếng bánh ngon” mà còn là “miếng bánh hiếm”, là loại tài sản chiến lược không dễ thay thế trong dài hạn.