Bất động sản hút gần 2,4 tỷ USD vốn FDI trong quý đầu năm

Quý 1/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt hơn 2,39 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 44,1% so với cùng kỳ...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường bất động sản đến nay đã có nhiều chuyển biến. Trong đó, dòng vốn vào thị trường cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2025 của Bộ Xây dựng cho biết đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn giải ngân đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 49,2%; vốn điều chỉnh là 1,68 tỷ USD, tăng nhẹ 4,2%; góp vốn, mua cổ phần đạt 2,19 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vốn FDI giải ngân ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,39 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 44,1% so với cùng kỳ.

NHÀ ĐẦU TƯ TIN TƯỞNG VÀO THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Bộ Xây dựng lý giải sở dĩ bất động sản Việt Nam trở nên “hấp dẫn” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, gần các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có khả năng học hỏi và thích nghi công nghệ nhanh và chi phí lao động thấp so với nhiều quốc gia của khu vực.

Hơn nữa, Việt Nam còn được các nhà đầu tư đánh giá thời gian qua đã không ngừng cải thiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp… để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với chính sách ưu đãi thuế, thuê đất dài hạn, thủ tục hành chính đang được số hóa và đơn giản hóa…

“Nguồn vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong quý 1/2025 đạt được kết quả nổi bật, cả về tốc độ tăng trưởng và chất lượng dòng vốn. Đây là một dấu hiệu tích cực phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam, đồng thời là động lực quan trọng cho phục hồi và phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp, và du lịch”, Bộ Xây dựng nhận định.

Một số dự án FDI nổi bật là dự án Tổ hợp sân golf và khách sạn tại Hưng Yên, dự án bao gồm hai hệ thống sân golf 54 lỗ, mạng lưới khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu dân cư hiện đại, có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; dự án Tháp Phương Trạch tại Hà Nội, chủ đầu tư là liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), quy mô gồm tòa tháp cao 600m với 108 tầng, dự kiến trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam, là trung tâm của dự án thành phố thông minh rộng 272 ha tại huyện Đông Anh, tổng vốn đầu tư 1,55 tỷ USD cho hạ tầng và đất đai…

Ngoài ra, về tín dụng, báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tính đến 28/2/2025, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.488.332 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2% so với quý 4/2024 (1.460.914 tỷ đồng).

Thực tế, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bao gồm đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại được khuyến khích mở rộng tín dụng vào những dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, đặc biệt là dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp... Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, tương đương việc bổ sung 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và chính sách khác.

TRÁI PHIẾU PHỤC HỒI NHƯNG VẪN DÈ DẶT

Trong khi đó, quý 1/2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản đã trải qua những biến động đáng chú ý. Cụ thể, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tổng giá trị phát hành mới đạt 25.130 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Sự sụt giảm này, nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do thiếu hoạt động phát hành riêng lẻ.

Phát hành ra công chúng đạt 23.130 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, cao nhất trong 5 năm qua nhờ đóng góp của các ngân hàng và công ty chứng khoán là chủ yếu.

Các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu chiếm khoảng 30,3% tổng giá trị phát hành mới. Ngành bất động sản dẫn đầu về mua lại trái phiếu với tỷ trọng 58,6% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 11.361 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 181.892 tỷ đồng, trong đó, nhóm bất động sản chiếm 53,1% với 96.527 tỷ đồng. Trong quý 1/2025, có 3 trường hợp chậm trả lãi mới với giá trị 4.854 tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản và xi măng.

Số liệu cho thấy sự phục hồi nhưng còn dè dặt trong phát hành mới, tổng giá trị phát hành mới toàn thị trường đạt 25.130 tỷ đồng, nhưng phần bất động sản chỉ chiếm khoảng 30,3%, theo đó, dù có sự cải thiện về phát hành ra công chúng (tăng 68% so với cùng kỳ) nhưng hầu hết doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa sẵn sàng quay lại huy động vốn mạnh mẽ qua trái phiếu như các năm trước đây.

Thời gian tới, để giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững và ổn định, Chính phủ, Bộ Xây dựng và bộ ngành liên quan, các địa phương sẽ tập trung vào việc tạo ra môi trường pháp lý ổn định, kiểm soát và xử lý các vi phạm, đồng thời đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, phát triển hạ tầng và điều chỉnh chính sách tín dụng....

Hoàng Bách

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-dong-sanhut-gan-2-4-ty-usd-von-fdi-trong-quy-dau-nam.htm
Zalo