Bất chấp thách thức, kinh tế Anh được kỳ vọng khởi sắc
Một số nhà đầu tư tin 'tăng trưởng dài hạn của Anh có thể phục hồi sau thời gian dài suy giảm kể', đồng thời chỉ ra rằng xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn châu Âu có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Anh.
Một số nhà đầu tư đang bày tỏ sự lạc quan ngày càng lớn về triển vọng kinh tế Anh, trong bối cảnh các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày càng đối đầu thương mại căng thẳng với Mỹ. Tăng trưởng kinh tế Anh, vốn ảm đạm trong ba năm qua, được kỳ vọng sẽ khởi sắc phần nào vào năm 2025, với dự báo tăng trưởng 1,4% của Bank of America.
Lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục giảm về gần mức mục tiêu trong những tháng tới, thị trường lao động tuy đang có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn duy trì sự ổn định, trong khi chính phủ Anh đang tập trung mạnh mẽ vào việc thúc đẩy tăng trưởng và giảm thâm hụt ngân sách quốc gia.
Sự lạc quan từ các nhà đầu tư Mỹ
Sanjay Raja, nhà kinh tế về Anh tại Deutsche Bank, cho biết trong một chuyến công tác gần đây tới Mỹ, ông nhận thấy một "cảm giác lạc quan đang nhen nhóm" về kinh tế Anh – điều đã không xuất hiện trong một thời gian dài.
Theo ông Raja, các yếu tố chính góp phần vào triển vọng này bao gồm việc Anh dịch chuyển theo hướng nới lỏng quy định, tăng chi tiêu vốn, khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại mạnh mẽ với EU trong năm tới, và kỳ vọng rằng Anh sẽ "giữ được vị thế tốt với Mỹ" khi chiến tranh thương mại nổ ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thể hiện thiện chí miễn cho Anh khỏi các lệnh áp thuế trừng phạt, và kỳ vọng này càng gia tăng sau khi Thủ tướng Anh Keir Starmer có chuyến thăm thân thiện tới Nhà Trắng vào tháng Hai.

Kinh tế Anh được kỳ vọng sẽ khởi sắc phần nào vào năm 2025 (Ảnh: Getty Images)
"Các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh cũng xuất hiện trong các cuộc trao đổi với khách hàng, có sự lạc quan gia tăng rằng Anh có thể tránh được các mức thuế cao và trực tiếp", ông Raja nhận định.
Một số nhà đầu tư tin "tăng trưởng dài hạn của Anh có thể phục hồi sau thời gian dài suy giảm kể", đồng thời chỉ ra rằng xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn châu Âu có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Anh.
Dẫu vậy, vẫn có những lo ngại, đặc biệt là việc bán tháo trái phiếu chính phủ Anh hồi tháng Một, tình trạng hạn chế tài khóa và tính bền vững của các biện pháp cắt giảm chi tiêu, theo Raja.
Rủi ro thương mại vẫn hiện hữu
Dù Anh có thể tránh được những lời đe dọa gay gắt nhất từ Tổng thống Trump – chẳng hạn như mức thuế 200% đối với rượu nhập khẩu từ EU – nước này vẫn không hoàn toàn miễn nhiễm trước xu hướng bảo hộ thương mại của Washington.
Gabriella Dickens, chuyên gia kinh tế nhóm G7 tại AXA Investment Managers, lưu ý rằng Anh vẫn bị ảnh hưởng bởi các mức thuế mới của Mỹ đối với thép và nhôm. Năm 2024, Anh đã xuất khẩu tổng cộng 370 triệu bảng thép sang Mỹ, chiếm 9% tổng giá trị xuất khẩu thép của nước này, theo tổ chức thương mại UK Steel. Xuất khẩu nhôm của Anh sang Mỹ đạt khoảng 225 triệu bảng vào năm ngoái, theo Hiệp hội Nhôm Anh.
Ngoài ra, Anh cũng sẽ chịu tác động nếu thương mại toàn cầu suy giảm, đặc biệt là khi điều này khiến nhu cầu từ các đối tác quan trọng như EU yếu đi hoặc sự bất ổn nói chung làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, bà Dickens chia sẻ với CNBC.
"Niềm tin của nhà đầu tư có thể được củng cố nếu Anh tránh được các đợt áp thuế tiếp theo, đặc biệt là khi căng thẳng thương mại với EU gia tăng", bà nói. Trong trường hợp Tổng thống Trump thực sự áp mức thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa EU, "Anh có thể hưởng lợi đáng kể" vì các nhà sản xuất có thể tìm cách chuyển hoạt động sang nước này.
Dù vậy, Anh vẫn có cơ hội tránh được các mức thuế bổ sung, bởi nước này không có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, và phần lớn xuất khẩu sang Mỹ thuộc lĩnh vực dịch vụ. Hơn nữa, chính phủ Anh đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng giúp nước này tránh được phần nào sự chỉ trích của ông Trump đối với các quốc gia khác.
Nguy cơ từ chính sách thuế của Mỹ
Lindsay James, chiến lược gia đầu tư tại Quilter Investors, cũng nhấn mạnh tác động hiện tại của thuế thép và nhôm đối với Anh, đồng thời cảnh báo về rủi ro từ các biện pháp thuế trả đũa của Mỹ dự kiến được công bố vào đầu tháng Tư.
"Dường như Nhà Trắng đang coi VAT là một dạng thuế quan, khiến Anh một lần nữa rơi vào tầm ngắm của chính sách thương mại Mỹ", James nói với CNBC.
"Dù thực tế có thể đang bị Nhà Trắng cố tình diễn giải sai nhằm đạt lợi thế đàm phán, Anh vẫn chưa thể yên tâm. Nếu lấy các yêu cầu của Tổng thống Trump về Ukraine làm ví dụ, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong tương lai cũng có thể đi kèm với cái giá rất đắt".
James bổ sung rằng dù chính phủ Anh đang cải thiện nền tảng kinh tế trong dài hạn, tăng trưởng vẫn yếu trong ngắn hạn, khi doanh nghiệp đối mặt với chi phí cao hơn do ảnh hưởng từ ngân sách năm ngoái, cũng như các vấn đề liên quan đến lực lượng lao động già hóa và suy giảm sức khỏe.
"Dù thị trường chứng khoán Anh vẫn hưởng lợi nhờ được coi là một điểm đến phòng thủ, với mức định giá khởi điểm khiêm tốn và hiệu suất mạnh mẽ từ các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn như dầu khí và tài chính, sự khác biệt giữa hiệu suất thị trường và nền kinh tế thực có thể khiến chỉ số vốn hóa lớn tiếp tục vượt trội so với cổ phiếu trong nước", bà nhận định.
Lê Anh (Theo CNBC, Theguardian)