Hải Phòng từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh

Hải Phòng đang từng bước tạo ra những kết quả thiết thực trong 'xanh hóa' phát triển kinh tế, thu hút đầu tư kinh doanh.

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), năm 2024, lần đầu tiên TP. Hải Phòng ghi danh ở vị trí quán quân trong bảng xếp hạng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), khẳng định vị thế tiên phong trong nỗ lực phát triển xanh và bền vững.

Bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2024

Bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2024

Cụ thể, Hải Phòng xếp hạng PGI cao nhất cả nước với tổng điểm đạt 29. Xếp sau lần lượt là Vĩnh Long (28,16 điểm), Hà Nam (28,04), Bắc Ninh (27,78) và Bình Dương (27,64). Trong các chỉ tiêu xanh, mua sắm công ở các tỉnh, thành có mức cải thiện lớn từ góc nhìn doanh nghiệp. Trong số hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, 83% cho rằng chính quyền đã ưu tiên mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ các nhà cung cấp thân thiện với môi trường, tăng 13% so với năm trước. Xét về giá, 79% doanh nghiệp phản ánh chính quyền sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ xanh, tăng 14%.

PGI là bộ chỉ số mới, nhằm đánh giá chất lượng quản trị môi trường của chính quyền địa phương dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ số này phản ánh mức độ thân thiện môi trường trong sản xuất – kinh doanh, mức độ đầu tư của địa phương vào hạ tầng xanh, cũng như tính sẵn sàng của chính quyền trong việc hỗ trợ các sáng kiến vì môi trường.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, việc dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số PGI đã khẳng định quyết tâm của Thành phố trong việc trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế của thành phố gắn với bảo vệ môi trường; định hướng doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy sự cải thiện chính sách và thực thi chính sách phát triển xanh của thành phố nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của thành phố, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thực tế, với những lợi thế đặc biệt, tầm nhìn dài hạn và hành động nhất quán, TP Hải Phòng đang quyết tâm trong việc triển khai mô hình tăng trưởng xanh thông qua hệ thống các chủ trương, chính sách ngày càng được hoàn thiện, bám sát định hướng của Trung ương.

Tháng 1/2025, địa phương này đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố giai đoạn 2021- 2030. Theo đó, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh TP. Hải Phòng được ban hành dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) là một kế hoạch đảm bảo đầy đủ các nội dung hoạt động và nhiệm vụ theo yêu cầu tại Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được triển khai tổ chức hiệu quả, thể hiện sự tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ về tăng trưởng xanh của địa phương.

Với những lợi thế đặc biệt, tầm nhìn dài hạn và hành động nhất quán, TP. Hải Phòng đang từng bước hiện thực hóa lộ trình tăng trưởng xanh và bền vững. Ảnh: Việt Dũng

Với những lợi thế đặc biệt, tầm nhìn dài hạn và hành động nhất quán, TP. Hải Phòng đang từng bước hiện thực hóa lộ trình tăng trưởng xanh và bền vững. Ảnh: Việt Dũng

Đặc biệt, theo quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng đề ra mục tiêu đến năm 2050 là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển, logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Bên cạnh đó, tại chương trình hành động thực hiện chủ đề năm 2025 của TP Hải Phòng, địa phương này cũng chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 năm 2050, trong năm 2025, TP Hải Phòng tập trung 3 nhiệm vụ đề án giảm phát thải CO2 tại huyện Cát Hải, giảm phát thải khí CO2, khí mê tan của ngành giao thông, vận tải. Cùng với đó, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị... đều có những hoạt động để giảm phát thải khí nhà kính.

Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo, đại diện cấp cao các nước, các đoàn chuyên gia, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến Hải Phòng đặt mối quan hệ hợp tác hay tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, định hướng về một Hải Phòng “xanh”, phát triển bền vững luôn là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo thành phố đề xuất, gợi ý trong chiến lược hợp tác lâu dài.

Hải Phòng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, công nghiệp và cảng biển hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp (KCN) đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên.

Hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT kéo theo lượng điện tiêu thụ hằng năm lên tới khoảng 2,76 tỷ kWh và tăng thêm 15% mỗi năm; lượng nước thải lên tới 8 triệu m3/năm; rác thải 1,5 triệu tấn/năm. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn và nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường khác. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc và là lợi thế cạnh tranh trong tình hình mới.

Nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của địa phương trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Hải Phòng luôn nhất quán quan điểm “Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội”.

Thành phố đã xây dựng Đề án Phát triển theo hướng đô thị cảng biển xanh, văn minh, hiện đại, đô thị kinh tế - đô thị sinh thái theo hướng quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sử dụng đất bám sát mục tiêu tăng trưởng xanh. Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng được định hướng trở thành KKT ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, trở thành hình mẫu thực hiện chuyển đổi xanh trong các KCN, KKT.

KCN DEEP C là 1 trong số 5 KCN trên cả nước tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh theo mô hình sinh thái. Ảnh: Huy Dung

KCN DEEP C là 1 trong số 5 KCN trên cả nước tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh theo mô hình sinh thái. Ảnh: Huy Dung

Bên cạnh đó, Thành phố còn ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là minh chứng cho quyết tâm này. Bắt nhịp xu thế đó, một số KCN trên địa bàn đang đi đầu trong chuyển đổi xanh, tiêu biểu là các KCN DEEP C và Nam cầu Kiền, 2 trong số 5 KCN trên cả nước tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh theo mô hình sinh thái.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trong các KCN cũng đang tích cực chuyển đổi xanh bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên vật liệu tái chế, và hướng tới các mục tiêu ESG, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và người lao động.

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo. Trong đó từng bước chuyển đổi các KCN hiện hữu theo hướng sinh thái và bền vững, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và công nghệ carbon thấp; thực hiện đồng bộ các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp số, tự động hóa trong quản lý và vận hành KCN; xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn cao về tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-tung-buoc-hien-thuc-hoa-muc-tieu-tang-truong-xanh-d289225.html
Zalo